Có 3 điều làm hỏng một con người: “Rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ”. Tác hại đầu tiên của tức giận là làm hao mòn sức khỏe thể chất và tinh thần, làm rạn nứt những mối quan hệ, hư hại tài sản, gây tổn thương cho bản thân hoặc người khác. Một trong những tiêu chí để bảo vệ và duy trì sức khỏe trong năm mới là mỗi người hãy tự kiểm soát bản thân và khắc phục sự giận dữ…
Ông bà ta thường nói: “Quá giận mất khôn”! Giận là một phản ứng thể hiện sự không thích, bực tức hoặc thất vọng. Nhưng sự tức giận trở thành tiêu cực khi chúng ta mất tự chủ trong suy nghĩ. Phụ nữ nóng giận khi đang có kinh hoặc đang trong thời kỳ mãn kinh. Ở nam giới, sự tức giận thường tăng lên ở tuổi trung niên khi mức testosterone giảm dần. Vì vậy, đôi khi cần tìm hiểu nguyên nhân để được điều trị chính xác.
Sự giận dữ bùng nổ và mất kiểm soát sẽ gây tổn hại trong các mối quan hệ chung quanh, nhưng tổn hại lớn nhất chính là nguy cơ cho sức khỏe bản thân vì lúc đó các cơ quan nội tạng đều có thể bị nguy hiểm. Để hạn chế cơn giận, các bác sĩ thường sử dụng cả liệu pháp tâm lý và dùng thuốc theo toa (như thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần). Các loại thuốc như Xanax, Klonopin, Valium và Ativan có tác dụng làm dịu thần kinh rất nhanh. Tuy nhiên nó chỉ là tạm thời và thường kèm các tác dụng phụ không mong muốn.
Vì sao giận dữ gây nguy hiểm cho sức khỏe?
Khi bạn cảm thấy nóng đầu, máu sôi sục, đổ mồ hôi, ngứa ran, tim đập nhanh hoặc đau thắt ngực, huyết áp tăng, nhức đầu, mệt mỏi, giãn đồng tử… chính là lúc trong máu xuất hiện nhiều chất hóa học gây cơn thịnh nộ. Xả súng vào học sinh, giết người, bạo lực là hậu quả. Sau một thập kỷ, tỷ lệ tội phạm bạo lực ở Hoa Kỳ đã bắt đầu tăng trở lại.
Theo Chương trình báo cáo tội phạm của FBI, tội phạm bạo lực đã tăng 2.3% trong năm 2005 và 1.9% trong năm 2006. “Bạo lực trong xã hội của chúng ta thực sự là một mối quan tâm lớn vì nó còn là vấn đề sức khỏe quốc gia”, TS Craig Ferris ở Đại học Boston cho biết. Sau khi phân tích dữ liệu nghiên cứu từ 47 hình ảnh não độc lập tại Đại học Pennsylvania, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng hành vi chống đối xã hội, bạo lực và tâm thần có thể do một phần thiệt hại của mạch thần kinh trong não.
Các nghiên cứu mới từ Đại học California, San Diego giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn nguyên do khiến một số cậu bé tuổi teen thường hung hăng và hay tức giận chính là do sự gia tăng nồng độ của các chất hóa học trong não. Khi giận, năng lượng dễ bị đốt sạch, cơ thể liên tục phóng thích các chất kích thích như Adrenaline và Cortisol gây rối loạn chu trình sinh học của cơ thể, làm nhịp tim và hơi thở tăng dồn dập. Lúc đó, con người sẽ rơi vào tình trạng “hôn mê tạm thời”, nhìn mọi thứ đều sai lệch, suy nghĩ không sáng suốt và không kiểm soát nổi mọi hành vi của bản thân. “Có ai hạnh phúc khi nổi nóng không?”. Câu trả lời chắc chắn là không.
Nóng giận không hề làm tăng hạnh phúc mà chỉ chất chứa thêm sự tức tối, thất vọng, oán thù, ghen tị, phẫn uất, thịnh nộ, hiếu chiến, căm ghét… trong con người chúng ta. Nóng giận không mang tính di truyền, nhưng có yếu tố gia đình, nếu cha mẹ thường bất hòa, nổi nóng, lớn tiếng, căng thẳng, con cái cũng sẽ bị ảnh hưởng từ nhỏ và tính cách nóng giận sẽ từ từ hình thành ở trẻ.
