Tuy nhiên, thông tư này đã không có tác dụng như mong muốn, khi các ngân hàng thường áp dụng mức thu phí gửi/rút tiền mặt thấp hơn nhiều so với phí chuyển khoản hoặc không thu phí. Nghĩa là, quy định ấy không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của người dân về việc có lựa chọn sử dụng tiền mặt làm phương tiện thanh toán hay không. Để khắc phục tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định phí dịch vụ tiền mặt, theo đó khách hàng khi nộp, rút tiền mặt sẽ phải nộp phí. Mức phí cụ thể do các tổ chức tín dụng quy định nhưng không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp, phí rút tiền mặt không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút và phải niêm yết công khai. Mục đích của việc thu phí này nhằm hạn chế giao dịch tiền mặt và khuyến khích người dân, doanh nghiệp giao dịch, thanh toán qua ngân hàng.
Theo thống kê của Viện Chiến lược ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong vòng 10 năm qua của nước ta đang giảm dần, từ mức 23,7% năm 2001 xuống còn 19,27% năm 2006, 14,02% vào năm 2010 và 12,6% vào cuối năm 2013. Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn cả trong khu vực công lẫn các doanh nghiệp và đặc biệt là khu vực dân cư. Việt Nam thuộc số các quốc gia có tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao trên thế giới. Chính thói quen sử dụng tiền mặt khiến người dân có tâm lý ngại sử dụng công nghệ mới, các dịch vụ thanh toán điện tử. Đồng thời, sự hạn chế về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều ngân hàng thương mại và hệ thống quản lý thuế chưa phát triển khiến cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp cảm thấy dùng tiền mặt không chỉ thuận tiện mà còn có lợi hơn so với giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, bởi tránh được việc kiểm soát thuế hay thu nhập từ phía các cơ quan chức năng.
Việc người dân giao dịch, thanh toán không qua ngân hàng khiến cho chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước kém hiệu quả, đồng thời làm chậm đi quá trình hiện đại hóa của ngành ngân hàng… Một khi các doanh nghiệp có giao dịch tài chính với nhau đều hạch toán các giao dịch qua tài khoản thanh toán tại ngân hàng thì các cơ quan chức năng có thể quản lý, làm cơ sở để tính thuế và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định liên quan đến thanh toán của doanh nghiệp. Hạn chế thanh toán tiền mặt, vì vậy, sẽ tiết kiệm chi phí xã hội liên quan đến sử dụng tiền mặt, đồng thời góp phần chống rửa tiền, minh bạch trong chi tiêu, đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, việc cần làm là chuyển đổi dần nhận thức của người dân. Quá trình chuyển đổi ấy phải đến từ việc giúp người dân thấy được cái lợi thực sự khi thanh toán không dùng tiền mặt, chứ không phải đến từ nỗi lo bị thu phí khi dùng tiền mặt. Để thực hiện điều này, dịch vụ thanh toán của hệ thống ngân hàng phải tốt, giúp khách hàng hài lòng. Khi người ta cảm thấy thuận tiện và có lợi nhờ thanh toán không dùng tiền mặt thì họ sẽ thực hiện, bất kể có thu phí hay không. Còn khi người dân cố tình “né” việc giao dịch qua ngân hàng thì dù các ngân hàng có thu phí ở mức tối đa hay không cũng không làm họ thay đổi quyết định. Khuyến khích giao dịch không dùng tiền mặt bằng cách thu phí, cả nộp lẫn rút tiền mặt, vì vậy, có thể đúng trên lý thuyết nhưng khó thành công khi áp dụng vào thực tiễn.
Minh Hằng