Sau hơn một năm hoạt động, địa điểm này đã tăng từ hai lên bốn suất diễn mỗi tuần. Đây vừa là nỗ lực đáng ghi nhận của chị và các cộng sự, vừa là một chỉ dấu cho thấy địa chỉ này trở thành một điểm đến được những người hâm mộ sân khấu chú ý. Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra ngay tại sảnh của sân khấu Hoàng Thái Thanh, khi vở kịch thiếu nhi Chú kiến lạc loài vừa khép lại. Trong hai tiếng rưỡi đồng hồ, nhiều khán giả nhí đã cùng khóc cùng cười với thân phận của con kiến lạc loài. Còn với nhiều bậc phụ huynh đưa con đến rạp, những lớp lang của vở diễn vẫn đọng lại. Tính kiên nhẫn, kỷ luật, lòng trung thành, hành trình vượt qua sự cam chịu, phân rã, trở thành một khối đoàn kết, thống nhất. Bước chuyển này chỉ xảy ra khi kẻ thù hung bạo lộ rõ âm mưu thôn tính… Trong hình hài của kiến có thân phận con người.
Ái Như thừa nhận rằng mình là người thiếu tự tin. Một trong những sự tự tin hiếm hoi của chị là “biết rằng mình đang làm gì”. Có lẽ nhờ vậy mà đến giờ, chị vẫn đi tiếp. Người phụ nữ gốc Huế này khá mau nước mắt, nhất là những khi đề cập đến người mẹ quá cố của mình, dù ban đầu, bà là người không ủng hộ chị đến với sân khấu. Chị nói:
Với tôi, chuyện đó bây giờ giống như một kỷ niệm buồn và đẹp. Năm 1980, khi tôi học dở năm thứ nhất khoa Diễn viên tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II thì hai mẹ con tôi nhận được giấy bảo lãnh, xuất cảnh qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Tôi muốn ở lại. Khi đậu vào trường sân khấu, tôi cảm thấy tương lai rộng mở. Cuộc sống ở nước ngoài với tôi là một thế giới xa vời. Thêm nữa, viễn cảnh mình sẽ sống trong một môi trường lạ lẫm làm tôi hoang mang, sợ hãi. Thú thực, tôi là người thiếu tự tin. Nhưng mẹ tôi thì muốn tôi cùng đi. Các anh chị của tôi đều ở nước ngoài. Tôi ở lại thì xem như bà “mất” một người con, bởi thời thế lúc ấy, đã đi là không biết đến ngày về. Điều đó khiến tôi rất khó xử, gây ra những nỗi muộn phiền trong gia đình. Chiều lòng mẹ tôi, tôi quyết định nghỉ học để bà yên tâm làm thủ tục xuất cảnh.
____
Vậy chị làm gì để sống trong suốt khoảng thời gian đó?
Sau khi nghỉ học, tôi lập gia đình. Thập niên 1980 là giai đoạn đất nước bộn bề khó khăn, cuộc sống khá chật vật. Đồng lương giảng viên đại học của chồng tôi cũng khá eo hẹp. Để mưu sinh, tôi lần lượt trải qua nhiều công việc, từ bán bánh bột lọc, bánh nậm… cho đến bỏ mối thuốc lá. Tủ thuốc của tôi nằm đối diện với Nhà văn hóa Thanh niên, nơi có một sân khấu ca nhạc ngoài trời. Hằng đêm, nhiều ca sĩ đến đó hát. Còn ban ngày, tôi thường thấy một số bạn học trường Sân khấu đạp xe qua. Có khi họ không thấy tôi. Có khi tôi thấy họ nhưng không gọi. Gần tủ thuốc lá của tôi có một sạp sách báo. Thi thoảng, tôi “gặp” bạn bè mình trên mặt báo. Những hình ảnh “động” và “tĩnh” đó càng khiến tôi day dứt, càng nhớ về Sân khấu dù chỉ mới là Sân khấu nhà trường. Để đầu óc bớt rảnh rang mà suy nghĩ lung tung, tôi mượn khá nhiều sách từ sạp báo nghiền ngẫm. Đây cũng là khoảng thời gian tôi tích lũy tri thức và quan sát cuộc sống. Tuy nhiên, tôi không có duyên với chuyện bán buôn. Tôi bỏ mối cho nhiều điểm bán lẻ. Khi tiền “gối đầu” lớn thì bị một số bạn hang mua thiếu làm lơ. Đòi người ta không trả thì mình cũng chẳng biết làm sao, khiến vốn liếng cứ hao hụt dần. May mắn là tôi có người anh bà con làm giám đốc một xí nghiệp may. Nghe tôi trình bày hoàn cảnh, anh ấy sắp xếp cho tôi về phụ trách mảng văn nghệ phong trào của đơn vị. Kể từ đó, chúng tôi giành được nhiều thứ hạng cao trong những hội thi của ngành, còn phong trào văn nghệ ở đơn vị ngày càng xôm tụ. Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt, lúc ấy là phó phòng văn hóa quần chúng Sở Văn hóa – Thông tin TP. Hồ Chí Minh, khuyên tôi thi đạo diễn, “biết đâu năm bảy năm nữa em trở thành một đạo diễn trẻ, còn anh khi ấy được tiếng là giới thiệu cho sân khấu một gương mặt”. Vẫn biết anh ấy trêu đùa nhưng với tôi, đó là một sự khích lệ rất lớn. Chồng tôi cũng động viên vợ đi thi để “không bao giờ phải hối tiếc”. May mắn là tôi đậu. Đó là năm 1987. Sau bảy năm trời, tôi mới có cơ hội. Và khi đã chụp được cơ hội thì… “đừng hòng” tôi buông.