Vì sao trong Phật giáo, ngày đầu năm là ngày vía Phật Di Lặc? Vì ngài là hình ảnh đẹp đẽ, vui tươi và luôn nở nụ cười. Nụ cười không bị giới hạn về thời gian, ai trong chúng ta cũng muốn mình đẹp đẽ, sung sướng, vậy thì tại sao lại phải luôn sống trong sự giận dữ, căng thẳng, tự làm hại mình, làm cho mình xấu xí, đau khổ và bệnh tật? Cái vui và hạnh phúc của Phật Di Lặc là “hỷ xả”; hỷ là vui mừng, xả là buông bỏ, cần buông bỏ hết tất cả những gì chất chứa trong lòng để có được sự bình an, vui vẻ và hạnh phúc.
Những tổn hại cho cơ thể từ sự giận dữ
- Suy tim: Một cơn giận dữ gây thiệt hại lớn trên quả tim, nguy cơ đau tim tăng gấp đôi, một nghiên cứu cho thấy những người thường có biểu hiện giận dữ có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao gấp đôi so với những người cùng tuổi ít giận dữ.
- Tăng nguy cơ đột quỵ: Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ bị đột quỵ do cục máu đông trong não hoặc xuất huyết não cao gấp 3 lần chỉ trong 2 giờ sau khi cơn giận dữ bùng phát. Đối với những người bị phình động mạch não, nguy cơ vỡ động mạch này cao gấp 6 lần ngay sau khi cơn giận dữ bộc phát.
- Suy yếu hệ miễn dịch: Người hay giận dữ dễ bị bệnh thường xuyên hơn. Nghiên cứu của Đại học Harvard chứng minh ở những người tức giận có sự suy giảm nồng độ của immunoglobulin kháng thể A, dòng tế bào giúp cơ thể chống nhiễm trùng.
- Làm gia tăng lo lắng: Các nhà khoa học phát hiện ra rằng sự tức giận có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn lo âu (generalised anxiety disorder – GAD).
- Tổn thương phổi: Không phải là chỉ do hút thuốc, phổi vẫn bị tổn thương nếu bạn luôn luôn thù hận và tức giận. Các nhà khoa học của Đại học Harvard đã nghiên cứu 670 người đàn ông trong 8 năm bằng cách sử dụng phương pháp tính điểm để đo mức độ tức giận và đánh giá sự thay đổi chức năng phổi của họ. Kết quả cho thấy những người đàn ông có khuynh hướng gây hấn cao nhất có dung tích phổi kém từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp và viêm đường thở.
- Xấu da: Tức giận làm gia tăng lượng độc tố trong não, kích thích sự hình thành các chứng viêm quanh nang lông, từ đó tạo ra những vấn đề về sắc tố và làm cho da kém tươi tắn. Phụ nữ tức giận thường xuyên sẽ làm tổn thương tuyến vú và tử cung.
- Cường tuyến giáp: Sự tức giận cũng làm rối loạn chức năng của tuyến giáp, dẫn tới cường giáp.
- Đau dạ dày: Tức giận làm cho thần kinh bị kích thích, tác động trực tiếp tới tim và huyết mạch, giảm lưu lượng máu đến đường tiêu hóa, khiến các cơ giảm nhu động, gây đau dạ dày, nghiêm trọng hơn sẽ dẫn tới ung thư dạ dày.
- Tổn thương gan: Y học cổ truyền quan niệm “nộ khí thương can”, khi giận dữ cơ thể sẽ tiết ra các catecholamin, tác động lên hệ thần kinh trung ương, khiến lượng đường trong máu tăng cao, tăng cường sự phân giải acid béo, làm tăng độc tố trong máu và gây tổn thương các tế bào gan.
- Giảm tuổi thọ: Càng căng thẳng càng rút ngắn tuổi thọ của mình, Một nghiên cứu của Đại học Michigan được thực hiện trong 17 năm cho thấy các cặp vợ chồng thường xuyên giận dữ có tuổi thọ ngắn hơn so với những cặp vợ chồng hạnh phúc.
