Chưa từng nghĩ rằng mình có thể trở thành một nhân vật tâm điểm của những tạp chí nổi tiếng dành cho giới kinh doanh như Fortune, Mary Barra, tân Tổng giám đốc (CEO) của General Motors (GM) vừa được bổ nhiệm đầu năm nay, cũng không ngờ rằng mình lại có thể được xếp vào những vị trí đầu bảng trong danh sách Những phụ nữ quyền lực nhất (Most Powerful Women) của tạp chí này.
Là người con gái đầu tiên trong gia đình học lên đại học, sau thời gian theo học tại Viện General Motors (nay là Đại học Kettering), Barra khởi nghiệp với vị trí của một kỹ sư thực tập ở một nhà máy của Pontiac. Đây cũng là nhãn hiệu của một nhà sản xuất xe hơi mà cha của Barra đã gắn bó suốt 39 năm với vai trò của một người thợ đúc khuôn.
Nhờ đạt được tiến bộ nhanh qua chương trình đào tạo của hãng xe hơi này, Barra đã nhận được học bổng của Trường Stanford để có được tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh vào thập niên 1990.
Trong sự nghiệp của mình, Barra đã trải qua nhiều vị trí và công việc khác nhau, từ trợ lý cho cựu CEO Jack Smith, giám đốc nhà máy lắp ráp, giám đốc nhân sự, đến giám đốc phát triển sản phẩm toàn cầu, thu mua và chuỗi cung ứng. Được nhận xét là người khiêm tốn, Barra luôn “để cái tôi của mình xuống”, can đảm theo đuổi sự sáng tạo và đổi mới.
Khi là giám đốc nhân sự sau thời kỳ GM tuyên bố phá sản vào năm 2009, Barra đã từng rất nổi tiếng với sách lược đơn giản hóa các quy định áp dụng cho nhân viên và cắt giảm bản quy chuẩn về trang phục gồm 10 trang còn hai từ “Dress appropriately” (ăn mặc thích hợp).
Ở vị trí của một giám đốc sản xuất, Barra đã tái cơ cấu Opel, một công ty con của GM ở châu Âu có trụ sở tại Đức, thúc đẩy GM đưa ra thị trường những chiếc xe tốt hơn đồng thời tinh giản các cơ sở hạ tầng sản xuất. Hiện nay, GM đang xếp hạng 22 trong danh sách Fortune 500 (500 công ty hàng đầu thế giới) và là nhà sản xuất xe hơi lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Toyota.
Thoát ra khỏi nợ nần và đã có lợi nhuận trở lại, nhưng xem ra nhãn hiệu này vẫn chưa trở lại thời hoàng kim khi giá cổ phiếu của nó ở thị trường Mỹ chỉ mới tăng ở mức 17,5%/năm so với con số 33%/năm của năm 1994. Điều đó cũng có nghĩa là nhiều thử thách vẫn đang chờ đón Barra ở phía trước. Vị nữ CEO này còn có những điểm đặc biệt gì và có những định hướng gì trong thời gian tới?
Dưới đây là những chia sẻ của Barra trích từ một cuộc phỏng vấn với Fortune được thực hiện trong tháng 2 vừa qua sau sự kiện bà nhậm chức CEO chính thức vào ngày 15-1-2014.
Có phải một trong những mục tiêu của bà là đưa GM trở thành một nhà sản xuất xe hơi có khả năng sinh lợi lớn nhất?
Mục tiêu của chúng tôi là đưa General Motors trở thành một công ty sản xuất xe hơi có giá trị nhất. Rõ ràng, đó chính là mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận bền vững và đem lại nhiều thu nhập hơn cho các cổ đông.
Điều quan trọng nhất mà bà sẽ theo đuổi ở vị trí của một CEO là gì?
Tôi sẽ tập trung vào nhiều việc. Một trong số đó là tiếp tục thiết kế, xây dựng và bán những loại xe tốt nhất cho tất cả các phân khúc mà chúng tôi đã chọn để cạnh tranh. Tôi nghĩ chúng tôi có cơ hội rất lớn để tiếp tục xây dựng những nhãn hiệu mới và củng cố hai nhãn hiệu toàn cầu của General Motors là Cadillac và Chevrolet. Phải đảm bảo rằng ở mỗi thị trường được chọn để cạnh tranh, chúng tôi đều có lãi và cân đối tốt về tài chính, bởi đây là một ngành kinh doanh có tính chu kỳ.
Khi là giám đốc nhân sự, bà đã tinh giản các quy định và chính sách. Lúc là giám đốc phát triển sản phẩm, bà cũng đã giảm bớt các cấp quản lý và các cơ sở sản xuất.Vậy ở cương vị của một CEO, bà dự định cắt giảm điều gì?
