Hơn một năm trước, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến cáo không sử dụng linh vật, hiện vật không phù hợp thuần phong mỹ tục trong các di tích, nhiều nghệ nhân đã ra sức đi tìm các mẫu linh vật Việt. Lúc đó, trang web www.vr3d.vn (hoạt động từ giữa năm 2015) bỗng trở thành kho tàng quý giá cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu về các biểu tượng, các mô típ trang trí mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ. Chỉ cần vài cú nhấp chuột, người ta có thể thưởng lãm mọi góc nhìn các linh vật, cổ vật hay các đình chùa miếu mạo một cách chân thực.
Tại website này, Nguyễn Trí Quang – người sáng lập web đã “3D hóa” hàng ngàn linh vật, cổ vật thuộc khoảng 50 di tích lịch sử trên cả nước. VR3D là công nghệ giúp mọi vật được hiển thị trong môi trường ba chiều, người xem có toàn quyền tương tác, xoay lật để quan sát ngay trong trình duyệt mà không cần cài đặt thêm phần mềm nào. Tại đây, ta bắt gặp nhiều hiện vật quý như: tượng Ngọc Hoàng (chùa Sùng Ân, Hải Dương) do nghệ sĩ cung đình Hầu Tô Phú Vượng tạc theo chân dung vua Lê Cảnh Hưng; bộ cửa võng hơn 300 năm tuổi tại đình Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội; cửa rồng (chùa Keo, Thái Bình); tượng hộ pháp Trừng Ác, hộ pháp Khuyến Thiện (chùa Sùng Ân); tượng ông Phỗng (đền Bảo Hà)… Người xem cũng được chiêm ngưỡng những linh vật Việt như: nghê đá (lăng Họ Ngọ), đầu rồng đá (khu di tích Lam Kinh), phù điêu sấu chầu (lăng Vũ Hồng Lượng), phù điêu nghê gỗ (đền Độc Bộ)… Vào vr3d.vn, người xem có thể thu nhỏ để xem toàn cảnh hoặc phóng lớn xem cụ thể từng họa tiết, hoa văn của hiện vật với nhiều thông tin về lịch sử ra đời các hiện vật chỉ bằng vài click chuột.
Ngoài linh vật, hiện nay Trí Quang đã bắt đầu số hóa hoàn thiện một số công trình tổng thể. Công trình đầu tiên là ngôi đình cổ Tiền Lệ (thuộc xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Với công trình này, vr3d.vn đã lưu giữ gần như nguyên trạng một ngôi đình ảo với nhiều công năng thiết thực như một ngôi đình cổ thật. Những bản sao 3D chất lượng của Nguyễn Trí Quang như một sự bảo hiểm cho các di sản quý. Để có được thành tựu trên, Trí Quang đã làm việc ròng rã suốt bốn tháng trời tại thực địa chưa kể hai năm học hỏi và thử nghiệm. Công trình cần thu thập và xử lý một lượng dữ liệu cực kỳ lớn, gấp vài trăm lần dữ liệu của một bức tượng. Phải tiến hành chụp, quét và xử lý hậu kỳ từng phiên bản nhỏ, từng ngóc ngách chi tiết, ghi nhận từng thớ gỗ, kẽ gạch… của ngôi đình. Nhờ thế, những người không có điều kiện đến các di tích có thể tìm hiểu tường tận, nhất là các nghệ nhân ở làng nghề điêu khắc có thể căn cứ vào đây phục dựng các mẫu nghê, sấu, các mẫu cổ vật. Ngôi đình ảo Tiền Lệ này sẽ được lưu giữ trường tồn trong không gian 3D. Những người làm công tác quản lý, tu bổ sẽ có một tham chiếu chính xác với đầy đủ màu sắc, kích thước, mặt cắt ngay cả khi di tích thực đã hạ giải. Những sai lệch, biến dạng khi sửa chữa, trùng tu dễ dàng được phát hiện và điều chỉnh… Người nghiên cứu có cơ hội thỏa thích bóc tách, đo vẽ cấu kiện, xem bản dập của cả khu di tích. Và người yêu di sản có thể tham quan ngôi đình từ bất cứ đâu, bởi tất cả công nghệ này đã được Quang tối ưu hóa để phù hợp với mọi phương tiện như máy tính, điện thoại và mọi đường truyền mà không cần thêm bất kỳ một phương tiện hỗ trợ nào.
Kế hoạch xây dựng ngân hàng dữ liệu 3D về di sản ở tuổi… 15
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm tượng thủ công mỹ nghệ, từ độ tuổi nhi đồng Nguyễn Trí Quang (sinh năm 1997) đã được đi theo bố mẹ đến các di tích để khảo sát mẫu tượng, những họa tiết trang trí mỹ thuật cổ. Tình yêu với di sản sớm được ươm mầm. Năm 15 tuổi, Nguyễn Trí Quang trình bày với gia đình kế hoạch xây dựng ngân hàng dữ liệu 3D về di sản của Việt Nam. Ngay từ lúc này cậu thiếu niên đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng kiến thức về công nghệ để phục vụ cho khát vọng của mình. Được gia đình ủng hộ, trong năm học cuối ở cấp 2, mỗi lần theo bố mẹ đến các di tích Trí Quang đều mang theo chiếc máy quét 3D để quét dữ liệu. Vừa “quét” 3D xong, anh liền hỏi han, ghi lại các dữ liệu về các hiện vật làm tư liệu. Tối đến, anh cặm cụi sao chép dữ liệu, xây dựng trang web, tham khảo thêm tư liệu để bổ sung cho hoàn chỉnh.
Về tính ứng dụng thực tế của vr3d.vn, Trí Quang cho biết: “Đối với ngành bảo tàng, công nghệ này sẽ giúp giới thiệu, quảng bá các cổ vật, bộ sưu tập một cách đẹp và thú vị hơn. Ngoài ra còn có thể tạo ra kho lưu trữ số, bảo tồn các cổ vật trong không gian số, không bao giờ bị hư hỏng theo thời gian. Các nhà nghiên cứu, giáo viên, học sinh có thể sử dụng phiên bản số của mẫu vật, không cần phải trực tiếp tiếp xúc với mẫu thực, và đó cũng là một nguồn đáng tin cậy khi phục dựng cổ vật. Thậm chí trang web còn có thể trưng bày được những hiện vật quá lớn không phù hợp với không gian trưng bày hoặc quá nhiều hiện vật không đủ chỗ để trưng bày, những cổ vật nhạy cảm, dễ hư hỏng hay những cổ vật đã hư hỏng, mất mát đã được số hóa trước đó…”.
Sau những linh vật, những biểu tượng và công trình di tích, di sản được hoàn thiện, Nguyễn Trí Quang cho biết sẽ tiếp tục số hóa những di sản bình dị, vô danh, nằm ngoài nguồn lực bảo tồn của nhà nước. Đó là những ngôi nhà cổ, cánh cổng, khoảnh sân, bể nước hay thậm chí là công cụ sản xuất của nhà nông, những thứ mà có thể chỉ một thời gian ngắn nữa thôi sẽ không còn tồn tại trong cuộc sống của chính người Việt. Trí Quang làm điều này bởi anh cho rằng, những di sản dạng này rất đa dạng và khó tìm (không có địa chỉ rõ ràng như đình chùa, cũng không có phong cách cụ thể qua từng triều đại hay niên đại lịch sử). Chúng phản ánh cuộc sống bình dị xung quanh chúng ta nhưng lại dễ dàng bị chúng ta lãng quên nhất.
- Cẩm Tú