Đi một chút, đi lâu lâu, đi ngắn, đi dài… là cách anh giải tỏa áp lực công việc. “Mấy năm gần đây mới có cơ hội để đi, còn thời mới ra trường, tôi cày như trâu. Bạn bè rủ đi uống cà phê còn khó”, anh kể. Trần Lê Quốc Bình vào đời với một xuất phát điểm thấp. Tuổi thơ của anh là chuỗi ngày dài gia đình chen chúc trong căn hộ mướn ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
Là hình ảnh người mẹ của mình ôm cái tủ đựng đồ tạp hóa, nguồn sống của cả nhà, chạy khắp nơi. Là cảnh người cha cùng mấy người bạn nổi lửa trên nóc chung cư, nấu xà phòng, đóng thành bánh, xếp vào giỏ, phủ giấy báo cũ lên rồi tuồn vào chợ… Hết trung học, việc anh đến với kiến trúc cũng không vì một ý thích rõ ràng ngay từ đầu, mà theo kiểu “cưới rồi mới yêu”. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cũng bắt đầu từ ngã rẽ đưa anh đến với ngành này. Anh nói:
Thời cấp II, tôi học văn cũng khá, được chọn vào đội tuyển của trường. Suốt ngày chui vào lò luyện, theo kiểu luyện gà chọi để đi thi. Lúc đó, tôi nghĩ sau này chỉ thi vào hai trường, hoặc là khoa Văn ngành sư phạm hoặc khoa Văn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đến khi học cấp III, mọi người trong gia đình khuyên tôi không nên học văn, coi chừng sau này… đói. Lúc ấy tôi nghĩ người thân không hiểu tôi, nên giận ghê lắm, mấy ngày liền cứ lầm lũi một mình, không nói với ai tiếng nào. Giờ ngẫm lại, nếu mình không chuyển hướng theo lời khuyên của gia đình thì có khi đói thiệt.
____
Nhưng vì sao anh lại hướng sang kiến trúc, trong khi đầu vào ngành này không có môn sở trường của anh là văn?
Tôi vẽ cũng ổn, nên chọn trường kiến trúc. Thêm nữa, nghe trường kiến trúc cũng… oai oai. Mấy lần đi ngang trường này, thấy mấy anh sinh viên để tóc dài, quần áo lè phè, vai đeo ống đựng bản vẽ, chạy xe dưới mưa, nhìn rất lãng tử. Chỉ đến khi vào trường mới thấy mình hoàn toàn không hiểu gì về kiến trúc. Không hiểu thì không thích được. Học kỳ đầu có chín môn học thì tôi phải thi lại quá nửa, sốc lắm. Từ nhỏ đến lớn quen với việc thi đâu đậu đó rồi, chỉ có đậu cao hay thấp mà thôi. Thành ra kết quả học tập bê bết làm tôi hoang mang, loay hoay, mất phương hướng. Đã thế, tôi lại còn đi làm thêm.
____
Phải chăng vì sự thúc bách của cuộc sống?
Gia đình tôi không dư giả nhưng cũng chưa đến mức cho con cái tự bươn chải để kiếm tiền trang trải việc học hành. Lý do đi làm vì tôi muốn xài tiền từ sức lao động của bản thân. Thời đó tìm được công việc liên quan đến ngành học của mình rất khó. Tôi trải qua một số công việc, từ phục vụ nhà hàng, tiếp thị rượu cho đến đi dạy. Tôi dạy cho một nhóm học sinh, mỗi ngày hai ca, từ năm rưỡi chiều đến chín giờ tối, chỉ nghỉ ngày thứ Bảy. Thu nhập từ công việc này rất khá, nên tôi ham lắm. Lên giảng đường tôi đâu có học hành gì. Thầy cô giảng ở trên, ở dưới tôi giở sách giải toán, giải lý ra chuẩn bị bài để tối đi dạy.
____
Những sinh viên kiểu như anh ở trường kiến trúc có nhiều không?
Tôi nghĩ là nhiều. Tôi tạm chia thành bốn nhóm. Thứ nhất là nhóm những người giỏi, có khiếu về kiến trúc, nhưng tính hơi ngông, chỉ thích làm theo điều mình muốn. Dù giỏi các môn chuyên ngành nhưng lơ là những môn phụ, chỉ rớt một môn là không ra trường được. Dạng thứ hai là những người vô trường rồi bắt đầu đi làm. Nhưng do kiếm được nhiều tiền quá nên không thèm học. Dạng thứ ba là học hoài, học hoài không xong. Còn dạng thứ tư là như tôi, cứ vật và vật vờ trong trường như những bóng ma.
