Việt Nam vốn thuộc về Context (bối cảnh – đồng văn) Đông Nam Á, tính chất bán đảo nổi trội, tiếp nhận và nhập cả các ảnh hưởng lục địa lẫn ảnh hưởng hải đảo. Bản sắc văn hóa Việt vốn có cội nguồn văn minh lúa nước, phong tục thờ cúng thiên địa tổ tiên. Lại chịu ảnh hưởng dung hòa Phật giáo từ Ấn Độ, Nho giáo từ Trung Quốc… nên sông nước Việt có nền nếp trọng lễ.
Thời nào và ở đâu cũng thường thấy nói đến lễ: lễ nghi, lễ phục, lễ cầu, lễ vật, lễ lạt, lễ độ, lễ phép, đi lễ, làm lễ, đặt lễ, Tiên học lễ hậu học văn… Từ ca dao dân ca, tín ngưỡng trước sau. Hương linh thơm bóng người xưa – Lễ dâng thơm nắng giọt mưa ngọt lành. Tâm hồn xanh phụng hiến. Cầu trời cầu Phật lòng lành – Lễ đà đủ lễ lòng thành phụng dâng. Chuyện tình duyên còn nghịch lý, lễ là lòng chân thành mong trọn. Ứơc gì nên vợ nên chồng – Lễ giăng chín nẻo, dây tơ hồng chưa leo. Cho đến văn học viết, Lễ vẫn mang căn cốt dân tộc trong chiều sâu tâm thức. Vẫn trọng âm nhạc lễ nghi. Trong ngoài lễ nhạc uy nghiêm (thơ cổ). Chỉ riêng trong việc hôn nhân, nhà trai phải tiến hành 6 lễ: nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kỳ, thân nghinh. Việc cưới xin phải theo đúng lễ chế. Bày ra sáu lễ sẵn sàng – Các quan đi hộ cưới nàng Nguyệt Nga (Nguyễn Đình Chiểu).
Văn hóa Việt chất phác, bao dung, duy cảm… Dù giữ tín ngưỡng bản địa, nhưng ít nhiều đã pha màu mê tín từ sự khúc xạ màu sắc Phật giáo duy linh từ vương quốc tâm linh Ấn Độ, và màu sắc Nho giáo duy lý từ đất nước kinh viện Trung Hoa. Đặc biệt, đạo Nho cứ như là điểm tựa cho văn hóa phương Đông. Từ điển Từ Hải định nghĩa văn hóa là dùng đạo đức lễ nhạc để giáo hóa… và chữ văn dù có nhiều nghĩa, nhưng ở đây có nghĩa là thuộc về thi, thư, lễ, nhạc. Lễ giáo nâng con người lên nhưng dùng lễ giáo lại có thể buộc chặt con người. Lễ giáo là biểu hiện của văn hóa, nhưng lễ giáo lắm khi đóng khung đầu óc con người trong những khuynh hướng giáo điều, bảo thủ, kỳ thị với mọi sáng tạo, cấm kỵ cái tôi cá thể. Nhất là khi đứng sau lễ giáo là chế độ đẳng cấp một chiều áp đặt. Việt Nam có hàng nghìn năm văn hiến, xem ra những chữ lễ, nghĩa, liêm, sỉ… cũng chẳng thua ai. Lễ lắm sắc thái, cả hai mặt tích cực và tiêu cực trong phong tục sống, trong bình dân – trí thức và cả trong cơ chế nhà nước. Một xã hội cương tỏa mang danh nhân nghĩa lễ trí tín theo quan hệ áp đặt một chiều quân thần, phụ tử, huynh đệ, phu phụ… thì lễ lại hóa thành vòng kim cô Đường Tăng đặt lên đầu Tôn Ngộ Không. Nói mỉa cho vui mà ngẫm chua cay đáng sợ. Bộ Binh bộ Hộ bộ Hình – Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi. Vậy thì, nói nghiêm, như chính người Trung Quốc giải thích: “Lễ: Tư tưởng hành động con người bị trói buộc, 18 tiết và đạo đức có lợi cho giai cấp thống trị trong truyền thống cũ” (Tân Hoa tự điển). Lễ lạt (danh từ) chỉ các cuộc lễ, chuyển sang động từ mang hàm nghĩa biếu xén, hối lộ. Lời kể mang tính liệt kê tăng tiến đến hết đường. Nhất thì bộ Lại bộ Hình – Nhì thì bộ Hộ bộ Hình cũng xong – Thứ ba thì đến bộ Công – Nhược bằng bộ Lễ lạy ông xin về. Về là về đâu, bạo lực và thực dụng đầy huy ngụy trong trang phục Lễ, từ cao đến thấp, từ rộng đến hẹp, từ vi mô đến vĩ mô. Thôi thì, lập nghiên mà cà rỡn. Cứ như người mù chuyên đi hát rong, sáng hình đong đưa trong Xẩm cô đào. Thiếp nay thi lễ con nhà – Thấy chàng mỹ mạo nết na dịu dàng – Cho nên lòng muốn đa mang – Biết rằng quân tử có màng hay không! Nếu gặp Bà Chúa thơ Nôm, thế nào cũng ưỡm ờ nõn nường nói thẳng. Quân tử dừng chân cũng muốn trèo…
Trung Quốc – có sự áp chế ảnh hưởng sang Việt Nam – trong vòng loạn bình, hợp tan, thịnh suy… với chế độ phong kiến kéo quá dài, bó hẹp trong cái khung quân chủ trung ương tập quyền chuyên chế, lấy kinh tế tiểu nông làm gốc, lấy sự pha chế hai học thuyết Nho gia và Pháp gia làm chỗ dựa tinh thần… nên chữ Lễ được xem trọng, hiệu quả cả hai mặt tích cực tự giác và tiêu cực áp đặt. Lễ nghĩa: Những phép tắc phải theo để cư xử trong gia đình, xã hội sao cho phải đạo người trên kẻ dưới, theo tư tưởng Nho giáo. Lễ sao cho phải đạo trong xã hội phong kiến cho đến ngày nay con người thích tỏ vẻ ta đây… cũng đầy những thái quá bất cập, nhiều khi bày trò phiền toái – phú quý sinh lễ nghĩa.
Tất nhiên, không ôm nguyên hệ thống, chẳng lặp lại theo người, văn hóa Việt như con ong bay xa hút trăm loài hoa, chiết ra mật ngọt đặc trưng phù hợp tâm thức Việt, Phật Việt, Nho Việt, Lễ Việt… Hồ Thượng thư gia lễ (Hồ Sỹ Dương – XVIII) và Thọ Mai gia lễ (Hồ Gia Tân – XIX) là hai bộ sách lễ nổi tiếng ở nước ta, chủ yếu nói về Lễ tang. Học giả có vốn tri thức sâu rộng, có tinh thần lao động học thuật miệt mài, bền bĩ là cụ Đào Duy Anh – nhà sử học, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn học Việt Nam… một tên tuổi lớn trong các nhà bách khoa toàn thư hiện đại (Từ điển bách khoa Larousse) – soạn Hán Việt từ điển (1932) với những kiến giải chi ly, thấu đáo: “Lễ: Cách bày tỏ kinh ý – Đồ vật để bày tỏ kinh ý – Tên sách xưa nước Tàu gồm ba bộ: Lễ ký, Chu lễ, Nghi lễ”.
Theo thời gian, văn minh Âu Mỹ lan tỏa, khoa học thực nghiệm, con người cá nhân được coi trọng. Những sách từ điển giải thích về lễ đã khái quát hơn trong sự mở rộng khái quát. “Lễ: Phép tắc phải theo để cung tế hay giao thiệp ngoài xã hội” (Việt Nam từ điển, Sài Gòn – 1973). “Lễ: Những nghi thức tiến hành nhằm đánh dấu hoặc kỷ niệm một sự việc, sự kiện có ý nghĩa nào đó” (Hoàng Phê – Từ điển tiếng Việt, 2003). Cần phải học Lễ, hiểu biết về Lễ trước khi đi lễ, làm lễ… để khỏi thực dụng, mạo phạm, trần tục hóa những điều tâm linh. “Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là Thiết thực, Linh hoạt, Dung hòa theo nghĩa đẹp nhất của các từ này. Song xem ra, chưa mấy ai hiểu đúng… Khi đi lễ phải cốt ở mộ đạo, thành tâm chứ không thể “trần tục”, thậm chí “thực dụng” hóa các thần Phật, trong khi thực tâm lại rất tôn sùng. Vô tình hóa ra có khi ta làm khổ thêm cho các bậc tu hành mà mình rất nể trọng” (Trần Đình Hượu – Đến hiện đại từ truyền thống).
Từ Lễ trong thơ ca trung đại mang bao trầm tích văn hóa – lịch sử – triết lý, vừa là ngôn ngữ bình dân vừa là ngôn ngữ bác học, vừa mang dấu ấn xã hội vừa ngụ chứa ý thức, thái độ, tấm lòng thi nhân. Hoa Tiên là truyện thơ Nôm của Nguyễn Huy Tự, theo thể lục bát vào thế kỷ XVIII. Truyện xoay quanh mối tình đôi trai tài gái sắc Lương Phương Châu và Dao Tiên. Chuyện tình hai bên bắt đầu thực sự xúc động tương tác từ chuyện họa thơ, Từ hoa tiên vốn chỉ giấy có vẽ hoa thường dùng để viết thơ. Còn thừa hai mảnh hoa tiên. Mâu thuẫn giữa tình yêu và lễ giáo phong kiến thể hiện ở sự giằng co giữa lý trí và tình cảm. Nguyễn Huy Tự một mặt tỏ ra khá say sưa với tự do yêu đương khi miêu tả mối tình giữa Lương sinh và Dao Tiên, nhưng mặt khác lại không muốn lễ giáo phong kiến bị vi phạm. Từ đó, cái hay và hạn chế của Hoa Tiên bộc lộ trong khuynh hướng điều hòa mâu thuẫn giữa tình yêu và lễ giáo. Đó là điều dễ hiểu. Là con dòng thư gia, cửa Khổng sân Trình, đỗ đạt công danh… nên Nguyễn Huy Tự hiểu biết trọng lễ, trọng chữ thánh hiền của dòng dõi Nho gia. Lễ Thi cứ phép cửi canh giữ lề. Mặt khác, ông là người tài hoa, đọc rộng biết nhiều, tính tình phóng khoáng hòa nhã nên thổi cảm hứng trữ tình, bộc lộ yêu cầu khao khát, tự do yêu đương và hạnh phúc lứa đôi qua những người trẻ tuổi, có nội tâm sâu sắc, sinh động, hồn nhiên, tươi tắn, chân thật… Gió thanh hây hẩy gác vàng – Trên kia còn vậy dưới này tính sao… nên có phần vượt ra khỏi khuôn khổ lễ giáo. Ngân từ trăng lạt sao thưa – Dở dang lẽ ở say sưa chiều về… Chính Đào Duy Anh phát hiện ra bản thảo Hoa tiên ký của chính Nguyễn Huy Tự. Và cũng chính ông công phu soạn Từ điển Truyện Kiều.
Văn chương vốn có duyên nợ. Nghĩa của từ là linh hồn của từ. Cái Đẹp mãi tái sinh tái tạo. Ngẫu nhiên đầy tình ý, cả hai chị em làm vợ Nguyễn Huy Tự là con gái Tham tụng Nguyễn Khản, gọi đại thi hào Nguyễn Du bằng chú. Hoa Tiên có ảnh hưởng tốt đẹp trong Truyện Kiều Tố Như sau này. Đoạn trường tân thanh 3.254 câu, có 16 lần từ lễ được dùng trong 15 câu, và thường nằm trong hai trường hợp. Hoặc gốc là danh từ chỉ phép tắc, nghi thức phải theo trong sự đối xử với mọi người. Hoặc khi chuyển thành động từ, chỉ làm lễ. Và có những trường hợp, được sử dụng trong những kết hợp từ như lễ công, lễ nghi, lễ tâm, lễ thường, lễ vật, lễ đà đủ lễ, lễ tiên binh hậu, lễ Tơ hồng… Đủ mọi sắc thái, có gắn liền nề nếp phong tục tập quán, ứng xử, có cả nhiều dạng chua xót, mỉa mai.
Mở đầu là tiết Thanh minh, làm lễ dẫy mả, theo hội dẫm cỏ đi chơi. Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh… Nhân sinh nhật ngoại gia, cả nhà Kiều: Tưng bừng sắm sửa áo xiêm – Biện dâng một lễ xa đem tấc thành. Kim – Kiều tương ngộ thắm tình mà biết có duyên gì. Biệt ly. Nhung nhớ. Cha mẹ vắng nhà, Kiều chủ động đến với Kim, khoảng vắng đêm trường… Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa… Chàng Kim: Vội mừng làm lễ rước vào. Thể chế phong kiến, nam quyền áp đặt, sóng tình trào dâng… vậy mà xem ra biết trọng nữ nhi, lễ từ tình, tình biểu hiện lễ.
Gia biến, Kiều bán mình chuộc cha, trước khi đứt đoạn trao duyên, rời nhà. Lễ tâm đã đặt tụng kỳ cũng xong. Trọn việc mà ngẫm đau cho cái lễ do lòng thành. Ấy là lòng thành nhỏ mọn, dân “thành tâm” phải chịu đút lót cho quan, qua kỳ xử kiện, xử án. Có ba trăm lạng việc này mới xuôi. Vì chữ hiếu cho cha, rối vò chữ tình riêng mang, tin đau chữ duyên cậy em, mắc vào vòng tay Tú Bà. Lễ xong hương hỏa gia đường… Cứ ngỡ như làm lễ bàn thờ cúng gia tiên, mà ở đây chỉ bàn thờ thần lông mày trắng (Bạch my thần) nhà chứa vẫn thờ. Xem ra, mỗi công việc ngành nghề đều có lễ riêng… tự biết.
Lưu lạc lầu xanh, nương tình khách làng chơi họ Thúc. Thúc ông đưa Kiều đến chốn phủ đường hỏi tội, may gặp ông quan “biết điều”, cảm mến người đẹp thơ hay. Thật là tài tử giai nhân… Ngoài thì là lý song trong là tình… Thôi thì… Mới có: Kịp truyền sắm sửa lễ công. Ấy là lễ do quan sắm sửa, lạ mà có thật – chắc là từ lòng Tố Như – quan phủ chịu chơi đứng ra làm lễ cho Thúc Sinh cưới Kiều. Liệu cái lễ có cứu được Kiều, ít nhất cho nàng một chỗ trú chân an phận gọi là… khi đã có người Vốn dòng họ Hoạn danh gia – Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư. Cặp vợ chồng đặc biệt Thúc – Hoạn với tình cảm, lý trí, hành động xoay quanh cái trục ba từ: dại, khôn, ghen. Lửa tâm càng dập càng nồng… Hoạn Thư bùng lửa ghen, phóng hỏa đốt nhà, bắt cóc Kiều, bỏ một tử thi chết đuối vào đám cháy giả bày. Đây là lần nhất trong hai lần, Kiều được làm chay sống đủ từng lễ một, không thiếu thứ gì. Lễ thường đã đủ một hai. Thúc Sinh Thương càng nghĩ, nghĩ càng đau mới tìm thầy đồng hỏi chuyện. Sắm sanh lễ vật rước sang. Phận Kiều lưu lạc, đây là lần đầu trong ba lần nương cửa Phật. Hoạn Thư cho Kiều ra Quan Âm Các… giữ chùa chép kinh, 5 thứ đồ lễ cúng Phật: hương, hoa, đăng, trà, quả. Hương hoa ngũ cúng sắm sanh lễ thường. Cùng quẫn, trốn chạy. Giác Duyên bày Kiều liệu tìm đường lánh nạn, trú chân nhà họ Bạc… Dù gặp tổ bợm già, phường bán thịt, tay buôn người… mà đành chiều theo Bạc Hạnh, lễ cúng thần hôn nhân. Trong màn làm lễ tơ hồng kết duyên.
Ba người đàn ông nặng tình gắn bó với Kiều ít nhiều đều gắn với Lễ ở những mức độ khác nhau. Kim Trọng, Thúc Sinh lắm lễ… rồi chẳng đâu vào đâu. Thư sinh như Kim vốn nhà trâm anh, bậc tài danh, phong nhã hào hoa sánh ngay buổi đầu gặp Kiều – Người quốc sắc kẻ thiên tài là xứng. Nhưng nặng tình mà đầy nước mắt, bù đắp duyên Vân, lưng chừng vướng đường hoạn lộ… như Kim thật khó bảo toàn cho Kiều. Phong lưu rất mực hồng quần, chẳng giữ được một đóa trà mi trinh nguyên. Khách làng chơi đa tình như Thúc sánh với Kiều được khen là tài tử giai nhân, dù muốn chuyển từ trăng gió ra đá vàng… cũng lẩn quẩn trong chữ hèn… thì chỉ còn biết giữ cho mình mà khuyên Kiều liệu mà cao chạy xa bay… Chỉ có Từ – Khách biên đình, đấng anh hào… gần như chẳng lễ gì, đến chốn lầu hồng trong khí phách hiên ngang nhẹ nhàng sang chơi, trân trọng Thiếp danh đưa đến lầu hồng, cho nên Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng. Từ xem Kiều là tri kỷ, tâm phúc tương cờ, Trai anh hùng gái thuyền quyên. Ấy đích thực là lễ từ trí lực – tâm lực tỏa năng lượng hành lực. Bàn tay anh hùng sáng công lý giúp Kiều ơn đền oán trả. Nàng vốn có hạt giống tâm hồn biết ơn. Thật trân trọng ân tình. Nghìn vàng gọi chút lễ thường – Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng chưa cân.
