Phần lớn trong lịch sử loài người, ngày sinh nhật của những người bình thường không phải là nguyên nhân cho nhiều lễ kỷ niệm. Trên thực tế, trong thế giới cổ đại nếu bạn không thuộc về tầng lớp những người ưu tú, khả năng là ngày sinh của bạn sẽ chỉ để ghi nhận về những vấn đề như chiêm tinh thay vì tổ chức các bữa tiệc tùng để vinh danh bạn hàng năm.
Một trong những câu chuyện nổi tiếng trong kinh Cựu Ước đã được nhắc đến, đó là sự kiện ngày sinh nhật của một Pharaoh được ghi lại trong sách Sáng thế (40: 20-22) như sau: “Và đến ngày thứ ba, đó là ngày sinh nhật của pharaoh; ông đã tổ chức một bữa tiệc cho tất cả những người hầu của mình. Ông cho triệu tập người tổng quản và người bếp trưởng trong số những người hầu. Ông đã phục chức cho họ một lần nữa. Người tổng quản đã trao cho pharaoh một ly rượu, nhưng pharaoh đã ra lệnh treo cổ người bếp trưởng. Đúng như ông Joseph đã tiên đoán về các sự kiện này”.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ James Hoffmeier thuộc Trường Thần học Chúa Ba Ngôi, bữa tiệc sinh nhật này có lẽ không phải là lễ kỷ niệm ngày sinh của một vị pharaoh không rõ tên kia, mà là lễ đăng quang của ông, đánh dấu ngày sinh của ông như thể của một vị thần.
Khi lịch sử được ghi chép cụ thể hơn một chút, chúng ta biết từ nhà sử học người Hy Lạp Herodotus rằng vào thế kỷ 5 trước Công nguyên, ít nhất có một số người Ba Tư đã tổ chức sinh nhật của họ, thậm chí họ còn ăn một số loại bánh ngọt trong số nhiều món tráng miệng dư dả của họ.
Trong tất cả các ngày trong năm, ngày mà họ ăn mừng nhiều nhất là ngày sinh của họ. Theo phong tục thông thường, sẽ có một bàn ăn được trang trí vào ngày hôm đó với các món ăn dư dật hơn ngày thường. Những người Ba Tư giàu hơn sẽ đãi một con bò cái, một con ngựa, một con lạc đà và một con lừa, tất cả đều được nướng nguyên con và phục vụ các thực khách. Những tầng lớp nghèo hơn sẽ ăn các gia súc nhỏ hơn.
Người ta ăn ít thức ăn đặc nhưng có rất nhiều món tráng miệng, tất cả được bày ra trên bàn một vài món trong cùng một lúc; chính từ điều này mới có câu nói rằng “Khi những người Hy Lạp ăn, họ không để bị đói, không có gì đáng để phục vụ họ ngoài các món thịt; cũng vậy, nếu các món ăn được dọn ra nhiều hơn trước mặt họ, họ sẽ ăn không biết ngừng nghỉ”.
Đối với người Hy Lạp cổ đại, tuy không có liên quan gì với ngày sinh nhật, chúng ta biết họ đã phục vụ một số loại bánh cùng với những cây nến để tôn vinh nữ thần Artemis cùng với những món ăn khác. Do nữ thần vốn nắm quyền thống trị mặt trăng, người ta đã dọn ra những chiếc bánh không chỉ mang chủ đề thiên đàng, mà còn trang trí với nến thắp sáng, có lẽ là để làm cho nó tỏa sáng. Họ cho rằng khói của những ngọn nến có lẽ sẽ khiến cho nữ thần nghe thấy những lời cầu nguyện riêng tư của mỗi người khi khói bay lên trời.
Giống như người Ba Tư, người La Mã (khoảng từ thế kỷ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ 5 Công nguyên) được biết đã tổ chức sinh nhật cho ít nhất một số “thường dân”, mặc dù vậy có vẻ như phong tục này đã không phổ biến ở khắp mọi nơi như ngày nay. Thay vào đó, khi một người giàu có đạt được một cột mốc tuổi tác quan trọng, chẳng hạn như 50 tuổi, gia đình và bạn bè của ông ta có thể tổ chức cho người đó một bữa tiệc và dọn ra một chiếc bánh ngọt đặc biệt. Mặc dù người La Mã đã có những chiếc nến làm từ mỡ động vật từ khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, nhưng họ không cắm các cây nến trên chiếc bánh sinh nhật.
Người Trung Quốc cũng đã tổ chức sinh nhật từ lâu, mặc dù việc ăn bánh vào ngày hôm đó chỉ là một hiện tượng đặc biệt gần đây, được thông qua từ thế giới phương Tây. Thay vào đó, ở Trung Quốc, theo truyền thống người ta thường ăn món mì trường thọ vào ngày sinh nhật.
Vào thời Trung cổ ở phương Tây, ngoài việc những ghi chép không mấy chính xác là đặc điểm của thời đại này, việc xuất hiện những ngày sinh nhật và bánh sinh nhật cũng không thịnh hành cho lắm, một phần không nhỏ chỉ vì tín điều của đạo Công giáo thuở ban đầu vốn xem những ngày lễ kỷ niệm sinh nhật là sản phẩm của ngoại giáo.
- Xem thêm: Rùa mừng sinh nhật
Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào khoảng thế kỷ 12, khi các hồ sơ về những ca sinh đẻ bình thường được chép lại một cách tỉ mỉ. Đó là lúc các em bé cũng được vinh danh với tên của một vị thánh để bảo vệ chúng, người ta bắt đầu kỷ niệm ngày vị thánh đỡ đầu của họ (khác với ngày sinh nhật của họ).
Đối với việc tái giới thiệu chiếc bánh sinh nhật, điều này dường như là nhờ các thợ làm bánh người Đức bắt đầu từ khoảng thế kỷ 15. Vào thời điểm này, người ta bắt đầu tiếp thị những chiếc bánh một lớp dành cho ngày sinh nhật, đặc biệt là cho ngày sinh nhật đầu tiên của một người.
Vào cuối thế kỷ 18, bên cạnh thế giới phương Tây bắt đầu tổ chức phổ biến lại những ngày sinh nhật, người Đức đã phát triển chiếc bánh sinh nhật của họ thêm một chút, đôi khi bao gồm cả những chiếc bánh sinh nhật phủ kem trau chuốt rất công phu, không khác với những gì chúng ta đang có ngày nay. Ngoài ra, bây giờ người Đức cũng cắm các chiếc nến trên bề mặt những chiếc bánh sinh nhật, như đã từng thấy trong các buổi tiệc sinh nhật Kinderfeste (lễ hội trẻ em) ở Đức.
Vì sao người ta nghĩ ra những cây nến này và cắm chúng ở đó? Điều này vẫn chưa rõ, mặc dù vào thời điểm đó, số nến nhằm để tiêu biểu cho số tuổi của đứa trẻ cùng với hy vọng mọi điều chúc tốt đẹp cho em trong tương lai. Do đó, người ta đã suy đoán rằng những cây nến là đại diện cho ánh sáng của cuộc sống.
Một số nguồn nói thêm những lý do khác, chẳng hạn như những ngọn nến ở đó để bảo vệ đứa trẻ khỏi tà ma và những người thân trong gia đình tụ tập lại bên nhau với hy vọng chống lại các linh hồn xấu xa; đồng thời có lập luận ngược lại, cho rằng khi kỷ niệm sinh nhật của một người có thể làm cho người đó dễ bị tổn thương hơn trước lũ ma quỷ.
Dù thế nào chăng nữa, ý tưởng đặt những chiếc nến lên bánh sinh nhật dường như đã nhanh chóng lan rộng, vượt qua các bữa tiệc sinh nhật bấy lâu nay vẫn chỉ dành cho trẻ em. Ví dụ, vào năm 1746, Bá tước Nikolaus Ludwig von Zinzendorf đã có “một chiếc Bánh lớn hơn sản phẩm của bất kỳ lò nướng nào, và những chiếc lỗ được tạo ra trong chiếc bánh phù hợp với số tuổi của người được mừng, mỗi cái lỗ đều cắm một cây nến. Và có một cây nến ở chính giữa chiếc bánh”.
Nửa thế kỷ sau đó, vào năm 1801, trường hợp hoàng tử August của công tước Saxe-Gotha-Altenburg đã được đại thi hào người Đức Johan Wolfgang von Goethe tường thuật như sau: “Vào ngày sinh nhật thứ 52 của ông, có một chiếc bánh gatô kiểu Đức cỡ lớn với những ngọn nến rực rỡ, số lượng khoảng 50 ngọn nến, chúng bắt đầu tan chảy và đe dọa làm cháy sạch, thay vì còn đủ chỗ để cắm thêm những cây nến tiêu biểu cho những năm sắp tới”.
Từ đây, lối làm những chiếc bánh trang trí với các ngọn nến công phu, cho ngày sinh nhật đã lan rộng khắp châu Âu, có lẽ ban đầu là do người ta sao chép lẫn nhau trên khắp lục địa và làm giảm bớt giá chi phí xuống để cho mọi người có thể mua được từ đó.
Còn ở Mỹ, chủ yếu vì lý do tôn giáo, những ngày kỷ niệm sinh nhật nói chung không phổ biến, mãi cho đến đầu thế kỷ 19. Đáng chú ý là trong khi những người theo đạo Tin lành đã mau chóng nắm bắt lấy ý tưởng về ngày sinh nhật vào thời điểm này, thì những người Công giáo ở nước này chủ yếu vẫn kiêng kỵ các vấn đề về tôn giáo đối với việc kỷ niệm ngày sinh nhật.
Cũng cần nhắc lại rằng vào thời này, có chiếc bánh ngọt vào ngày sinh nhật, đặc biệt là bánh có nhiều lớp kem phủ như chúng ta thường thấy ngày nay, vẫn là một điều xa xỉ chỉ những người giàu có mới có thể mua được. Cho đến cuối thế kỷ 19, những người dân thường đã có đủ điều kiện để sở hữu nhờ vào cuộc cách mạng công nghiệp, do đó quần chúng bắt đầu kết hợp những chiếc bánh sinh nhật phủ kem phía trên như một phần của lễ kỷ niệm ngày sinh.
Cuối cùng, khi nhắc đến truyền thống đặt nến lên bánh và bày biện vào một ngày sinh nhật có vẻ như là một thực tế vượt thời gian, thì thực sự điều đó vẫn là một hiện tượng tương đối còn mới mẻ trong lịch sử loài người.