____
Vật và vật vờ mà anh vẫn làm được việc?
Tôi có may mắn là đến năm thứ tư đại học thì phát hiện ra rằng kiến trúc không giống như hội họa, tức là không phải vẽ đẹp. Cảm giác giống như cưới vợ rồi mới yêu vậy. Kể từ đó tôi mới chủ động tìm hiểu về nó. Còn chuyện học thì chủ yếu từ sau khi tốt nghiệp. Tôi học những gì mình thấy cần, bằng cách đi làm cùng lúc hai công ty. Buổi sáng tôi làm việc ở một công ty nhà nước về kiến trúc, còn buổi chiều làm cho một doanh nghiệp tư nhân chuyên về nội thất.
Không ít sinh viên sau khi nhập học đã biết mình không phù hợp với kiến trúc, nhưng để thay đổi thì không hề đơn giản. Cần sự dũng cảm và có khi là cả tiền bạc. Thành ra, họ cứ kéo lê tuổi trẻ trong giảng đường đại học.
____
Công ty nhà nước mà cũng có thể làm việc bán thời gian được hay sao?
Tôi được làm vì rất ít người thực sự làm việc. Bảy giờ rưỡi sáng mọi người có mặt ở công ty, bật máy tính lên rồi đi ăn sáng, uống cà phê. Khoảng 10 giờ quay lại công ty, tán dóc, chờ đến giờ ăn trưa. Dù là sinh viên mới ra trường nhưng công ty vẫn giao việc cho tôi. Người ta luôn hỏi tôi khi nào xong bản vẽ thiết kế, để yêu cầu khách hàng giải ngân. Chỉ đến khi được giao một dự án lớn, thiết kế nhà máy hàng ngàn mét vuông thì tôi quyết định ra đi. Nếu ở lại, với loại dự án này, không sớm thì muộn, tôi sẽ vướng vào vòng tiêu cực.
Tiếp tục với câu chuyện về sự “vật vờ”. Tôi nghĩ rằng một vấn đề tồn tại của ngành giáo dục là chưa thực sự quan tâm và cũng chưa thấy được vai trò của hướng nghiệp. Việc lựa chọn ngành học của học sinh thường do cảm tính hoặc ý muốn của cha mẹ, chứ không phải vì sự ham thích của chủ thể. Mà để biết có thích hay không thì cần sự trải nghiệm. Ở nước ngoài, việc hướng nghiệp rất quan trọng. Người ta có nhiều hoạt động để học sinh bộc lộ khả năng, thậm chí sau khi tốt nghiệp trung học, nhiều người bỏ ra một năm đi làm, để biết mình thích nghề gì, có phù hợp với mình hay không. Thực tế là số người học kiến trúc làm đúng nghề rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhiều bạn học của tôi sau khi ra trường rồi không thấy nữa. Không biết họ đi đâu. Một số người làm những công việc không liên quan gì đến kiến trúc, chẳng hạn như một người bạn hiện đang quản lý một đội xe 20 chiếc chuyên bán kem Wall’s. Nghề nào cũng tốt, miễn là lương thiện, nhưng để làm công việc này, có lẽ anh ấy không cần phải bỏ ra năm năm đèn sách, tốn cả thời gian lẫn tiền của. Không ít sinh viên sau khi nhập học đã biết mình không phù hợp với kiến trúc, nhưng để thay đổi thì không hề đơn giản. Cần sự dũng cảm và có khi là cả tiền bạc. Thành ra, họ cứ kéo lê tuổi trẻ trong giảng đường đại học. Họ không phải là những người dở, nhưng vì không được hướng nghiệp, chọn sai nghề nên uổng cả một đời. Thiệt thòi của họ cũng là sự thiệt thòi của xã hội.
Sau một năm rưỡi đi làm thuê, tôi cùng mấy người bạn mở văn phòng kiến trúc. Không có tiền mướn mặt bằng, tôi tận dụng cái phòng ngủ của mình. Trong khoảng thời gian này, tôi vay mượn một số nơi, mở tiệm bán cây cảnh chuyên phục vụ trong các công trình xây dựng, dù chẳng có chút khái niệm gì về chăm sóc cây cảnh.