Anh hùng không nhận lễ gian hùng, nhưng thương khổ lụy vì phận thuyền quyên xiêu lòng vì lễ… nên bi tráng, Hồ Tôn Hiến dù kinh luân gồm tài vẫn là dạng gian hùng… được việc. Biết Từ là đấng anh hùng… nên lắm chước chiêu an… Lại riêng một lễ với nàng. Lễ vật này chẳng dành cho người trên hay thần linh mà tâm ác đánh vào tâm Kiều vốn thật dạ tin người – Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu... đánh vào “gót chân Asin” Từ hết lòng đến lụy chữ tình. Lễ tiên binh hậu – thành ngữ Hán nghĩa là dùng lễ đi trước, nhưng dùng binh lực kéo tiếp sau, đây là mưu kế của Hồ Tôn Hiến (chắc học được từ sách vở và thực trạng đất nước lắm Tào Tháo)… Lễ nghi dàn trước vác đòng phục sau và lập được công. Mai này chắc có lễ dâng thiên tử. Cho nên, muốn “trọn lễ” theo ý mình như vậy, giết được Từ thắng trận… vẫn ân cần hỏi han Kiều, vẫn thương tình cho Cảo táng di hình bên sông thân xác Từ, cũng mở tiệc hạ công, thưởng thức tay hoa Kiều cung đàn nhặt tâu, cũng mừng rượu chén đà quá say, dẫu ngây vì tình, ngất vì sắc vẫn biết lễ nhà quan. Nghĩ mình phương diện quốc gia – Quan trên nhắm xuống người ta trông vào… mới toan tính thực thi an toàn trong cái lễ lệnh ép tình xe tơ cho Kiều với thổ quan. Mạnh mẽ mà tinh khéo.
Quay lại Kim, không trăng hoa như Thúc, không hào khí ra tay như anh hùng Từ, vẫn mang lý tưởng Nguyễn Du gửi gắm, nên vẫn nặng tình trọng nghĩa trọn lễ. Hộ tang chú xong tìm về, mất Kiều, duyên Vân… rước mời viên ngoại, sớm tối chăm sóc. Thần hôn chăm chút lễ thường – Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa. Vương – Kim đỗ đạt, thành danh, trên đường phổ quan… biết tin Kiều trầm mình sông Tiền Đường; mồ hồng nhan… mà gọi hồn đặt bài vị, làm lễ giải oan. Chiêu hồn thiết vị lễ thường – Giải oan lập một đàn tràng bên sông. Nếu Kiều chết thật, nếu phận Kiều như Người phụ nữ Nam Xương (Nguyễn Dữ – Truyền kỳ mạn lục)… thì dầu người sống có tha thiết gọi hồn, dầu chưa kịp nghe Nguyễn Du ngâm đọc Phản chiêu hồn… thì hồn vẫn không về. Không sao cả, hồn được giải oan siêu thoát trong Văn tế thập loại chúng sinh… dù rằng Đau đớn thay phận đàn bà – Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. May quá, đây chỉ là chay sống. Mệnh Kiều chưa hết. Kim – Kiều tái hợp, mở tiệc đoàn viên. Cùng nhau giao bái một nhà – Lễ đà đủ lễ, đôi đà đủ đôi. Giao bái là lạy vái lẫn nhau. Trong Truyện Kiều có 15 từ lạy. Lạy ở đâu, ai lạy ai, lạy vì lẽ gì… Đoàn viên hóa ra lặng lòng đau. Chẳng có Thúc, chẳng còn Từ, chẳng ai cứu vớt… Kiều tự cứu mình. Nghe lời sửa áo cài trâm – Khấn đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng. Mở đầu là lạy em, lạy mối tình… Kết thúc là lạy cái tình của chàng Kim sau 15 năm đau đớn phong trần. Lạy – lễ là phương thức biểu hiện, là ngôn ngữ hình thể, là thanh lọc, tự tâm…
Đâu là hoa xưa – ong cũ, đứt nối, mất còn, tình duyên, cầm sắt cầm cờ, yêu đương bầu bạn, đam mê tỉnh thức… Thôi thì.. Tự mình đảnh lễ. Trời còn để có hôm nay – Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời. Chẳng hiểu… nên biết… hóa hay. Cái màu xanh ngút ngàn dẫn lối chân Kiều. Cỏ non xanh tận chân trời mãi ám ảnh vọng đưa trong thơ Hàn – Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời vỗ nhịp bồi hồi từ trái tim tươi mênh mông đa cảm đa tình sao mãi cô liêu trong khát vọng vô biên, trong nụ cười ngấn nước mắt trăng lặng không. Chắp tay tôi lạy bốn miền không gian… Tay hoa đảnh lễ đất trời. Góp nhặt sỏi đá mấy đời một tôi…