Nằm ở huyện Cẩm Xuyên, bãi biển Thiên Cầm có hình cánh cung trải dài gần 3km bắt đầu từ núi Thiên Cầm cho đến núi Đầu Voi. Dải Thiên Cầm không cao nhưng thế núi uốn lượn rất đẹp.
Cách chân núi không xa có chùa Yên Lạc cổ kính, nơi lưu giữ bức tranh cổ Thập điện diêm vương – một bảo vật nổi tiếng. Thiên Cầm có nghĩa là đàn trời. Tương truyền xưa kia khi vua Hùng Vương đi đến đây, vua nghe trên trời có tiếng nhạc nên đặt tên nơi này như vậy.
Đến Thiên Cầm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đặc trưng của biển cả và núi non miền Trung. Nước biển ở đây trong xanh, mát dịu. Những làn sóng nhỏ lăn tăn đuổi theo nhau trên bãi cát trắng trải dài, mịn màng như dải lụa. Phía xa xa ngoài khơi là nhiều hòn đảo nhỏ. Những ai thích khám phá có thể thuê thuyền máy ra đảo Bớc – nơi có một bãi đá và bãi cát tuyệt đẹp.
Rời đảo Bớc, thuyền sẽ đưa du khách ghé vào bãi tắm Tiên dưới chân núi Tượng. Bãi tắm này có các hang đá và bãi cát đan xen, có khe nước vừa mặn, vừa ngọt phân chia ranh giới tùy theo thủy triều vào, ra. Rải rác theo bờ đá là những người thợ đang bẫy chim cu kỳ hoặc trồi hụp lặn biển để bắt tôm hùm, nhím biển… những sản vật ở Thiên Cầm.
Nếu còn thời gian, du khách thường ghé thăm đền Lê Khôi cách đó không xa. Đền xây dựng trên đỉnh Long Ngâm, ngọn núi cuối cùng của dãy Nam Giới chạy từ đất liền uốn lượn ra biển làm bức bình phong án ngữ phía đông cửa Sót. Lê Khôi là cháu ruột và cũng là một tướng giỏi của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, ông đã ghi nhiều chiến công oanh liệt. Năm 1446, Lê Khôi đem quân đi dẹp loạn ở phía Nam. Đại quân của ông đi đến đâu chiến thắng đến đó nhưng trên đường trở về, ông lâm bệnh nặng rồi mất tại núi Long Ngâm, nay thuộc huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Biết tin, triều đình nhà Lê đã an táng thi hài ông ngay tại chóp núi này và cho lập đền thờ tại đó.
Đền Lê Khôi gồm ba tòa nhà nằm giữa một vùng không gian rộng lớn, phía sau đền là khu lăng mộ. Nhìn từ xa, đền rất uy nghi, trầm mặc. Bên phải đền có hai nền đất, tương truyền đó là nơi Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã từng tu luyện.
Gian thờ chính được chạm khắc rất kỳ công tạo thành một công trình nghệ thuật vừa có giá trị thẩm mỹ cao vừa có ý tưởng sáng tạo độc đáo vào thế kỷ XV. Đến nay, các đường nét điêu khắc mang phong cách nghệ thuật cách đây 500 năm vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Để tưởng nhớ đến cuộc đời và sự nghiệp của vị danh tướng này, hằng năm cứ đến ngày 1, 2, 3 tháng 5 Âm lịch, người dân địa phương lại cử hành lễ tế ông rất trang trọng. Đền Lê Khôi đã nhiều lần trùng tu song vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu, xứng đáng là một trong những di tích có giá trị văn hóa – lịch sử hàng đầu ở tỉnh Hà Tĩnh.