Huyền thoại về một thiên tài
Nhắc đến Christian Dior lẫy lừng thế giới, hẳn ai cũng biết tới cái tên John Galliano, bởi không có quý bà trên đại lộ thời trang nào mà không từng một lần mê mẩn và xếp hàng đợi mua những thiết kế của ông trong cửa hàng thời trang xa hoa bậc nhất mang thương hiệu Dior.
Mọi người đã quen cái tên của ông gắn liền với Dior, không có gì lạ bởi ông đã là giám đốc sáng tạo của hãng từ tháng 10-1996 đến tận tháng 3-2011. Nhưng ít ai biết rằng ông cũng từng là giám đốc sáng tạo của nhà Givenchy trong quãng thời gian ngắn ngủi vỏn vẹn có 10 tháng ngay trước đó.
Vì lý do gì mà con người này lại được các hãng thời trang hàng đầu săn đón như thế? Nếu không phải là một con người tài hoa xuất chúng, thì cũng phải là quái kiệt trong ngành thời trang vô cùng khắc nghiệt.
Sinh ra trong một gia đình bình thường vào ngày 28-11-1960 tại quê cha Gibraltar và mẹ là người Tây Ban Nha. Chính điều này đã góp phần làm nên sắc màu con người ông: “Tôi nghĩ rằng tất cả những điều đó – những khu chợ Hồi giáo, vải dệt, những tấm thảm, mùi hương, mùi cây cỏ và màu sắc Địa Trung Hải, là nguồn gốc tình yêu của tôi đối với các loại chất liệu”, Galliano đã nói như vậy.
Chuyển đến Anh năm 1966 là một bước ngoặt lớn đối với đứa trẻ nhà Galliano, vì chính tại nơi đây ông đã học tập tại Trường nghệ thuật Central Saint Martins và một ngôi sao được sinh ra. Trái với Trường nam sinh Wilson mà ông theo học khi còn nhỏ, nơi mà ông bị tách biệt với thế giới chỉ vì vẻ ngoài nhuốm đầy phong cách của mẹ ông, một nghệ sĩ flamenco, tại đây ông như được trở lại chính mình với nghệ thuật và những con người giống ông. “Tôi không nghĩ là các cư dân ở đây hiểu nguồn gốc của tôi”, ông nói trong khoảng thời gian đầu ở Nam Luân Đôn. “Và tôi đương nhiên cũng không hiểu nguồn gốc của họ”.
Bộ sưu tập đầu tiên của ông được lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng Pháp và nhận được phản ứng cực kỳ tích cực từ công chúng, ngay sau đó, chúng đã được mua lại toàn bộ và bán hết sạch trong cửa hàng thời trang cao cấp Browns tại Luân Đôn. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục mở ra thương hiệu của riêng mình bên cạnh cộng tác viên lâu dài Amanda Harlech.
Sau thành công nổi trội này, Galliano đã thuê lại một nơi ở Luân Đôn để làm việc, nhưng cái đầu thiên tài không phù hợp với việc kinh doanh. Vỡ mộng với những thất bại trong kinh doanh thời trang, ông đã hướng tới Paris vào đầu những năm 90 để bắt đầu lại sự nghiệp của mình.
Tại đây, Anna Wintour, tổng biên tập đầy quyền lực của tờVogue Mỹ đã che chở ông dưới đôi cánh của bà và dùng ảnh hưởng của mình để tìm cho ông người đỡ đầu (Công ty Paine Webber International) và một nơi để ông trình diễn bộ sưu tập mới (tòa biệt thự đổ nát nhưng thanh nhã của São Schlumberger).
Thiệp mời là một chiếc chìa khóa hoen rỉ. Những siêu mẫu lúc bấy giờ gồm có Kate Moss, Christy Turlington và Naomi Campbell – trình diễn vì tình bạn hơn là vì thù lao mà họ quen nhận có giá trị từ 5 con số trở lên. Chỉ có vỏn vẹn 17 bộ trang phục được hoàn thành vào phút cuối – tất cả đều màu đen (đó là tất cả những gì mà Galliano có thể mua được). Nhưng những bộ trang phục thật tuyệt vời.
Buổi trình diễn thành công rực rỡ – John Galliano đã xác định tên tuổi để trở thành một trong những nhà thiết kế vĩ đại trong thời đại của mình. Ông được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Givenchy với sự liều lĩnh của Bernard Arnault. Đối với các tên tuổi thời trang Pháp, ông có vẻ như là một tên trẻ tuổi mới phất. Giới truyền thông sôi sùng sục và Givenchy liên tục xuất hiện trên trang đầu của hàng loạt các báo và tạp chí.
Không lâu sau đó, nhà thiết kế Anh đồng hương, Alexander McQueen, đã tiếp quản Givenchy còn Galliano thì chuyển đến một nhà thời trang khác quy mô hơn và giàu có hơn nhiều, cũng do Arnault quản lý – Christian Dior.
Ngày nay, John Galliano thiết kế hàng tá những bộ sưu tập mỗi năm. Cửa hàng chính của Dior tại Paris thực sự là một siêu cửa hàng nơi mà người tiêu dùng phải xếp hàng để mua tất cả mọi thứ từ những chiếc áo cưới cao cấp cho đến những đôi giày và nước hoa. Họ luôn luôn nóng lòng mua hình ảnh của thương hiệu mà Galliano đã tạo ra.
John Galliano – Một thương hiệu đẳng cấp
Không có gì là lạ khi chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật bằng vải vóc của Galliano khi mà ta đã hiểu về nguồn gốc của ông. Bị ám ảnh bởi sắc màu của cây cỏ và hương vị Địa Trung Hải, những thiết kế của ông tựa hồ như một cuộc dạo chơi của màu sắc. Màu đỏ tía của đất và gia vị như ngấm vào từng thiết kế của ông, từ mùa này sang mùa khác. Chỉ có khác chăng mỗi mùa những bộ trang phục ấy lại hòa vào với không khí chung của cái gọi là xu hướng.
Năm nay cũng thế, khi thế giới đang háo hức bước sang một mùa thời trang mới, mùa Thu-Đông 2012, với những xu hướng nổi bật như màu xanh cobalt hay màu của đất, cảm hứng từ thời Phục hưng xa xưa hay phương Đông huyền bí, mùa của họa tiết và những đường thẳng cắt cúp, thì những sản phẩm thời thượng của Galliano cũng được tung ra với họa tiết, đường thẳng và tất cả những gì thuộc về xu hướng. Dĩ nhiên linh hồn của Galliano cũng được thổi vào đó với sự điên cuồng của những ý tưởng, chất liệu và màu sắc của riêng mình.
Khi mà những thiết kế cho nữ trong bộ sưu tập mới nhất hồi tưởng lại quý bà dạo chơi trong những cửa hiệu sang trọng, với hơi hướm của Retro với đầm suông, áo khoác hay chân váy bút chì phủ đầy sắc màu xa hoa, thì những thiết kế dành cho nam lại có phần mang phong cách bình dân hơn với thể thao, quần jeans và áo thun. Nhưng tựu trung lại những tác phẩm này đều là hơi thở, là tâm huyết của một thiên tài thời trang, người đã tạo dựng nên tên tuổi trong làng thời trang thế giới, là con người tài hoa xuất chúng và là sự ngưỡng mộ của bao nhà thiết kế trẻ.