Không ít sinh viên sau khi nhập học đã biết mình không phù hợp với kiến trúc, nhưng để thay đổi thì không hề đơn giản. Cần sự dũng cảm và có khi là cả tiền bạc. Thành ra, họ cứ kéo lê tuổi trẻ trong giảng đường đại học.
____
Vì sao lại bỏ sở trường để chạy theo sở đoản?
Vì nghe đồng nghiệp kháo nhau nghề này… hốt bạc. Mục tiêu của tôi là kiếm đủ tiền để đi du học. Nhưng khi kiếm được đủ tiền rồi thì ý định ban đầu thay đổi. Tôi sợ rằng khi mình đi học thì không có ai kiếm tiền… giùm mình. Vạn sự khởi đầu nan, tiệm bán cây cảnh khiến tôi gần như phát khùng, suốt ngày lo đối phó với đủ thứ chuyện. Từ việc công an khu vực tới lui vì chuyện cây bày lấn ra lề đường cho đến chủ đất đòi lấy lại mặt bằng… Vào những ngày lễ lớn, nhiều đơn vị, tổ chức đến vận động mua sách kỷ niệm. Dù không có nhu cầu nhưng tôi cũng bấm bụng mua cho xong. Người ta đã bán sách cho mình được một lần thì sẽ có lần hai, lần ba… Thế là sách chất thành đống. Rồi giải quyết những chuyện phiền hà liên quan đến nhân viên. Chẳng hạn như phân bón đầy gốc, cây hấp thu không nổi, cả vườn hấp hối. Nghe người ta nói lấy vỏ tôm, vỏ sò, sừng trâu… nghiền nát, ngâm nước ba ngày rồi tưới, tôi bắt chước làm theo. Cứu được cây, nhưng mùi của cái hỗn hợp ấy thì thật kinh khủng, ám cả vào chùa Giác Lâm (đường Lạc Long Quân, quận 11 – PV) kế bên, cả tuần không hết. Tôi tắt điện thoại, trốn biệt. Giai đoạn đó tôi bị stress thường xuyên. Tiền đầu tư đều vay mượn, bỏ vào vườn cây như ném xuống giếng, không thấy sủi tăm. Có những lúc trong túi không có tiền, vừa chạy xe vừa hồi hộp, không biết cái xe máy cà tàng có trở chứng giữa đường hay không. Đằng sau xe chở hai bao đất, đằng trước hai bao đất, chung quanh còn kẹp mấy cái bay…, trông như phụ hồ.
____
Trở lại với câu chuyện về kiến trúc. Người ta nói rằng kiến trúc thay đổi liên tục. Việc rượt theo những xu hướng mới có khiến anh gặp khó khăn?
Ngành này nếu không đọc sách, không đi, không cập nhật thông tin thì chừng một năm là tụt hậu. Nhiều người nghĩ rằng kiến trúc là nghề có gì đó lãng mạn nhưng thực ra đó là nghề đòi hỏi thực hành rất cao. Không thực hành thì không có kinh nghiệm, không có kinh nghiệm thì không tạo ra sản phẩm. Trong âm nhạc, một cậu bé bảy tuổi có thể trở thành thần đồng nhưng kiến trúc thì không.
____
Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản ảm đạm. Hiện trạng này tác động thế nào đến dịch vụ của anh?
Phần lớn các nhà cung cấp nguyên vật liệu mà tôi tiếp xúc đều thừa nhận doanh số của họ bị giảm 50 – 60%. Nguyên nhân là khá nhiều dự án bị đình hoãn. Chúng tôi không có nhiều việc để làm, mà nếu có thì cũng chưa hẳn là việc làm tốt. Đấy là trường hợp những dự án vẫn chạy nhưng chủ đầu tư kẹt tiền, khiến mình cũng kẹt theo. Công việc vẫn chạy trong giai đoạn khó khăn này là nhờ chúng tôi có nguồn khách khá ổn định.
____
Nguồn khách của anh chủ yếu là tư nhân hay nhà nước?