Trước khi quyết định hợp tác mở sân khấu, anh Thành Hội và tôi đã hỏi đối tác rằng liệu anh ấy có thể chịu đựng với chúng tôi bao lâu. Tôi xác định huống xấu nhất là không chịu nổi nữa thì dẹp tiệm, và xin lỗi khán giả.
____
Nhưng rồi đến một lúc nào đó, chị cũng phải giã từ sân khấu?
Khi nào cạn kiệt ý tưởng thì tôi sẽ dừng lại. Lúc ấy, tôi sẽ đi xem. Nếu không, tôi sẽ rất nhớ sân khấu.
____
Hiện tại, chị có thường xem những vở của các đồng nghiệp?
Có chứ. Rất thường xuyên.
____
Trong nghề nghiệp, chị có chịu ảnh hưởng của ai không?
Tôi mê Charles Chaplin. Những tác phẩm có sự tham gia của ông làm nhân loại cười nghiêng ngả, nhưng ánh mắt của ông không bao giờ cười. Có một hình ảnh mà tôi nhớ hoài là cảnh vãn tuồng, khi đoàn xiếc đã nhổ cọc đi rồi, ông ngồi thẫn thờ bên cạnh cây gậy và gói hành lý của mình. Gió đưa một tờ quảng cáo về gánh xiếc rơi xuống bên cạnh ông. Một không gian tràn ngập sự cô đơn. Đấy cũng là thân phận của những người nghệ sĩ đích thực.
____
Chị có nói rằng mình là người thiếu tự tin, lại không có duyên với việc kinh doanh. Vậy đâu là lý do khiến chị quyết định thành lập sân khấu Hoàng Thái Thanh?
Nếu tự tin thì tôi đã làm một mình. Thực tế, tôi chỉ là một trong ba người sáng lập. Hai người còn lại là nghệ sĩ ưu tú Thành Hội và anh Lê Bảo Anh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Giải trí Xuân Hương. Ý tưởng mở một điểm biểu diễn sân khấu cũng là của anh Bảo Anh đấy chứ .Không biết anh Thành Hội thì sao, nhưng nếu chỉ có một mình, chắc chắn tôi không dám làm gì hết. Thêm nữa, lời đề nghị hợp tác đến với chúng tôi sau khi tôi quyết định tạm nghỉ một thời gian vì cá nhân mình cảm thấy chán nản,cũ kỹ. Lúc đó tôi rơi vào trạng thái mệt mỏi kéo dài, mất phương hướng, không muốn làm gì nữa. Thậm chí, tôi đã nghĩ đến phương án tận dụng ngôi nhà mình đang ở để mở một quán ăn, bán những món Huế mà mình yêu thích.
____
Ái Như được nhiều đồng nghiệp đánh giá là làm nghề khá kỹ. Chị cũng từng nói mỗi năm chỉ dựng một đến hai vở kịch. Nhưng sau 14 tháng thành lập, sân khấu của chị đã giới thiệu với công chúng 12 vở. Tăng số lượng như vậy, liệu có còn giữ được “kỹ”?
Không phải tất cả đều là của tôi. Chẳng hạn, vở kịch Chú kiến lạc loài mà anh vừa xem là do hai diễn viên trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề dàn dựng dưới sự hướng dẫn của Hoàng Thái Thanh. Bây giờ, tôi làm nhiều hơn cái mốc hai vở mỗi năm, nhưng tối đa cũng chỉ là ba vở mới. Khán giả cần những món ăn mới. Thực sự là năm vừa qua, chúng tôi chạy xấc bấc xang bang, vừa dựng vở mới, vừa “tái dựng” những vở đã diễn ở các sân khấu khác, cũng như mời các đạo diễn khác đến sân khấu của mình dựng vở. Đành rằng khán giả luôn có nhu cầu đổi món, nhưng không vì thế mà có cái gì mình cũng dọn ra. Tôi cố gắng hết mình để giữ cái quyền chỉ làm những vở thực sự rung cảm. Cho dù nỗ lực ấy có thể chưa hẳn đã được khán giả chấp nhận. Nhưng dù kết quả thế nào thì mình cũng không phải hối tiếc.
