Tại khóa họp thứ 20 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Geneva (Thụy Sĩ) từ 18-6 đến 6-7-2012, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và các nhóm hoạt động về nhân quyền đã ra tuyên bố về tính bất hợp pháp trong hoạt động của các máy bay không người lái xét trên công pháp quốc tế hiện hành.
Theo họ, bản thân công nghệ máy bay không người lái không sai sót, nhưng mục tiêu mà nó nhắm đến thường không rõ ràng, chỉ dựa vào các thông tin tình báo liên quan đến những kẻ tình nghi khủng bố hoặc những khu vực nghi ngờ xảy ra hoạt động khủng bố. Chính vì vậy, thách thức đặt ra là làm sao đảm bảo rằng thường dân vô tội không có mặt tại nơi mà máy bay không người lái sẽ tiêu diệt mục tiêu.
Máy bay không người lái phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu
Các nhà hoạt động về nhân quyền ởPakistanđã lên án hình thái chiến tranh đặc biệt này và kêu gọiWashingtonthể hiện nhiều hơn nữa tính minh bạch và tinh thần trách nhiệm cao. Hina Shamsi, giám đốc Dự án An ninh Quốc gia thuộc tổ chức Liên minh các quyền Tự do dân sự Mỹ (ACLU) cho rằng tình trạng thiếu minh bạch trong các hoạt động quân sự của Mỹ xuất phát từ “các tiêu chuẩn bảo mật hợp pháp” của chính quyền Mỹ. Năm 2011, ACLU nộp đơn kiện chính quyền Mỹ, yêu cầu làm rõ việc sát hại ba công dân Mỹ tại Yemen, đồng thời bày tỏ sự lo ngại là các vụ giết hại “những kẻ tình nghi khủng bố” đã được máy bay không người lái tiến hành tại những nơi xa chiến trận và không có tính minh bạch. Đây sẽ là một tiền lệ nguy hiểm có thể được nhiều nước áp dụng với những hậu quả khó lường. Riêng Tom Engelhardt, đồng tác giả một quyển sách viết về cuộc chiến bằng máy bay không người lái, luật chơi trong trường hợp này là một nước sử dụng quyền tối thượng để vi phạm chủ quyền của một nước khác. Hiện có trên 50 quốc gia đã sở hữu, đang sản xuất hay dự định mua máy bay không người lái và loại phương tiện này có nguy cơ chuyển từ một hình thái công nghệ sang một chính sách nhất quán. Mặt khác, việc bất chấp biên giới quốc gia và không đủ khả năng phân biệt dân thường với bọn khủng bố đã khiến cho máy bay không người lái trở thành một thách thức lớn đối với chính quyền Mỹ và những quốc gia liên quan.
Đáp lại những chỉ trích trên, Chính phủ Mỹ vừa công bố một tài liệu dày 50 trang xác định quan điểm là dù Cơ quan Tình báo Mỹ CIA có quyền sử dụng máy bay không người lái hay không thì nhiều cuộc hành quân của quân đội Mỹ cũng phải được bảo mật. Các phương tiện truyền thông Mỹ, trong đó có tờ New York Times và hãng tin AP, cũng lên tiếng bảo vệ lập trường của chính quyền Washington và cho rằng số thường dân bị thương vong do những cuộc tấn công của máy bay không người lái ít hơn nhiều so với các nguồn tin từ chính quyền Pakistan, và phần lớn những kẻ bị tiêu diệt là thành viên các tổ chức khủng bố. Một sự thật không thể phủ nhận là cái chết của các thường dân vô tội do máy bay không người lái gây ra sẽ chia rẽ chính quyền Mỹ với một số nước đồng minh như Pakistan, Afghanistan… và các tổ chức khủng bố sẽ lợi dụng điều này để tuyên truyền và tuyển mộ thêm người. Liên Hiệp Quốc đang đứng trước một sự chọn lựa tế nhị, sao cho vừa bảo vệ được người dân vô tội tại các khu vực có bọn khủng bố trà trộn, vừa góp phần hữu hiệu vào công cuộc chống khủng bố.
Lê Nguyễn tổng hợp