Chúng tôi không làm việc được với các công ty nhà nước. Lý do là đã một số lần bầm dập với những khách hàng là công ty quốc doanh. Khi làm việc với công ty quốc doanh, tôi thường phải tiếp xúc với ba người, giám đốc, phó giám đốc và một trưởng phòng. Được lòng người này thì mếch lòng hai người còn lại, bởi ai cũng muốn dành công việc đó cho những đơn vị, cá nhân mà họ có quan hệ thân thiết. Ăn không được thì phá cho hôi, khiến mình rất mệt mỏi. Đấy là chưa kể trường hợp người ta yêu cầu mình một việc không thể làm được là kê báo giá lên ba, bốn chục phần trăm. Tất cả nguyên vật liệu sử dụng cho công trình đều có mã số các nhà cung cấp. Nghĩa là nếu tôi làm bậy thì chỉ cần một cuộc điện thoại là người ta biết liền. Đã biết dây vào là rủi ro thì cách tốt nhất là tránh ngay từ đầu, dành thời gian chăm sóc cho những khách hàng tư nhân.
____
Nhà có diện tích sử dụng nhỏ là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong một vài năm gần đây. Là người có nhiều kinh nghiệm cung cấp dịch vụ cho những căn hộ loại này, anh nghĩ sao?
Thực tế là nhu cầu về căn hộ diện tích hẹp ở Sài Gòn là rất lớn. Mặc dù nguồn cung cũng rất lớn nhưng giá cả cao là trở ngại khiến cung cầu không gặp nhau. Những người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học, có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng được xem là cao, nhưng với mức thu nhập này thì việc mua được một căn hộ trả góp ở khu vực trung tâm vẫn là ước mơ xa vời, trừ phi có sự trợ giúp từ gia đình. Phần lớn những người mua căn hộ loại này không phải vì mục đích sử dụng, mà để đầu tư. Còn nguồn khách hàng của tôi cũng là những người trẻ, nhưng thường là những người đi du học về, làm việc ở cấp quản lý cho các công ty đa quốc gia. Đây là đối tượng khá văn minh. Với số tiền không lớn lắm, thí dụ khoảng 2 tỉ đồng, mà muốn ở khu vực trung tâm thì chỉ có thể lựa chọn chung cư.
____
Đối tượng này có khó tính không?
Khó. Họ bỏ tiền ra phải xứng đáng đồng tiền bát gạo, nhưng sau khi đã ra đề bài thì không can thiệp vào việc mình giải bài toán như thế nào. Đây là điểm khác biệt rõ nét với những khách hàng lớn tuổi, thường yêu cầu chúng tôi điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công. Theo tôi, làm căn nhà cũng giống như đi dự một buổi tiệc. Một bộ đồ đẹp vẫn có thể biến người mặc trở nên lạc điệu nếu không phù hợp với những người chung quanh, chủ đề của buổi tiệc, những điều mình sẽ nói tại buổi tiệc đó… Nghĩa là có những yếu tố nằm ngoài tầm với của mình.
Quay lại với câu chuyện về sự ảm đạm của thị trường bất động sản. Tôi nghĩ đây là khoảng thời gian để thử thách sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Làm căn nhà cũng giống như đi dự một buổi tiệc. Một bộ đồ đẹp vẫn có thể biến người mặc trở nên lạc điệu nếu không phù hợp với những người chung quanh, chủ đề của buổi tiệc, những điều mình sẽ nói tại buổi tiệc đó… Nghĩa là có những yếu tố nằm ngoài tầm với của mình.
____
Khoảng thời gian thử thách theo anh sẽ kéo dài bao lâu?
Tôi không phải là chuyên gia kinh kế nên chỉ có thể trả lời bằng kinh nghiệm của mình. Cách nay ba năm, khi xảy ra khủng hoảng năm 2008, mọi người tin rằng năm sau sẽ tốt hơn năm trước. Anh trai tôi làm chứng khoán, còn chị gái của tôi làm việc trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Tôi còn nhớ lúc đó mọi người nói với nhau rằng khủng hoảng chạm đáy rồi. Các năm tiếp theo, mọi người vẫn tiếp tục nói như vậy, nhưng có cảm giác rằng mọi người đã dao động. Niềm tin “năm sau sẽ tốt hơn” của mọi người đang bị thử thách. Về phần mình, tôi thường nghĩ dù tốt hay xấu thì cũng đều là trải nghiệm, khiến cuộc sống của mình phong phú hơn.
