Tả bữa cơm cúng tết, nhà thơ Trần Trung Phương viết: Tiếng pháo nổ rồi từng tràng pháo nổ, Trên bàn thờ mâm cỗ đã bày xong. Mẹ tôi đang châm dở nén hương vòng, Và xếp lại đĩa bồng mâm ngũ quả…
Bây giờ không còn Mẹ, cũng không nghe pháo nổ ở quê người, tôi vẫn giữ đủ các lễ nghi cho ba ngày tết, như hồi thấy Mẹ thường làm ở nhà. Gần tết thì lau chùi quét tước hết mọi ngõ ngách, ý là cái gì cũ kỹ dơ dáy thì tống hết nó ra. Chiều Ba mươi cúng rước ông bà. Sáng Mồng một cúng chay. Mồng hai cúng mặn. Mồng ba cúng bánh trái. Và Mồng bốn cúng tiễn. Tôi có đạo Chúa mà khói hương chùa chiền còn thường trực hơn lễ lạt nhà thờ, mở miệng ra thì Mô Phật chớ không Lạy Chúa.
Mặc dầu không biết là Thần Tài có đặt chân tới nhà mình không, tôi vẫn kiêng không dám quét nhà trong ba ngày tết, vì như vậy e chẳng khác nào đuổi ông ấy đi trong khi đáng lẽ vừa thấy ông thấp thoáng bên hàng xóm là mình đã phải lo trà rượu kèm theo nụ cười “cầu tài” trịnh trọng khăn đóng áo dài đứng chờ ở cửa. Hút ông ấy vào máy lại càng không nên, ai mà dám “hãm tài” như vậy?
Thầy tôi kể là cái trò dị đoan này do trong sách Sưu Thần Ký chép có một người lái buôn đi qua hồ Thanh Thảo, được Thủy Thần cho một con hầu tên Như Nguyện, đem về nhà chẳng bao lâu sau phất lên giàu có.
Một hôm đánh nó nhằm ngày Mồng một tết, nó chui vào đống rác biến mất. Từ đấy người lái buôn trở nên nghèo. Cho nên người Tàu kiêng đổ rác trong mấy ngày này, người Việt mình cũng theo lệ ấy, như thể nhà nào cũng có sẵn con Như Nguyện nũng nịu nằm ưỡn người đâu đấy.
Và trong ba ngày tết cũng không được hái hoa hái lá gì, “để cho nó ăn tết”, không nên đào xới đất, ồn ào ông Táo không trở về ở với mình thì quanh năm… cơm canh chẳng chín. Mẹ tôi vẫn bảo vậy. Cây lá đã thế, con sâu cái kiến thì lại còn tuyệt đối không được làm nó đau (nếu có nhã ý muốn cho nó đi luân hồi thì chịu khó chờ sau tết).
Cúng rước ông bà, tôi đốt rất nhiều giấy tiền vàng bạc. Cứ mỗi một xấp đôla hình như mấy trăm tờ, lại là bạc một ngàn, của Hell Bank (ngân hàng địa phủ) hẳn hoi – trong khi… Paradise Bank (ngân hàng thiên đàng) chỉ dám làm tới tờ một trăm – mà tôi đốt cúng tới sáu xấp. Thêm vào đó vài xấp vàng bạc, vài xấp vải đủ màu. Ông bà tha hồ đếm tiền mỏi tay. Vừa đốt vừa tha thiết khẩn cầu các cụ chia nhau trong tinh thần thuận hòa tương ái. Ai biết đâu được là họ chẳng bất hòa nhau vì giành giật? (Gây cho người khác ghen ghét là chuyện không nên). Thì hẵng cứ vái như vậy cho chắc. Đốt trong cái nồi cô-cốt, làm nó đen vì ám khói.
Quanh năm nấu phở, chà mãi thì cũng trắng ra, vừa tới dịp tết lại đen trở lại. Nhà tôi vẫn thường ớn cái trò này. Bởi tết luôn luôn là vào mùa đông, cúng kiếng và đốt vàng bạc đều làm trong nhà, cửa chỉ he hé vừa đủ cho ông bà lách người vào thôi. Một lần hàng xóm trông thấy, hoảng hốt hỏi: “Ủa Su ơi, bộ vous muốn đốt nhà hả”. Nhà tôi thường sốt ruột vì sợ cháy nhà thật, nhưng đố dám cấm tôi hậu đãi ông bà, tự do tín ngưỡng mà lại, chỉ nhẹ nhàng hỏi:
– Nhỏ ơi, mà em đốt chi nhiều dữ vậy?
Tôi nói nghiêm trang như thật:
– Mình kính ông bà nhiều thì ông bà sẽ cho mình nhiều.
Nhà tôi nghi ngờ:
– Hay có nhiều tiền quá ông bà lại rủ nhau đi casino thua hết sạch, chẳng cho mình cái gì.
Dị đoan số một, tôi cho như vậy là nói gở, vội trả lời, cũng nghiêm trang cứ như thật:
– Không có đâu, ông bà mình không ai có máu cờ bạc cả.
Nói là nói vậy chớ ông bà mình mình còn không rõ, chỉ biết trong gia phả ghi rằng ông Cao tôi là tướng, gốc người Hưng Yên cầm quân vô Quảng Ngãi, có những mười tám bà vợ, cưng bà Quảng Ngãi như gì, rồi lập nghiệp luôn ở cái đất mà ai cũng cho là khỉ ho cò gáy đó. Điều này ghi rành rành trên các bức hoành phi liễn đối thếp vàng treo ở hai nhà từ đường của hai chi phái. Biết thế thôi. Còn ông bà nhà chồng mình lại càng mù tịt hơn nữa, biết thế quái nào là không ai có máu cờ bạc?
– Vào lấy cho em cây cời. Có nhiều tờ không cháy hết, xuống dưới lại thành bạc rách thôi.
Vốn thông minh, nhà tôi nhanh trí nói ngay:
– Dễ mà, em đốt thêm cuộn băng keo, xuống dưới tờ nào rách thì ông bà dán lại. (Chép miệng) Đốt chi mà lắm vậy không biết!
Khói cuồn cuộn. Nhà tôi lại bảo:
– Nước mắt nước mũi ràn rụa như vậy thì không khéo ông bà lại hiểu lầm là mình cho
mà em còn tiếc của nên khóc.
Tôi bày những bốn bàn thờ: bàn thờ Phật, bàn thờ Chúa, bàn thờ ông Táo, và bàn cúng rước ông bà đặt gần cửa. Những lúc cúng kiếng tôi luôn luôn làm sếp chủ tế, nhà tôi xớ rớ cho tôi sai vặt. “Rót ba chén rượu!”. “Rượu gì em?”. “Em không biết, chắc là rượu khai vị cũng được”. “Rót cho bàn nào em?”. “Bàn nào cũng rót”. “Rót ba ly trà”. “Bàn nào cũng rót hả?”. “Đốt hai cây đèn cầy cho mỗi bàn. Đốt ba cây hương và vái”. “Vái cái gì em?”. “Trời ơi, thì vái là mình mời ông bà về ăn tết với mình”. “Anh lạy được chưa Nhỏ?”.
Và nhà tôi lạy, chẳng biết vái có ra trò trống gì không, nhưng chắc chắn trong lúc đó Đức Phật và Đức Chúa đang cụng ly trong tinh thần quân tử “hòa nhi bất đồng”. Nhà tôi vẫn lấy đó làm vui. Vào thời sinh viên, cứ tết đến là làm văn nghệ, có khi hai nhóm chống nhau, nhóm này đi xé áp phích quảng cáo của nhóm kia, rồi đánh nhau. Bây giờ thì bắt đầu về già, lại biết thế nào là cúng kiếng, là lạy là bái, là vái là cầu, nên thấy “rất ngộ”. Một cô bạn dặn tôi: – Trên bàn thờ cúng tết chị phải mua một trái mãng cầu, một trái dừa, một trái đu đủ với một trái xoài.
– Chi vậy?
– Tức là “cầu vừa đủ xài” đó mà. Trái mãng cầu là cầu, trái dừa là vừa, đu đủ là đủ, xoài là xài.
Tôi bật cười. Dân An Nam mình “an phận” thật, chỉ cần “đủ” thôi. Mà không biết như thế nào mới là đủ? Một chiếc hai ngựa cũng đủ, một chiếc BMW cũng đủ, ngay cả một chiếc Rolls-Royce cũng đủ chớ gì? Và dân mình “tri túc” thiệt, chỉ tiếc không có trái gì gọi là trái “dư”, nếu có thì trái đu đủ ắt đã không được ai chiếu cố trong ba ngày tết. Lại còn cái vụ hái lộc chùa đêm Giao thừa. Nhà tôi thì không đủ lãng mạn như nhà thơ Nhất Tuấn:
Ngày ấy xuân về em nhớ không,
Anh ra vườn hái một bông hồng,
Rồi cài lên tóc em anh bảo:
Mừng tuổi cho em (vợ của chồng)
Vì vậy, thỉnh thoảng tôi theo các cháu lên chùa gần nhà hái lộc và chờ lì xì của quý Thầy để tự mừng tuổi cho mình. Hết phần hành lễ, hai Thầy đứng hai bên phát lì xì cho chúng sanh. Nhận tiền chùa thì sẽ được phát đạt quanh năm, ăn như tằm ăn lên cũng không sao hết của. Xong, chúng tôi ra ngoài hái lộc. Trước khi đi đã thủ sẵn cái xìca- tơ. Năm nào mà sau Giao thừa, các cây nhà chùa chẳng trở thành trơ trụi? Có năm tôi cắt được một nhánh đào có hai nụ bụ bẫm. Ai cũng khen tốt. Thằng cháu xúi mua lô tô đi cô. Tôi mua. Sau ngày xổ số nó điện thoại xuống hỏi cô ơi trúng không. Không. Ủa sao lạ vậy kìa. Nghe nó nói một cách thất vọng, tôi bật cười.
Lại còn cái vụ người nào “đạp đất” sáng Mồng một là cũng góp phần vào việc suy vượng quanh năm của mình. Người nào coi vẻ mặt hắc ám, quanh năm nhăn nhó hay làm chỗ nào thì chỗ ấy sập tiệm, người nào ưa cãi cọ, xấu mồm xấu miệng, ác tâm ác khẩu, người nào hay la cà trà đình tửu điếm, người nào sát phạt đỏ đen… thì tốt nhất nên “nói khéo” thế nào để sáng Mồng một họ đừng lò mò tới thăm mình. Có người còn kỵ cả nước da ngăm ngăm nữa kia, cho nên sống ở xứ người, bà con nhớ dặn con cái chớ có chơi dại hẹn hò bạn Phi châu tới nhà ngày tết nhé!
Vì rất dị đoan nên tôi thường dặn thằng cháu mau mắn vui vẻ tới xông đất nhà tôi. Nghe các cháu sắp lên cầu thang, tôi mở cửa sổ ra dặn:
– Hưng lên trước.
Dưới sân có tiếng xê dịch đổi chỗ. Một đứa nói:
– Chưa tới Giao thừa mà cô?
– Cứ làm như vậy. Rồi tới Lộc, tới Thủy, rồi Hải.
Dưới sân lại đổi chỗ. Ý tôi sợ bọn trẻ lịch sự nhường chỗ cho đàn bà con gái lên trước, mà con cháu tôi có bịnh thường hay mè nheo, tôi e quanh năm mình sẽ không… cứng cáp chút nào!
Mồng một tết mà mình làm kiểu ở Rome và thành phố Naples là ném đĩa và khăn ăn qua cửa sổ thì hàng xóm sẽ gọi xe cứu thương tới chở mình vô cái nhà đại loại kiểu “Biên Hòa”.
Nếu như dân Chypre phải hắt xì lúc Giao thừa, không thì năm mới sẽ không được như ý, thì dân bị dị ứng tha hồ mọi sự mãn nguyện.
Nếu làm như dân Algérie thường vỗ vào mông nhau sau lời chúc mừng thì nhất định các ông mong tết hoài hoài.
Nếu làm như ở quần đảo Mergui (Ấn Độ Dương) người ta chúc nhau sụt đi một tuổi, mỗi năm một tuổi bớt đi, thì nhất định là các bà các cô hân hoan tuyệt đối, sẽ cảm thấy “trẻ mãi không già”.
Còn nếu quái gở cỡ dân Cameroun là các bà dùng một con rắn độc còn sống làm vòng đeo tai thì có khối người không thèm ăn tết! Thôi thì mình cứ… hạ quyết tâm làm những chuyện rất bình thường mà không thiếu phần ý nghĩa: gần ngày tết thì biếu xén bà con hàng xóm chút quà bánh, “của ít lòng nhiều”, như dân Tây có câu “Ý định mới là điều đáng kể”.
Và ngoài ra, phát cho anh hàng xóm bữa trước tông gãy hàng rào nhà mình mà làm thinh bỏ đi, một nụ cười sơn cước, thì có chết thằng tây nào đâu? Cứ ban cho bà hàng xóm lắm điều kia một lời chúc sức khỏe đi (để bà còn sức tiếp tục ba hoa) thì cũng có chết chị đầm nào cả.
Rồi tổ chức chơi tết trong đám anh em bè bạn, lì xì cho các cháu, ăn bánh chưng củ kiệu và thịt kho dưa giá, rồi xôi vò xôi gấc và không quên các thứ bánh mứt dân tộc, vân vân và vân vân, với bộ trái cây “cầu vừa đủ xài”, bộ không truyền thống và hấp dẫn à? Và cứ an vui thanh tịnh thì ngày nào với ta chả là ngày tết?
Mỗi tết bên này, nhớ về quê hương, nhớ gia đình, tôi lại bắt chước thiên hạ cắt mấy nhánh Liên Kiều làm mai, mua ít nhành đào về chưng. Và vẫn thường tự hỏi như Vũ Đình Liên:
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?
Paris, 2010
– Ảnh Hải Trung