Nếu dựa vào danh sách những địa điểm hành hương của đạo Thiên Chúa do Wikipedia cung cấp, thì hiện nay trên thế giới, đang có tới 246 nơi là các thánh địa nổi tiếng. Thế nhưng, không đâu đặc biệt bằng cội nguồn của Đạo, với bề dày lịch sử lâu đời, các địa danh- nhân kiệt gắn cùng Kinh Thánh, vì thế luôn được mọi người ngưỡng vọng, thậm chí hành hương mỗi năm trong đời cho dù cách xa đến mấy. Nhắc đến cội nguồn là nhắc tới những danh lam, thắng cảnh trên Đất Thánh, ghi dấu cuộc đời của Chúa Jesus, Mẹ Maria và các thánh… Chẳng hạn như quê hương của Chúa, nơi Đức Ki Tô giáng sinh, rao giảng lần đầu tiên, chịu cực hình, tử thương và phục sinh…
Thành Nazareth, một thành phố nằm giữa Địa Trung Hải và Biển Galilee, ở phía Bắc Israel, được vinh hạnh là quê hương của Chúa Jesus, nơi Ngài sống suốt thời niên thiếu đến khi lớn và đi giảng đạo. Theo Kinh Tân Ước, cụ thể là Kinh Phúc Âm Luke, Nazareth chính là sinh quán của Thánh Joseph và Mẹ Maria, cũng là nơi sứ thần Gabriel báo tin cho Đức Mẹ rằng, bà sẽ thụ thai Jesus, con trai Chúa Trời. Lại theo Kinh Phúc Âm Matthew, sau khi chạy trốn sang Ai Cập khỏi cuộc tàn sát hài nhi bởi vua Herod, hai người đã trở về Nazareth định cư, và tại đó cậu bé Jesus đã lớn lên, tiếp nối nghề mộc của dưỡng phụ Joseph.
Cũng tại đó, trước cảnh đói nghèo, bất công và sự hà khắc của lề luật, Đức Ki Tô đã có những tư tưởng mới lạ, tiến bộ về quyền con người, tình yêu, lòng trắc ẩn, vị tha. Bằng trí tuệ thông minh, tâm hồn thánh thiện, ngay từ nhỏ, Chúa đã thuyết phục được nhiều người sống tốt, bác ái nhưng vì chịu ảnh hưởng nặng nề của điều luật, đa số dân thành đã không lĩnh ngộ được ngay những tư tưởng, giáo lý của Ngài, mà dẫn tới việc họ châm chọc, xô ngã Ngài từ vách đá xuống đất. Song không nản chí, từ đây, Đức Ki Tô đã chính thức đi giảng đạo, và được biết tới với cái tên Jesus của thành Nazareth.
Vì Chúa sống tại Nazareth, nên các tín đồ Ki Tô hữu cũng được gọi là Nazarene, người Nazareth. Bấy giờ, thành phố này chỉ có 500 dân, song đến nay đã hơn 75.000, và tại những điểm có hình bóng gia đình hay dấu chân Chúa đều mọc lên những thánh đường, di tích uy nghiêm, trong đó có Vương cung Thánh đường Truyền Tin ở chính giữa thành phố, lấy tên theo địa đểm trong Kinh Thánh, thiên sứ đã hiện lên báo tin Trinh Nữ Maria sẽ sinh Đấng Cứu Thế.
Thánh đường St. Joseph cũng được xây ngay trên xưởng gỗ của Thánh Joseph, và sân chơi của Chúa khi còn thơ. Nhà thờ Synagogue cạnh một khu chợ lại là nơi Ngài tuyên bố mình là Messiah, Vị Cứu Tinh của người Israel. Và đỉnh Precipice, một công viên ngoại ô trông ra thung lũng Jesreel, là chỗ người ta đã đan tâm đẩy Ngài xuống vực… Vì ý nghĩa linh thiêng, hàng năm có rất nhiều người hành hương về Nazareth, để tìm hiểu các dấu tích Ngài đã để lại cùng các biến cố trong Kinh Thánh.
Tọa lạc ở miền Trung Bờ Tây – Palestine, thành phố Bethlehem cũng là một thánh địa muôn người nhớ tới, vì là nơi Chúa Jesus, Đấng Cứu Thế chào đời; kể từ đây, nhân loại sẽ được Ngài dẫn dắt, cứu rỗi. Theo Kinh Phúc Âm Luke, Thánh Joseph và Mẹ Maria lúc đó đang ở thành Nazareth, và Đức Mẹ đang mang thai, thì theo lệnh tổng điều tra dân số phải tới thành Jerusalem để kiểm tra.