____
Đó là một cách nghĩ…
Đúng. Tôi tìm một lý do nào đó để thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, để làm những việc khác.
____
“Việc khác” phải chăng là kinh doanh spa?
Cũng không hẳn. Chuyện về việc mở spa là thế này. Tôi có một cô bạn thích tham gia các hoạt động từ thiện. Sau khi bàn tính, chúng tôi nghĩ rằng thay vì cho người ta con cá, thì giúp người ta cái cần câu, trang bị cho họ cái nghề để có thể sống được bằng sức lao động của mình. Xác định như vậy nên chúng tôi tự đào tạo lấy người, không tìm cách lôi kéo người ở những cơ sở chăm sóc sắc đẹp khác. Chúng tôi về nông thôn, tuyển người. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đi tuyển, người ta nhìn mình đầy nghi hoặc, rồi lảng đi hết.
____
Lý do là…
Họ nghĩ chúng tôi là… tú ông, tú bà. Sau khi giải thích, đổi tên vị trí tuyển dụng thành “chuyên viên chăm sóc sắc đẹp”, chúng tôi chọn được 40 bạn trẻ đưa về thành phố đào tạo trong vòng sáu tháng. Buổi sáng học ở Viện Y học Dân tộc TP. Hồ Chí Minh, buổi chiều tham gia khóa huấn luyện do giảng viên từ Thái Lan qua và chuyên gia của các hãng mỹ phẩm. Một ngày kia, công an ập vào căn nhà mà chúng tôi mướn cho các bạn ở, đưa tất cả về phường. Nhà chức trách nghi ngờ chúng tôi tổ chức môi giới lấy vợ cho người nước ngoài. Họ nghi ngờ vì lâu lâu lại thấy mấy người nước ngoài da ngăm đen vào đó, thực ra là mấy giáo viên người Thái đến dạy cho nhân viên của tôi.
____
Tiếp tục với câu chuyện về spa. Phần lớn khách hàng của spa là những người biết hưởng thụ cuộc sống. Ngoài tay nghề, khả năng giao tiếp với khách hàng có lẽ cũng là một yếu tố cần quan tâm?
Dù được hướng dẫn nhưng đúng là các em bị hạn chế về giao tiếp, khiến khách phật lòng. Có lần một khách hàng vô làm dịch vụ xong thì ngủ luôn. Nhân viên của chúng tôi khép cửa phòng, để khách ngủ. Tỉnh giấc, cô ấy làm rùm beng, nói tại sao không đánh thức khiến cô ấy trễ chuyến bay. Một lần khác, có một cô cũng khá lớn tuổi, đến làm dịch vụ. Rút kinh nghiệm, sau khi làm xong, nhân viên của tôi gọi cô ấy dậy. Thế là bị khách la rằng “không hiểu tâm lý người già, đang ngủ mắc chi đánh thức người ta dậy”. Mỗi người mỗi ý, không thể biết ý của khách thế nào để làm vừa lòng. Cách tốt nhất là thật thà với khách, không biết thì hỏi. Khi người ta thấy được sự thật thà của mình thì dù mình có khiếm khuyết cũng dễ được cảm thông. Spa mới hoạt động được một năm, lợi nhuận chưa có, nhưng điều khiến chúng tôi mừng nhất là các bạn đã thành nghề, thậm chí có một vài em đủ khả năng huấn luyện cho những người mới. Thêm nữa, mỗi lần về quê, họ có thể tự hào về nghề nghiệp của mình.
____
Anh được tiếng là ông chủ không cho nhân viên nhận tiền boa của khách. Xét cho cùng thì việc khách boa cho người phục vụ cũng là một dấu hiệu cho thấy sự hài lòng đối với chất lượng dịch vụ, đồng thời giúp nhân viên của anh có thêm thu nhập?
Chúng tôi muốn mọi người đều được chăm sóc như nhau. Khi có tiền boa, người ta sẽ dễ phân bì người này cho nhiều người kia cho ít, ảnh hưởng đến thái độ phục vụ của nhân viên. Bù lại, chúng tôi có phiếu đánh giá để khách hàng đánh giá chất lượng phục vụ. Những nhân viên được khách hàng chấm điểm cao sẽ được công ty thưởng riêng.
____
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Xem thêm: