Trước trận đấu, mọi lá phiếu đều dồn cho Maria Sharapova, bất chấp việc Sara Errani có chuỗi trận thắng – bại trên sân đất nện ấn tượng nhất trong năm (24-3) và đã đánh bại cả ba nhà vô địch Grand Slam (Ivanovic, Kuznetsova, Stosur) để vào đến chung kết. Ở lần đụng độ đầu tiên này, Sharapova chỉ cần giao bóng tốt và gây sức ép lên cú giao bóng yếu của Errani là đủ tạo cách biệt. Diễn tiến trận đấu đã minh chứng cho những nhận định trên.
Sharapova nhanh chóng dẫn 4-0, trước khi thua bàn cầm giao bóng và kịp thắng ván này với tỷ số 6-3. Ván thứ hai (6-2) chỉ hơi căng thẳng ở bàn cầm giao bóng của Errani, khi tay vợt Ý hạt giống số 21 nỗ lực buộc Sharapova phải di chuyển nhiều hơn để không còn chiếm ưu thế trong đánh trả mạnh từ cuối sân nữa. Tuy vậy, tay vợt số 1 thế giới (Sharapova lên ngôi từ sau trận bán kết thắng Petra Kvitova) vẫn ghi đến 25 điểm thắng từ cuối sân so với bốn của Errani, dù tự đánh hỏng nhiều hơn, 29 lần so với 11.
“Đúng là không tưởng. Khi đoạtWimbledonlúc 17 tuổi vào năm 2004, tôi từng nghĩ rằng đó là thời điểm quý nhất trong sự nghiệp. Nhưng hôm nay khi quỳ gối trên sân, tôi hiểu rằng thời điểm này còn đặc biệt hơn thế”, Sharapova cho biết cảm tưởng trong cuộc họp báo, đồng thời không quên nhấn mạnh đến việc cô đã đứng dậy ra sao để vượt qua chấn thương thể chất (phẫu thuật vai) lẫn tinh thần (bị không ít người cho là đã hết thời sau khi rơi xuống hạng 126 thế giới). “Tôi không bao giờ tìm lý do bào chữa này nọ. Tôi đã tập luyện cật lực và rất tự hào về kết quả vừa đạt được”, cô nói.
Đã có quá nhiều tiền từ các giải đấu và hợp đồng quảng cáo, nhưng khi tình yêu dành cho quả bóng nỉ lớn hơn mọi thứ, Sharapova tiếp tục tiến bộ. Tiến bộ rõ nhất là về mặt thể lực, cô di chuyển tốt hơn và có thể chơi đôi công kéo dài trên mặt sân đất nện. Nhưng cô chỉ nghĩ đến khả năng đoạt Roland Garros kể từ sau trận thua Justine Henin với tỷ số 2-6, 6-3, 3-6 ở vòng ba giải 2010. “Tôi đã buộc cô ấy đấu đến ván thứ ba và đã chơi ngang ngửa với một trong những tay vợt xuất sắc nhất trên sân đất nện. Từ trận ấy, tôi nghĩ mình có cơ may đoạt Roland Garros một ngày nào đó”, tay vợt người Nga giải thích.
Sharapova đoạt Grand Slam đều vào các năm chẵn (Wimbledon 2004, US Open 2006, Australian Open 2008 và Roland Garros 2012), trở thành tay vợt nữ thứ 10 trong lịch sử hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam. Chiến thắng của cô cho thấy phần chóp của kim tự tháp quyền lực bắt đầu thật sự giống một cuộc chiến giữa các tay vợt hàng đầu. Bên ngoài sân đấu, giới quần vợt không giấu được cảm giác hài lòng về sự trở lại của Sharapova. “Maria là một siêu sao và có một siêu sao ở đỉnh cao bao giờ cũng là điều tốt lành”, huyền thoại Martina Navratilova nhận định. Về phần mình, cựu số 1 thế giới Lindsay Davenport không giấu được sự thán phục: “Cách nay ba năm, chỉ có Maria cùng với ê-kíp của mình tin rằng cô ấy có thể đạt được thành tích này. Hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam trong sự nghiệp đưa Maria lên tầm cao mới, dù cô ấy “chỉ” đoạt có bốn danh hiệu Grand Slam. Chấn thương vai của cô ấy hẳn đã kết thúc sự nghiệp của hầu hết các tay vợt nữ”.
Năm 2004, Sharapova gây bất ngờ khi vào đến tứ kết Roland Garros để rồi một tháng sau đó, cả thế giới biết đến tên cô tạiWimbledon. Lần này, cô háo hức chuẩn bị choWimbledonsau khi tận hưởng vài ngày nghỉ thoải mái cùng ê-kíp gồm huấn luyện viên Thomas Hogsted, chuyên gia thể lực Juan Reque và tay vợt đấu tập Cecil Mamiit. Ngoài Azarenka và Kvitova, người ta trông chờ Serena cất tiếng nói đáp trả trên mặt sân cỏ sắp tới.
Lê Tấn