Dọc đường, bà đã hạ sinh Chúa Hài Đồng trong một hang đá của Bethlehem, cách Jerusalem 10km về hướng Nam. Sự ra đời của Chúa Jesus, Đấng Cứu Thế hay Messiah, đã được báo trước trong nhiều cuốn kinh, lời tiên đoán và đến thời vua Herod của xứ Judea thì thành sự thực. Lúc ấy, có một ngôi sao rất lớn, tỏa sáng chói lòa trên trời, và khi nhìn thấy nó, 4 nhà tiên tri Magi, có sách ghi là 4 vị vua của phương Đông, đã đi theo mà tới Vương quốc Judae. Họ diện kiến Herod và hỏi hoàng đế về đức vua của họ, một vị vua tương lai và hơn cả còn là Messiah.
Bối rối trước câu hỏi này, Herod đã dựa theo một bài thơ trong sách Micah nói về một Messiah sẽ sinh ra ở Bethlehem để “đuổi” khéo họ đi, đồng thời tìm hiểu thực hư, rồi ám sát họ, song may thay, ngôi sao dẫn họ đến đúng hang Bethlehem, và tại đây họ đã chào mừng, chúc phúc cho Chúa Hài Đồng, và khi về cũng đi theo đường khác, mà thoát nạn. Về phía Herod, nghe tin Messiah sẽ chào đời, lo sợ cho vương quyền của mình, hắn liền sai giết chết tất cả trẻ em từ hai tuổi trở xuống trong toàn quốc. May thay, một lần nữa, Thánh Joseph được thiên thần báo trước, nên nhanh chóng đưa cả nhà sang Ai Cập lánh nạn. Sau này, ông còn được báo thêm một lần nữa để trở về quê hương sau khi Herod mất.
Hiện nay, tại Bethlehem, Vương cung Thánh đường Chúa Giáng sinh được xây trên chính hang động Chúa giáng trần. Trong hang, trên nền đá nạm một ngôi sao vĩ đại 14 cánh bằng bạc, và xung quanh treo vô số tranh thảm cảnh Chúa hạ phàm huy hoàng. Về ý nghĩa tôn giáo, ngôi sao này là biểu tượng của 14 thiên thần hộ mệnh – truyền tin, cũng đồng nghĩa với 14 chặng đường Chúa phải vác cây thánh giá, chịu cực hình để gánh hết nỗi đau, tội lỗi cho nhân loại, 14 thế hệ hay triều đại từ Abraham tới David, 14 thế hệ nữa từ David tới cuộc lưu đày của người Do Thái tại Babylon và 14 thế hệ từ cuộc lưu đày này tới Ngài.
Đồi Beatitudes hay đồi Eremos trên bình nguyên Korazim lại gắn với một sự kiện hết sức quan trọng, đó là lần đầu tiên Đức Ki Tô giảng đạo, và dạy mọi người tình yêu đối với đồng loại, nhất là sự trắc ẩn, vị tha, ưa chuộng hòa bình. Ngài đưa ra những lời chúc, cũng là lời an ủi cho mỗi cá tính, mỗi hoàn cảnh, đặc biệt là những người bị ngược đãi, khổ đau rằng, họ sẽ có phước, và dành được phần thưởng to lớn trên thiên đàng.
Tất cả những lời dạy của Đức Ki Tô đều nhấn mạnh đến lòng bác ái, yêu thương, khoan dung thay vì sự ganh ghét, thù hận nên khi Chúa vừa phán xong, ai nấy đều hết sức ngạc nhiên. Vì giáo lý ấy vượt ra khỏi những gì họ hiểu biết từ đạo Do Thái, thậm chí văn hóa phương Tây. Có cả thảy 9 điều Phúc trong bài giảng đầu tiên của Chúa, và từ thế kỷ I đã được ghi trong Kinh Phúc Âm Matthew, cũng là cuốn kinh mở đầu của Kinh Tân Ước.
Ngoài là nơi giảng đạo, Đồi Beatitudes còn là nơi Chúa gặp lại các tông đồ sau khi phục sinh và dặn họ đi truyền giáo khắp vùng. Cũng giống sách, để nhớ mãi lời dạy của Ngài, từ thế kỷ IV, tại đây đã xuất hiện một nhà thờ Byzantine và nay là nhà thờ hiện đại do dòng tu Francis quản lý. Thánh đường có hình bát giác cùng một mái vòm, thể hiện cho chín điều phúc được viết bằng tiếng La tinh trên cửa sổ.
Quanh ban thờ làm từ đá quý và mặt sàn khảm hạt cầu kỳ, còn có những bức tranh về bảy đức hạnh cần thiết, gồm niềm tin cậy, hy vọng, thương người, công bằng, khôn ngoan, dũng cảm và tiết độ. Khi viếng thăm Đất Thánh, Giáo hoàng Paolo VI và Joan Paolo II đều tới đây dâng lễ Misa.
Là một thành phố cổ đại nhất thế giới trên cao nguyên Judea, Jerusalem cũng là một thánh địa linh thiêng nhất của cả ba tôn giáo khởi nguồn từ Abraham: đạo Do Thái, đạo Thiên Chúa và đạo Hồi. Theo Kinh Thánh, vua David là người đã chinh phục thành phố này và đưa nó trở thành kinh đô 3.000 năm trước. Con trai ông, vua Solomon, tiếp tục trị vì và xây nên ngôi đền thờ đầu tiên tại đây, sau đó đền đã bị phá hủy và tái thiết bằng ngôi đền thứ hai và nhiều đền thờ khác nội thành.
Nói chung, các đền thờ là trung tâm tôn giáo, chốn gặp gỡ của mọi tín đồ. Sau khi Chúa Jesus rời khỏi thành Nazareth, Ngài đã đi giảng đạo nhiều nơi, rồi tới thành Jerusalem. Đức Ki Tô đã chọn một ngôi đền ở đây truyền giáo, hàng ngày dạy bảo môn đồ, cuối cùng bị bắt giam và hành hình.
Mộ Ngài được tin là nằm ngay bên ngoài thành cổ, và được gọi là Lăng Mộ Vườn nhờ có một khu vườn rất đẹp. Lăng mộ này theo Kinh Phúc Âm Matthew, là mộ chờ của một quan chức địa phương, cũng là học trò của Chúa, Thánh Joseph Arimathea. Ông định dành cái hang cho mình bên sườn núi Zion cạnh nhà, song theo Kinh Phúc Âm John, nghe tin Thầy tử nạn đã bí mật xin mang thi hài Ngài về chôn cất.
Sau khi Chúa Phục Sinh, ngôi mộ đã trở thành mộ trống, và người ta vẫn giữ nguyên được một giường đá là nơi Chúa đã nằm xuống. Không xa Lăng Mộ Vườn, trên núi Zion và lăng David còn có căn phòng Cenacle, ở đó Chúa đã ngồi ăn cơm bữa cuối cùng với 11 tông đồ. Tọa lạc ở phía Nam thành cổ, Cenacle là một tầng trên trong quần thể lăng tẩm vua David, có không gian rất rộng rãi, bao quát nên các tông đồ luôn nghỉ tại đây mỗi khi đến Jerusalem.
Chính tại đây, theo Kinh Phúc Âm John, Chúa đã rửa chân cho các học trò của Ngài, thể hiện tình cảm thầy trò cực kỳ thân thiết, nhất là tình thương của Ngài thật bao la, không tả xiết. Tình thương ấy tiếp tục được thể hiện qua bữa tiệc cuối cùng, cả thầy trò cùng bên nhau quanh một bàn ăn. Đây cũng là nơi các tông đồ tụ lại bàng hoàng và cầu nguyện cùng Đức Mẹ trước cái chết của Thầy (Phúc Âm John 20:19-23).
Cũng ở căn phòng này, Chúa đã xuất hiện sau khi mất, và những vết thương trên thân thể Ngài hiển hiện rõ cho các học trò thấy và chạm được, nhờ thế vực dậy đức tin của Thánh Thomas. Chúa cũng thổi lên họ Thánh Linh mầu nhiệm có thể ban phước và trừng ác (Phúc Âm 20:19): “Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín vì sợ người Do Thái, Chúa Jesus hiện đến, đứng giữa các ông, nói rằng: Bình an cho các con! Khi nói điều đó, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài. Bấy giờ, các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.
Chúa Jesus lại phán bảo các ông rằng: Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Nói thế rồi, Ngài thổi hơi và phán bảo các ông: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì người ấy bị cầm lại”. Vì tất cả lý do đó, Cenacle là điểm đến nhất thiết của bất cứ ai hành hương về Đất Thánh.
Đối lập với Núi Zion ở phía Tây, theo văn hóa phương Đông là nơi an nghỉ thương tiếc, Núi Ô liu ở phía Đông của thành Jerusalem lại chứa đầy hy vọng, sự tiên liệu về tương lai và như hai cánh tay ôm ấp, bảo vệ thánh địa của tam giáo. Được đặt tên theo rừng cây ô liu rậm rạp, có phong cảnh rất thanh bình, núi Ô liu được nói khá nhiều trong Kinh Thánh, ở Kinh Cựu Ước là nơi vua David đã từng nương náu khi chạy nạn, và ở Kinh Tân Ước, Chúa Jesus đã vượt qua để tới thành Jerusalem trong tiếng tung hô Hosanna vào ngày chủ nhật đầu tiên của Lễ Lá, và khi ở thành cổ này rồi thì hàng đêm Ngài thường lên đây cầu nguyện, suy nghĩ.
Trong lần cuối trong đời khi đến thành Jerusalem một lần nữa, Đức Ki Tô cũng đã nghỉ chân trên núi. Theo Kinh Phúc Âm Luke, mỗi đêm sau khi giảng dạy tại đền thờ Jerusalem, Ngài thường lên núi nghỉ ngơi, và theo Kinh Phúc Âm Matthew tại vườn Getsemani dưới chân núi, Ngài đã bị Judas phản bội và giao nộp cho binh lính, để sau đó chịu nhiều cực hình mà đau đớn nhất là đóng đinh trên cây thánh giá, sau khi phải vác một cây thập tự to nặng hơn người.
Tại đây, lần đầu tiên Chúa đã khóc thương thành Jerusalem, song cũng có một khoảng thời gian vui vẻ cùng các môn đồ như khi ca hát thánh vịnh xong, liền lên núi này (Phúc Âm Matthew 26:30). Sau cùng, Chúa đã thăng thiên từ đỉnh núi Ô liu (Sách Công vụ Tông đồ 1:9-12). Chưa dừng lại, núi Ô liu theo sách tiên tri Zechariah, Kinh Cựu Ước còn là nơi diễn ra Ngày phán xét đầu tiên của Thiên Chúa trước số phận nhân loại khi Messiah trở về trừng phạt kẻ có tội.
Còn theo Kinh Phúc Âm Matthew, Kinh Tân Ước, Chúa Jesus đã dự báo ngày quân đội La Mã tàn phá khắp nơi vào năm 70 sau Công nguyên. Đi dọc theo sườn núi dưới những tán cây ô liu xanh mát, ai nấy đều bắt gặp nhiều phần mộ của người Do Thái nằm la liệt. Từ xưa, người dân đã có truyền thống an táng này bên sườn núi, mà đến giờ lên tới hơn 150.000 ngôi mộ, với niềm tin rằng, khi Messiah đến, Ngài sẽ cứu vớt họ đầu tiên (Sách Tiên tri Ezekiel 44:1-3).
Một địa điểm nữa khó quên được là thung lũng Wadi Qelt trên sa mạc Judea và tu viện St. George bên sườn lũng. Nhờ hệ động thực vật phong phú, Wadi Qelt đã từng là khu nghỉ đông của các hoàng đế cổ đại, song quan trọng hơn, mảnh đất này còn lưu giữ ba di thể của ba vị thánh phương Đông, trong đó có St. George. Theo Kinh Thánh, trước đó tại một cái hang mà giờ là tu viện trên, nhà đại tiên tri Elijah trong triều vua Ahab thế kỷ IX trước Công nguyên, đã từng ở ẩn.
Theo Sách Các vị vua, ông là người biết trước được sự ra đời của Chúa Jesus, Đấng Cứu Thế, và thậm chí bản thân ông cũng là một dấu hiệu của Ngài khi có vô số phép màu từ việc cứu người chết sống lại, khiến hũ bột không vơi đảm bảo cái ăn cho một quả phụ cho tới mang lửa từ trên trời xuống hoặc cấm mưa rơi để trừng phạt kẻ cầm quyền… Ông được tin là do Chúa Trời phái xuống để khuyên răn người dân trung thành, yêu đạo. Thung lũng Wadi Qelt cũng là nơi thiên sứ hiện ra trước Yoakim, thân phụ của Mẹ Maria trong một giấc mơ bảo rằng vợ ông đang mang thai đứa trẻ Maria, mẹ của Đấng Cứu Thế. Từ thế kỷ VI, các tu sĩ đã tới đây tu tập và dựng lên một tu viện bằng đá mà sau nhiều lần sửa sang, tái thiết thì hãy còn sững sững đến nay cực kỳ đẹp mắt.