Với một tà áo tứ thân nâu sồng bay cao quay tròn, chấp chới, không thể không liên tưởng đến hình tượng một Đức Quán Thế Âm mang dung mạo hiền hòa, từ ái của bà mẹ quê đất Việt. Nhưng mà thôi, nhiếp ảnh hay điện ảnh, chứ không phải ngôn từ, mới là phương tiện để diễn tả ngôn ngữ tạo hình hay kỹ thuật xiếc của Làng tôi.
Âm nhạc của vở vũ kịch này còn lạ lùng và đặc sắc hơn bất cứ vở xiếc-nhạc kịch nào mà tôi đã từng được coi. Nó là thứ âm nhạc sống động, một dạng thức live music mà người ta vẫn thấy khi cả dàn nhạc giao hưởng cùng minh họa cho một vở nhạc kịch. Live musicấy, lại cất lên thanh âm nguyên sơ của cái hồn Việt bằng đàn đáy, trống, mõ, đàn bầu, khèn Thái…
Khác với ballet, khi người ta múa mà không hát, ởLàng tôi, những vũ công thượng thặng đó vừa nhào lộn, chụp bắt… vừa ca hát những giai điệu dân gian thuần Việt. Họ là những nhát cọđộng vở diễn, là thanh âm, nhịp điệu, hòa thanh cho sân khấu. Vừa trình diễn, vừa ca hát những giai điệu như “Bắc kim thang”… họ đã trình diễn bằng cả thị giác, hình thể, âm thanh, Làng tôi quả là một bản Hòa âm điền dã(1) hồn hậu, nhẹ nhõm của đời sống Việt sau lũy tre làng.
Khác với những nhạc công giao hưởng phương Tây, những nhạc công của Làng tôi cũng tham gia vào những chuyển động. Tuy không múa, nhào lộn, họ tiến vào sân khấu, mang âm thanh vào trung tâm vở diễn, độc tấu, trình diễn những đoạn cadenza hiu hắt, thê lương bằng đàn đáy, thổi vào khán phòng những giai điệu đa âm của khèn Thái, hay điểm xuyết bằng những tiếng sáo diều véo von. Mà cái tiếng ê a hát xẩm trên nền đàn đáy thê lương ấy, chẳng biết vô tình hay cố ý mà không nghe rõ lời, tự nó đã là một nhạc cụ vô ngôn từ thanh quản người hát. Nó đẹp, buồn và gợi nhớ một đêm mưa phùn hiu hắt trên đất Bắc…
Về nhà, Nhím bảo tôi cháu thích nhất trường đoạn tung hứng. Phải thôi, những diễn viên của Làng tôi đã tung hứng thật tuyệt vời, làm người ta bật cười về những miếng hài rất duyên dáng mà không cần những điệu bộ nhăn nhó, vặn vẹo. Bằng chuông, bằng mõ, bằng những quả bóng gỗ…, dưới bàn tay thoăn thoắt của họ, bóng gỗ chạm nhau lốc cốc theo tiết tấu tụng kinh. Khán giả không chỉ xem bằng mắt, mà còn nghe tung hứng ấy bằng tai và thấy được trong tâm tưởng tiếng chuông mõ đơn sơ, mộc mạc của một ngôi chùa Việt. Ngôi chùa ấy không u mặc, nhưng an nhiên và vui vẻ, như bản thân trường đoạn tung hứng hài hước và rất mực duyên dáng ấy.
Sau một giờ theo dõi đầy phấn khích, tôi đưa Nhím về. Cô bé không nói một lời, nhưng tôi biết Làng tôi đã chạm tới thẳm sâu trong tâm hồn Nhím. Nơi đó, Đông Tây đã hội ngộ, như Van Gogh vẽ tranh bến cũ con đò, Verdi ngân nga khúc Requiem bằng tiếng kèn lâm khốc và Puccini véo von câu ca dao Việt với cây đàn đáy trên tay.
Âm thanh, ánh sáng, vũ đạo… của Làng tôi đã vươn đến cái tầm Đông Tây giao thoa mà không hề khiên cưỡng, không giải thích dông dài. Làng tôi là một diễn giải đẹp và nhẹ nhõm của khái niệm tiếp biến văn hóa, “Khi hai nền văn hóa gặp nhau, mỗi nền văn hóa sẽ mất đi một ít và thu về một ít để tạo ra cái mới” (Hữu Ngọc). Có nghệ thuật đúng nghĩa nào mà không đưa cái dân tộc tính lên đến tầm nhân loại? Chẳng thế mà sau bốn năm kín lịch lưu diễn ở châu Âu với bao nhiêu lời khen ngợi, Làng tôi nay đã quay về với quê hương của mình.
Làng tôi, tự nó đã là một dẫn nhập tuyệt vời để tôi có thể dẫn Nhím đi một đoạn đường dài qua quốc lộ 30. Nơi đó, tôi sẽ chỉ cho Nhím những địa danh Phong Châu, Đoan Hùng, Phú Thọ… Những nơi mà tổ tiên tôi và Nhím đã đổ mồ hôi lao nhọc, lật cỏ, lượm đá, đọc sách, ru con mà mở mang bờ cõi. Những nơi mà tôi sẽ cho Nhím nghe lại khúc coda “Công cha như núi Thái Sơn…”, câu hò tuyệt diệu từ một diễn viên ngồi vắt vẻo trên cao để kết thúc vởLàng tôi.
Tại sao đất nước này có quá nhiều tượng đài tướng lĩnh, danh nhân xông pha trận mạc, nhưng không ai tạc một manh áo thấm đẫm mồ hôi của tiền nhân tôi đã đổ xuống cho lúa đơm hoa? Thì với vởLàng tôi, bức điểm họa của đồng quê Bắc bộ đã hình thành trọn vẹn. Một bức tranh vui có, buồn có… của một dân tộc có quá nhiều đau thương cũng như hiển hách, nhưng chưa hề một lần vui thỏa giấc mơ no ấm.
Khác với tình yêu vốn mê đắm, bùng phát rồi quên lãng rất nhanh, thương thì gắn bó, gần gũi vô hạn. Coi xong vở diễn, chỉ thấy thương mến tột cùng cuộc sống lam lũ nhưng hồn nhiên của quê mình. Và cái cội rễ của tôi – gã da vàng đầu bạc – và Nhím, đứa trẻ mang nửa dòng máu Việt đã chạm vào nhau như thế khi xem vởLàng tôi!
Lê Đình Phương (Sài Gòn, tháng 2-2014)
(1) La Symphonie pastorale (Andre Gide): Hòa âm điền dã (Chữ của dịch giả Bùi Giáng)
“Trong hồi ức về những công việc thường nhật của nông thôn Việt Nam, Làng tôi đã vẽ nên một bức tranh dân gian tươi tắn, để lãng quên những ký ức buồn đau” (Fabienne Darge – báo The Guardian 2011)