Vẫn còn cơ hội để chúng tôi giảm bớt sự phức tạp. Tôi thật sự muốn trao quyền cho nhân viên để họ sáng tạo hơn. Chúng tôi đang có những dự án mới, chẳng hạn đưa ra thị trường nhãn hiệu Volt. Nhưng tôi cũng muốn sự sáng tạo phải được phát huy ở cả các cấp quản lý cao nhất. Theo tôi, sáng tạo có nghĩa là tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng.
Thách thức lớn nhất hiện nay của General Motors là gì, thưa bà?
Tôi muốn trả lời cho câu hỏi này như trả lời cho câu hỏi “Cơ hội lớn nhất của chúng tôi là gì?”. Chúng tôi hiện có một vị thế rất mạnh ở Trung Quốc và chúng tôi cần củng cố vị thế này. Một cơ hội khác là Cadillac. Chúng tôi đang có những sản phẩm phù hợp cho những phân khúc khách hàng phù hợp và sẽ quyết tâm giữ vững vị thế của một nhãn hiệu xe hơi thật sự sang trọng.
Bà có thể chia sẻ triết lý nghề nghiệp của mình?
Cả bố và mẹ tôi đều sinh ra trong thời kỳ đại khủng hoảng của thế giới. Trung thực và chăm chỉ là những giá trị đã ăn sâu vào trong bản chất của họ. Tôi cũng áp dụng những điều ấy vào trong mọi công việc của mình. Tôi còn đánh giá cao sức mạnh của tinh thần làm việc đồng đội.
Bạn sẽ thu được những kết quả tuyệt vời hơn nếu bạn có được một đội ngũ nhân viên đoàn kết, cùng hướng đến một mục tiêu chung trong mọi suy nghĩ và hành động, hiểu được vị trí của họ trong công ty và định hướng của công ty trong tương lai.
Bà có bao giờ đề xuất được thăng chức?
Chưa bao giờ.
Bà đã từng đề nghị được tăng lương?
Chưa bao giờ.
Bí quyết phát triển sự nghiệp của bà là gì?
Tôi thường nói rằng “Hãy làm mọi việc mà bạn đang phải làm như thể bạn sẽ làm điều ấy cho cả phần đời còn lại của mình và hãy chứng minh rằng bạn đang là người sở hữu công việc đó thật sự”. Bạn trung thực, làm việc hết mình với tinh thần làm việc đồng đội và kết quả tốt đẹp sẽ đến với bạn. Khi ấy, không cần phải đề nghị được thay đổi một công việc khác và bạn cũng không cần phải đòi hỏi được tăng lương.
Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của bà là khi nào?
Đó là khi tôi được đề bạt làm giám đốc nhân sự trong lúc công ty bị phá sản.Khi ấy, chúng tôi phải thay đổi cách nhìn về công ty từ bên trong lẫn bên ngoài.Trước đó, công việc của tôi chủ yếu gắn liền với kỹ thuật và vận hành.
Tôi đã học được rất nhiều từ vị trí này. Tôi đã làm việc gần gũi với nhiều nhân sự thâm niên về nhiều vấn đề mang tính chiến lược và những điều rút ra được đã giúp tôi rất nhiều khi đảm nhận vị trí giám đốc phát triển sản phẩm toàn cầu sau này.
Đã từng có ai khuyên bà không nên giữ chức giám đốc nhân sự vì vị trí này có vẻ phù hợp với những người phụ nữ muốn an phận và không có ý định leo lên những vị trí cao hơn?
Chắc chắn là có, kể cả những người bên trong và bên ngoài công ty.Nhưng tôi nghĩ đó là một cơ hội thật sự để bạn tạo ra được sự gắn bó hơn của nhân viên khi bạn khởi động một dự án lớn hơn sau này.Theo tôi, bộ phận nhân sự rất đáng được tôn trọng.
Không có kiến thức về nhân sự trước khi trở thành giám đốc nhân sự, cũng không có những hiểu biết cụ thể về sản phẩm trước khi lãnh đạo bộ phận phát triển sản phẩm, làm thế nào để bà có thể san lấp nhanh những khoảng cách kiến thức này?
Tôi luôn đặt ra nhiều câu hỏi và thể hiện mong muốn được học hỏi, được hiểu biết thêm những mảng chính trong hoạt động kinh doanh chính.Một lời khuyên khác mà tôi cũng muốn chia sẻ là hãy mạnh dạn thay đổi nếu bạn cảm thấy cần thay đổi.
Bà nghĩ gì về mẫu hình xe hơi cho tương lai?
Chúng tôi cho rằng các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường, vận hành tự động và có nhiều tính năng an toàn sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Mặt khác, do ngày nay con người gần như lúc nào cũng gắn liền với điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử tiêu dùng, nên tích hợp những thiết bị này vào xe hơi một cách an toàn, hạn chế sự phân tâm của người lái xe cũng là một xu hướng khác trong tương lai.