____
Thay đổi cường độ làm việc như vậy, có khi nào chị cảm thấy kiệt sức?
Mỗi lần dựng xong một vở, tôi vô cùng mệt mỏi. Trước kia và bây giờ vẫn thế. Giải pháp của tôi là dán lưng xuống giường, không đi đâu hết, không muốn tiếp xúc với ai, cảm giác chới với như rơi vào một cái hố không đáy… Trước kia, mỗi lần dựng vở xong, tôi thường nằm nhà một tuần. Còn bây giờ thì cố gắng nghỉ ba ngày là gượng dậy, “bò ra khỏi hang”.
Hiện tại, tôi vừa làm nghề, vừa phải làm quen với công tác quản lý. Để có thì giờ tập trung cho sân khấu, tôi đã xin nghỉ dạy ở Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật.
____
Xem ra, chị quyết định khá nhẹ nhàng?
Tôi bắt đầu dạy chính thức ở trường từ năm 2002. Tôi nghĩ việc dạy học cũng là cái duyên. Dù không còn trực tiếp giảng dạy ở trường nhưng tôi vẫn làm việc cùng với học trò của mình. Nhiều em hiện đang diễn tại sân khấu của tôi.
Mỗi vở kịch giống như một đứa con. Mà đã là con thì phải thương như nhau.
____
Có vẻ dàn diễn viên trẻ ở Hoàng Thái Thanh không phải là những gương mặt nổi bật?
Tôi chấp nhận điều đó. Tôi không vội vàng. Và tôi muốn các em “chín” một cách tự nhiên. Tôi nghĩ rằng các em cũng chấp nhận điều đó.
____
Với những người gắn bó với chị, liệu cơ hội có chia đều cho tất cả?
Trong nghệ thuật không có sự cào bằng, theo nghĩa xoay tua, hôm nay người này đóng kép chính, bữa mai xuống kép phụ để nhường chỗ cho người khác. Trách nhiệm của chúng tôi là “đúng người đúng việc”. Nếu giao trật vai thì hại cho cả diễn viên lẫn nhà hát.
Thực tế là khán giả vẫn thích xem những nghệ sĩ trẻ trung, . Nhưng cá nhân nghệ sĩ, dù xuất sắc đến mấy, vẫn chỉ là một mắt xích mà thôi. Sân khấu là lao động nghệ thuật tập thể. Trong suốt mấy giờ đồng hồ, khán giả không chỉ xem “sắc” của diễn viên, mà còn quan tâm đến “thanh”, tức là câu chuyện sẽ được mỗi diễn viên “kể” như thế nào. Cũng có những khán giả đến rạp vì một diễn viên mình yêu thích, vậy tại sao những diễn viên trẻ lại không nghĩ rằng cần phải rèn nghề sao cho một ngày nào đó khán giả sẽ phải luôn muốn xem mình trên sân khấu. Được vậy thì hạnh phúc cho sân khấu, cho khán giả và cho cả chính mình biết bao!
____
Thầy già con hát trẻ. Tận dụng cơ hội để “khấu hao” thật nhanh tuổi trẻ xem ra cũng là lẽ bình thường?
Cơ hội dành cho các bạn trẻ bây giờ nhiều quá, nên họ có thể nắm đầu này, chọn đầu kia, nhằm tiếp thị hình ảnh của mình đến với công chúng một cách nhanh chóng. Theo lẽ bù trừ, nhanh cái này thì cái khác phải chậm. Hiện tượng sinh viên năm nhất xin nghỉ học một năm để đi đóng phim khá phổ biến. Hệ quả là có một khoảng cách chênh lệch giữa “thanh” và “sắc”. Tôi hiểu rằng hiện nay sân khấu chưa nuôi được nghệ sĩ, họ phải làm cái này cái kia để sống. Tuy nhiên, sân khấu cần sự chọn lọc, bởi khán giả muốn đến nhà hát với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật một cách trọn vẹn. Cái gì cũng có giá của nó. Sắc là cái trời cho, còn thanh là sự khổ luyện. Nhiều nghệ sĩ, dù tuổi trẻ đã đi qua, nhưng vẫn đứng vững trên sân khấu. Nếu thực sự gắn bó với nghệ thuật thì cần phải giữ được sự bình tĩnh ghê gớm trước những “ cám dỗ” của cơ hội.
____
Còn sức ép doanh thu thì sao, từ giác độ của một nhà đầu tư, chị có giữ được sự bình tĩnh không?
Hồi mới khai trương, có những đêm diễn rạp chưa đầy 30 khán giả. Bây giờ, khán giả đến rạp có khá hơn. Số lượng buổi diễn đã tăng gấp đôi, lên bốn suất mỗi tuần. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn chưa thu lại được một đồng vốn nào. Trước khi quyết định hợp tác mở sân khấu, anh Thành Hội và tôi đã hỏi đối tác rằng liệu anh ấy có thể chịu đựng với chúng tôi bao lâu. Tôi xác định trước rằng quá trình “chịu đựng” này có thể kéo dài hằng năm trời. Tình huống xấu nhất là không chịu nổi nữa thì dẹp tiệm, và xin lỗi khán giả.
____
Nhiều đồng nghiệp của chị than phiền rằng chúng ta chưa có một sân khấu đàng hoàng. Chị thấy sao?
Đó là mong muốn chung. Nhưng không ai làm được. Làm sân khấu bây giờ thiếu thốn đủ thứ. Địa điểm phải thuê mướn, thành ra không dám mạnh tay đầu tư trang thiết bị. Chính sự thiếu thốn về phương tiện đã trói buộc ý tưởng của đạo diễn. Kịch bản cũng thiếu trầm trọng. Nhân sự cũng vậy. Phim truyền hình hút diễn viên. Mà cũng phải thôi, sóng truyền hình có độ phủ sóng cao hơn, cát – sê cũng cao hơn. Diễn ở rạp chỉ có vài trăm người xem, lên truyền hình thì cả nước đều biết. Bây giờ mong muốn nghệ sĩ tề tựu đông đủ như trước kia, hết mình cho vở diễn cũng vô cùng khó khăn. Thành ra, cách làm sân khấu hiện nay là cố gắng tốt nhất có thể. Khi nghệ thuật là sự “sắp xếp”, “liệu cơm gắp mắm” thì khó mà có những đột phá được. Cộng hưởng của những yếu tố đó khiến chúng ta chưa có một nhà hát tử tế. Hôm rồi, tôi có đọc một bài báo, viết rằng ở Hà Nội “có nhà mà không có hát”, còn Sài Gòn thì “có hát mà không có “nhà”. Làm nghệ thuật như vậy thì đúng là cười ra nước mắt.
Vì bị hấp dẫn bởi sự lung linh của ánh đèn sân khấu mà chúng tôi mới lao vào như những con thiêu thân…
____
Nhìn lại những vở đã công diễn, vở nào chị ưng ý nhất?
Cũng nhiều người đã hỏi tôi câu này. Nhưng tôi đành khất câu trả lời. Nếu ưng ý nhất thì có nghĩa là tôi đã dừng lại.
____
Có thể nhìn vào số suất diễn, lượng khán giả đến rạp. Đấy cũng là một kênh đánh giá khá khách quan?
Sự thích thú của khán giả khi đến rạp là động lực để người nghệ sĩ đi tiếp. Nghệ thuật là một hành trình không có đích đến. Với tôi, mỗi vở kịch giống như một đứa con. Mà đã là con thì phải thương như nhau. Tôi không muốn mình trở thành một người mẹ thiên vị.
____
Có một hình ảnh ví von “cuộc đời nghệ sĩ giống như cái khung, treo những số phận trên sân khấu”. Chị nghĩ sao?
Tôi không nghĩ như vậy. Theo tôi thì nên dùng hình ảnh những con ma – nơ – canh. Khi sân khấu sáng lên thì những con ma nơ canh đó hoạt động. Bây giờ tôi là Ái Như, nhưng khi bước ra sân khấu thì tôi không còn là mình nữa. Còn hiểu theo nghĩa về sự bạc bẽo của nghề này thì đúng. Nhưng nếu biết nghiệt ngã thì đừng chọn lựa. Còn nếu lựa chọn thì phải chấp nhận. Âu cũng là cái giá của hào quang. Cũng vì bị hấp dẫn bởi sự lung linh của ánh đèn sân khấu mà chúng tôi mới lao vào như những con thiêu thân…
____
Con cái của chị có ai đi theo con đường nghệ thuật?
Có chứ. Con gái tôi năm nay 28 tuổi, đang học thạc sĩ ngành tâm lý. Thuở nhỏ con gái tôi cũng theo mẹ đi diễn kịch. Bây giờ thì đến lượt cậu em đang học lớp 9, nếu duy trì thành tích học tập hạng giỏi thì được cho diễn. Còn sụt hạng thì không được tham gia nữa. Thành ra, diễn kịch vừa là một phần thưởng, vừa là một phương tiện giải trí lành mạnh mà tôi dành cho con trai của mình.
____
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.
Xem thêm: