Trong một cuối tuần muốn đi khỏi Paris, với ngân sách và thời gian đều hạn hẹp, chúng tôi quyết định bay đến đất nước mới chỉ quen thuộc với dân Tây Âu khoảng dăm năm gần đây. Đó là Lithuania, xứ sở nhỏ bé nằm bên bờ biển Baltic. Tám thế kỷ trước đây, công quốc Lithuania trở thành vương quốc lớn nhất Đông Âu và giữ được sự hùng mạnh đó trong suốt năm trăm năm. Trải qua bao biến động, ngày nay đất nước này bị thu nhỏ lại rất nhiều và chỉ còn có 4 triệu dân!
Kinh thành hổ phách
Tuyến bay giá rẻ của Ryanair không đưa chúng tôi đến thẳng thủ đô Vilnius mà hạ cánh ở thành phố Kaunas. Vậy là lúc nửa đêm, cả đoàn lại phải đón chuyến xe bus cuối về thủ đô cách đó gần 100 cây số. Thiếu ngủ một chút nhưng bù lại, buổi sáng mùa xuân ở Vilnius thật tuyệt vời: Cổ kính, tĩnh lặng và hết sức trong lành. Không khí mát lạnh khiến bữa sáng nóng sốt thịnh soạn trong quán cà phê gần trung tâm càng hấp dẫn. Do tiết kiệm được tiền máy bay và tiền phòng (phòng ở loại bình dân tại thành phố này chỉ tầm 20 euro một đêm), chúng tôi thoải mái chi tiền để khám phá ẩm thực. Lithuania từng chịu ảnh hưởng của Ba Lan, Nga, Đức, Phần Lan… nên phong cách ẩm thực khá phong phú, giá cả dễ chịu. Bữa sáng của chúng tôi mang đậm phong cách Đức với bánh bretzel kẹp bơ thơm nức và xúc xích trắng ăn với mù tạt ngọt. Ăn xong thì ánh nắng cũng chảy tràn trên phố xá, người ra đường bắt đầu tấp nập hơn. Dù là thủ đô nhưng Vilnius cũng không đông dân, quy mô thành phố đủ cho khách bộ hành thong thả rong chơi trong một ngày.
Khu phố cổ vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc gốc nhiều công trình được xây dựng theo trường phái gothique, thời kỳ phục hưng, baroque và cả những kiểu xây dựng truyền thống của cư dân bản địa. Đa số nhà cổ ở đây được xây trong khoảng từ thế kỷ thứ XIII đến XIX, ngôi nhà lâu năm nhất có tuổi đời lên đến 1.500 năm. UNESCO đã công nhận phố cổ Vilnius là di sản văn hóa thế giới, đồng thời là khu phố cổ lớn bậc nhất châu Âu. Có lịch sử giao tranh thường xuyên nên kiến trúc cổở đây bị tàn phá cũng nhiều, vậy mà hình như cứ đi chục bước chân lại thấy một nhà thờ cổ hay một bảo tàng. Tuy các công trình không đồ sộ như ở các thành phố Tây Âu nhưng rất cổ kính và trang trọng. Một trong những kiến trúc nổi bật của Vilnius là tòa tháp của lâu đài Gedimino được xây bằng gạch đỏ trên đỉnh đồi. Tại đây, có thể phóng tầm nhìn bao quát ra toàn cảnh thành phố với những nóc nhà ngói đỏ và những ngôi nhà tường nhiều màu.
Ngày nay, chiếc pháo đài hình bát giác vẫn ngự trị ngọn đồi mang tên vị quận công trước kia. Khám phá Vilnius không cần đến bản đồ vì những gì hấp dẫn nhất đều tụ tập xung quanh vài trục đường chính, trong đó có đường Pilies, với rất nhiều cửa hàng, gallery, quán cà phê nghệ thuật xinh đẹp. Xưa kia, hoàng gia và các phái đoàn đi sứ đều qua con đường này để đến lâu đài hoàng gia. Nhìn nhà thờ chánh tòa và các dinh thự lộng lẫy còn lại trên đại lộ Pilies, du khách có thể hình dung mức độ giàu có của công quốc Lithuania xưa, và cả lý do vì sao nơi đây trở nên giàu có. Pilies vẫn còn rất nhiều cửa hàng lớn nhỏ bán đồ lưu niệm và trang sức làm từ đá amber, hay còn gọi là hổ phách. Hổ phách có nguồn gốc từ nhựa thông bị chôn vùi dưới thềm đáy biển Baltic, trải qua nhiều triệu năm hóa thạch chuyển hóa thành đá cứng có màu giống mật ong và trong suốt. Ngành công nghiệp khai thác và xuất khẩu hổ phách chỉ có ở ven biển Baltic. Vào thời kỳ trung cổ, đây là một mặt hàng xa xỉ giúp cho nhiều thành phố ven biển Baltic phất lên, trong đó có Vilnius. Viện bảo tàng Amber Museum Gallery ở Vilnius có một gian trưng bày các sản phẩm hổ phách rất đẹp mắt. Với vài ba trăm ngàn đồng Việt Nam, du khách cũng có thể mua cho mình một món trang sức hổ phách nhỏ xinh xắn.
