Không còn chỗ trống – Đây là cụm từ chính xác để nói về tấm bản đồ đánh dấu vị trí của những người đang sử dụng Facebook đã trình diễn trong hội nghị dành cho các nhà phát triển.
Mặc dù mới dính vụ scandal với Cambridge Analytica (CA) vừa qua nhưng CEO Mark Zuckerberg khẳng định rằng ông đã sẵn sàng “tiến về phía trước” và chia sẻ nhiều kế hoạch để lấp cho bằng hết những chỗ trống trên bản đồ của mình.
Theo Zuckerberg, mục tiêu của hãng là thu nhỏ thế giới bằng cách xây dựng các sản phẩm giúp mọi người kết nối “một cách có ý nghĩa”, không quan trọng họ là ai, họ ở đâu và họ đang dùng thiết bị gì. Với 2,2 tỉ người dùng tích cực hằng tháng, Facebook giờ là nền tảng internet số một thế giới và bạn gần như không thể chạy trốn khỏi mạng xã hội này theo bất kỳ cách nào.
Làm sao bạn có thể dễ dàng tìm được thông tin về lần họp lớp kế tiếp, làm sao bạn biết khi một người thân ở xa mới vừa sinh em bé? Bạn gửi lời chúc mừng sinh nhật qua đâu? Bạn đang chat với bạn gái, bạn trai của mình bằng phương tiện gì? Với nhiều triệu (hay chục triệu người, thậm chí là trăm triệu người), câu trả lời sẽ là Facebook. Và hơn hết, rất nhiều người coi mạng xã hội này như một trang thông tin điện tử mới cập nhật tin tức mỗi ngày.
Facebook hiện diện trong cuộc sống của chúng ta qua từng hoạt động nhỏ nhất: Nếu bạn muốn quyên tiền từ thiện, bạn sẽ lên Facebook kêu gọi. Nếu bạn muốn quảng cáo cho show diễn của mình, bạn cũng lên Facebook. Với sự xuất hiện của các hội nhóm Facebook Group, vốn đang dần trở thành tâm điểm của mạng xã hội này, bạn có thể làm quen, vui chơi, trao đổi thông tin với những người cùng chung chí hướng, sở thích, những người bạn chưa gặp bao giờ.
Không những thế, Facebook còn đang sở hữu nhiều mạng xã hội khổng lồ khác: Instagram là mạng xã hội hình ảnh lớn nhất với 800 triệu người dùng tích cực và đang cố gắng chạm mốc 1 tỉ, WhatsApp là app chat phổ biến của hơn 1,5 tỉ người mỗi tháng, tức là gần bằng Facebook. Hiện nay, Facebook Messenger có đến 1,3 tỉ người đang xài.
Facebook cũng đã mua lại công ty thực tế ảo Oculus hồi năm 2014 hứa hẹn sẽ đưa sản phẩm VR vào các mạng xã hội nói trên. Oculus cũng vừa ra mắt chiếc kính VR di động đầu tiên của mình: Oculus Go, với giá 200 USD. VR vẫn chưa phổ biến, nhưng Facebook đang nắm trong tay cơ hội để biến nó thành một cú hit. Một trong những dự định của hãng là cho ra đời những tính năng như hẹn hò, gặp gỡ trong không gian ảo 360 độ, cùng xem phim với bạn bè từ xa… trong tương lai gần.
Với hệ sinh thái dịch vụ đa dạng như vậy, Facebook đã bao phủ gần như mọi nhu cầu giao tiếp của bạn, thậm chí cả việc nói chuyện trong công ty thông qua Facebook Workplace. Không có chỗ nào là không có Facebook, và mạng xã hội này càng phát triển thì các bạn sẽ được kết nối với nhau chặt chẽ hơn và nhiều thông tin của bạn sẽ được chia sẻ cho người quen hơn.
Ở hội nghị F8 năm nay, Facebook tích hợp tính năng hẹn hò vào app của mình để cạnh tranh với Tinder và trong vài tháng nữa nó sẽ ra mắt. Với nhiều tỉ USD lợi nhuận mỗi tháng, Facebook hoàn toàn có thể mua luôn Tinder cho nhanh nhưng tại sao lại phải đi mua trong khi bạn có thể xây dựng sản phẩm tương tự hay thậm chí tốt hơn?
Khi không mua được Snapchat vào năm 2013 với giá 3 tỉ USD, Facebook quyết định sao chép tính năng của Snapchat vào mạng xã hội của mình và giờ tính năng Stories đó đã trở thành một phần quan trọng của Facebook và Instagram. Chỉ ít lâu sau, Snapchat bắt đầu mất người dùng và đương nhiên cũng ảnh hưởng đến doanh thu vì các nhà quảng cáo chuyển sang chạy trên Facebook nhiều hơn. Instagram giờ đang có 300 triệu người dùng tích cực MỖI NGÀY, trong khi Snapchat chỉ là 191 triệu. Rõ ràng Facebook đang gặt được trái ngọt.
Michael T. Zimmer, giáo sư tại Đại học Wisconsin-Milwaukee, cho rằng: “Chúng ta nên lo lắng vì sự bành trướng của Facebook. Sự nổi dậy của Messenger, nhất là sau khi nó tách thành app riêng – là một bước đi lớn để chạm vào nhiều chỗ hơn trong cuộc sống của chúng ta. Hơn nữa, sự xuất hiện phổ biến của nút Like, nút Login with Facebook trên thế giới web đã chứng minh rằng bạn gần như không thể thoát khỏi Facebook khi thực hiện những công việc mà bạn làm mỗi ngày”. Zimmer nói thêm rằng dù có vướng scandal về quyền riêng tư thì gần như mọi người vẫn sẽ tiếp tục sử dụng Facebook và đồng ý với bất kỳ chính sách dữ liệu nào họ đưa ra mà thôi.
Mặt khác, Paul Levinson – giáo sư về truyền thông và đa phương tiện thuộc Đại học Fordham lại cho rằng: sự thành công của Facebook là kết quả của những thứ họ làm và ngày càng làm những thứ như vậy nhiều hơn tức là họ đang làm đúng. Hoặc bạn đưa cho người dùng thứ họ muốn, còn không thì bạn sẽ không thành công. Và Facebook liên tục đưa cho người dùng cái họ muốn.