Giải thích theo cơ chế ngũ hành tương sinh (Can-Tâm-Tỳ-Phế-Thận) nếu can – đởm khỏe (gan mật hoạt động tốt), sinh ra tâm – tiểu trường tốt (tim khỏe), sinh ra tỳ – vị hoạt động tốt (hệ tiêu hóa hấp thu tốt), khi đó phế – đại trường thông suốt (ruột già không bị táo kết), sẽ giúp thận – bàng quang hoạt động tốt (khí hóa nước và thanh lọc tốt). Ngược lại, nếu thận tốt sẽ bảo vệ gan. Khi nóng giận sẽ hại can và kéo theo một loạt các tạng đều bị rối loạn và suy yếu.
Hormone của sự giận dữ
Epinephrine (C9H13NO3), còn được gọi là adrenaline, là hormone do tuyến thượng thận tiết ra rất nhiều khi đang cơn tức giận. Khi đó, epinephrine được phóng thích vào máu, gây tăng nhịp tim, sức mạnh cơ bắp, huyết áp và chuyển hóa đường. Phản ứng này được gọi là “phản ứng chiến đấu”, chuẩn bị cho cơ thể sắp phản ứng hung tợn. Adrenaline sinh ra trong khi tức giận kéo dài rất lâu (nhiều giờ, đôi khi nhiều ngày). Phải mất một thời gian khá dài để cơ thể trở lại trạng thái cân bằng.
Vui cười sẽ tạo ra hormone hạnh phúc
Có 4 hóa chất chính trong não ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta gồm Dopamine, Oxytocin, Serotonin, Endorphin (DOSE)
- Dopamine là hormone hạnh phúc. Khi mức dopamine trong cơ thể cao, bạn có thể lập kế hoạch, thực hiện và đạt được mục tiêu của mình trong cuộc sống, công việc hay tình cảm. Dopamine được tạo ra từ chất tyrosine (nên ăn bí đỏ, dưa hấu, đậu xanh, táo, chuối, sô cô la, quả hạnh, bơ, nghệ, củ cải đường và rau lá xanh) giúp hưng phấn yêu đời. Thiếu dopamine khiến cơ thể cảm thấy lười biếng và dễ trầm cảm.
- Oxytocin, hormone được tiết ra bởi thùy sau của tuyến yên giúp chúng ta thấy đồng cảm và gần gũi yêu mến và gắn bó với mọi người chung quanh, được gọi là “hormone âu yếm” hay “hormone tình yêu”.
- Serotonin mang đến cho ta tâm trạng tốt, chan hòa tình yêu, hạnh phúc, bởi vì nó góp phần mang lại hạnh phúc. Tên khoa học của serotonin là 5-hydroxytryptamine. Serotonin là chất hóa học trong não đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chận sự tức giận và hung hăng. Nồng độ serotonin trong dịch não tủy thấp là nguyên nhân dẫn đến hành vi hung hăng, bạo lực.
- Endorphin giúp giảm đau và tăng cường sự chịu đựng.
Vậy hãy luôn vui cười vì tiếng cười cho ta 4 chất giúp chúng ta yêu đời, hạnh phúc, khỏe mạnh về tinh thần, tăng cường hệ miễn dịch, giảm stress, giảm đau đớn giúp thư giãn cơ và quan trọng là bảo vệ tim mạch. Tính hài hước mang đến cho chúng ta lạc quan giúp quên đi các tình huống khó khăn, thất vọng và mất mát, làm ngừng cảm xúc đau khổ, giảm căng thẳng và tăng năng lượng.
Thảo dược kiểm soát cơn giận
- Nhân Sâm: Nhân sâm được xem như là một “adaptogen” mạnh mẽ làm giảm tác động của bất kỳ loại căng thẳng nào, dù là thể chất hay tinh thần. Nhân Sâm Hoa Kỳ chứa kẽm, vitamin A, B6, C và glycan, polysaccharide, nhiều ginsenosides. Nó được xem là một loại thảo dược “làm nguội” và tốt nhất nên dùng để ngăn chận các biểu hiện giận dữ và nóng nảy. Sâm Hoa kỳ nổi tiếng vì nó có khả năng chống lại sự mệt mỏi về thể chất và tinh thần. Sử dụng hàng ngày để tăng sức mạnh và sức chịu đựng, duy trì mức độ tỉnh táo về tinh thần và cải thiện trí nhớ.