Khung trời nghệ thuật
Nằm đối diện với nhau qua con sông Vilnia trong trẻo hiền hòa, phố cổ và phố mới Vilnius mang lại vẻ đẹp vừa cổ xưa, vừa mới mẻ cho thủ đô. Những mảng công viên xanh tươi tràn ngập hoa mùa xuân mang lại sức sống cho thành phố ít có thế kỷ yên bình. Người dân Lithuania nhiều thế kỷ kiên cường chống chọi với các thế lực quá hùng mạnh ở xung quanh và cũng rất khéo léo trong việc hấp thu tinh hoa từ các nền văn hóa Đức, Nga, Bắc Âu. Vẻ đẹp tổng hòa đó thể hiện trong từng bích họa quý giá trong các nhà thờ, từng nét trang trí hoa mỹ trong trường đại học cổ nhất Đông Âu. Không chỉ quên thời gian với các bức tranh màu sắc trải dài theo phố lớn, trong những ngõ ngách chỉ dành cho khách bộ hành, chúng tôi cũng được chiêm ngưỡng rất nhiều phòng tranh hay phòng trưng bày nghệ thuật có giá trị. Vilnius có nhiều bảo tàng lớn và nổi tiếng, trong đó có bảo tàng Ngân hàng Tiền tệ khá đặc sắc. Nơi đây tái hiện lại một cách sống động lịch sử ra đời của hệ thống tiền tệ trên thế giới cũng như có nhiều trò chơi tương tác thú vị dành cho cả người lớn và trẻ em. Bên cạnh những thứ đó, điều làm du khách Tây Âu thích thú ở Lithuania có lẽ là nhịp sống và khung cảnh còn chưa quá hiện đại. Chúng tôi dễ dàng tìm thấy một khu chợ nhỏ xíu họp ở rất gần trung tâm thành phố. Đây là nơi nông dân mỗi cuối tuần thường chở nông sản, bánh trái nhà làm đến bán. Bên cạnh những xe củ quả, trái cây mơn mởn rực rỡ, quầy bán cá nướng và bánh mì, bánh ngọt được làm thủ công thật vô cùng hấp dẫn với hương thơm mộc mạc mà nồng ấm.
Buổi chiều cuối cùng ở Lithuania, chúng tôi đón xe bus đến lâu đài đảo Trakai, nơi được coi là biểu tượng của quốc gia này. Chặng đường 30 cây số đã đưa chúng tôi đến nơi có khung cảnh hoàn toàn khác với Vilnius. Đảo Trakai nằm khá gần bờ, trong một hồ nước trong xanh rộng mênh mông. Bao quanh hồ là vùng đồng quê trù phú với những làng xóm kiểu Bắc Âu rất duyên dáng. Đường đến lâu đài đi men theo hồ, qua những con đường làng đang nở đầy hoa táo trắng xóa. Được xây dựng vào thế kỷ XV với mục đích làm tấm bình phong bảo vệ thủ đô Vilnius, lâu đài Trakai sau đó trở thành nơi ở thường trực của nhiều thế hệ quận công Lithuania và nhờ thế trở thành một trung tâm chính trị quan trọng thứ hai chỉ sau thủ đô. Tuy mang mục đích quân sự nhưng lâu đài trông rất ấm áp với màu gạch nung đỏ cam và lối kiến trúc thanh lịch. Giữa một vùng đồng quê xanh, hồ nước xanh, màu đỏ cam rực rỡ của Trakai thật nổi bật và khi có ánh nắng chiếu vào, lâu đài nhìn từ xa trông như một khối hổ phách không chút tỳ vết.
Trakai có nhiều gian phòng liên quan đến các câu chuyện lịch sử hấp dẫn, nhưng thu hút tôi nhất vẫn là bảo tàng. Những hiện vật, đặc biệt là các trang phục truyền thống khiến tôi tưởng tượng ra cuộc sống phong phú, nhiều màu sắc của người dân Lithuania thời trung cổ. Ngoài ra, ở đây có nhiều hiện vật liên quan đến người Karaite, một bộ tộc thiểu số sống ở Crime, Ukraina. Theo sự chiêu mộ của quận công Lithuania, bộ tộc này đã đến đây để giữ nhiệm vụ trấn giữ lâu đài. Nhìn lại quá trình di chuyển của các bộ tộc ngày xưa, du khách ngày nay vẫn cảm thấy thật thú vị…