- Mật ong: Trong y học cổ truyền, mật ong được xem là thuốc bổ giúp tăng năng lượng, ích khí và an thần. Có thể dùng dạng trà mật ong gừng, mật ong hoa nhài, hoặc mật ong pha trong sữa ấm, nhờ tryptophan và các acid amin trong sữa có tác dụng kích thích sự tiết melatonin và serotonin giúp trấn an thần kinh và dễ ngủ, tinh thần thư thái nhẹ nhõm, giảm căng thẳng hiếu động.
- Rễ cây valerian (Cây Nữ lang): Rễ cây Valerian thường được gọi là “Valium tự nhiên”. Loại thảo dược này giúp cải thiện giấc ngủ và giảm căng thẳng thần kinh, được sử dụng trong y học cổ truyền hơn 2.000 năm qua. Rễ cây valerian chứa acid valerenic, acid isovaleric và nhiều chất chống oxy hóa. Acid valerenic ức chế sự phân hủy GABA (Gamma amino butyric acid) trong não, giúp trấn an tinh thần và tỉnh táo. GABA là một trong những chất dẫn truyền thần kinh ức chế, được não sử dụng để ngăn chặn sự hưng phấn quá mức và đạt được sự cân bằng. Tương tự như các loại thuốc chống lo âu như Valium và Xanax. Rễ cây valerian cũng chứa các chất chống oxy hóa peridin và linarin, có đặc tính an thần và tăng cường giấc ngủ. Valerian duy trì mức serotonin, một chất hóa học trong não điều chỉnh tâm trạng và giảm chứng động kinh.
- Rhodiola rosea: Thảo dược này có thể giúp ích rất nhiều cho những người mắc chứng lo âu. Hoạt chất rosovin tác dụng ngăn chận sự phóng thích hormone gây căng thẳng (cortisol).
- Hoa oải hương: Một số nghiên cứu đã thử nghiệm tác dụng của hoa oải hương đối với các triệu chứng lo âu do căng thẳng quá độ. Trong tạp chí Physiology & Behavior có một nghiên cứu trên 200 người cho thấy việc ngửi mùi hoa oải hương trong khi chờ nhổ răng vừa giúp cải thiện tâm trạng vừa giảm bớt lo lắng. Đặt một chậu hoa oải hương trong phòng ngủ sẽ làm tăng chất lượng giấc ngủ.
- Lạc tiên -Vong nem: Passiflorin trong dây nhãn lồng có tác dụng làm dịu thần kinh ở những người luôn cảm thấy bồn chồn, nóng nảy và lo lắng. Phối hợp nhãn lồng và lá vong nem dạng nước sắc và uống trước khi đi ngủ để trấn tĩnh tinh thần và giảm căng thẳng. Nếu trầm cảm có liên quan đến thời kỳ mãn kinh thì nhãn lồng có thể là loại thảo dược hiệu quả nhất. Nó giúp giảm bớt các triệu chứng như bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm, các alkaloid và benzoflavone có trong thảo dược này có tác dụng làm tăng GABA trong não.
- Trà tim sen và hoa cúc: Uống một ly trà tim sen và hoa cúc trước khi đi ngủ để thư giãn và ngủ ngon. Trong một nghiên cứu năm 2009 được công bố trên Tạp chí Tâm lý học lâm sàng, trà hoa cúc có tác dụng làm dịu các triệu chứng lo âu thái quá. Tim sen có tác dụng trấn tĩnh tinh thần và làm bình dục tính.
- Trà xanh: Trà xanh có chứa L Theanine có thể làm tăng mức dopamine trong cơ thể, giúp cải thiện tâm trạng.
- Ginkgo biloba (Bạch quả): Ginkgo biloba cũng có thể ngăn ngừa sự lo lắng, căng thẳng, thiếu tập trung, mệt mỏi và trầm cảm. Một chén chè hạt sen và bạch quả cũng là liều thuốc thiên nhiên giúp trấn tĩnh tinh thần.
Các liệu pháp tự nhiên khác kiểm soát cơn giận
- Thiền định, tập hít thở sâu
- Tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe thể chất và cảm xúc.
- Nên bỏ rượu, cà phê, thuốc lá
- Ngủ đủ giấc
- Ăn uống lành mạnh
- Viết nhật ký để giải thoát các cảm xúc tiêu cực.
- Xem các phim hài hước hoặc đọc các truyện cười để tạo tiếng cười sảng khoái.