Cú đột phá đưa Janowicz vào tầm ngắm của quần vợt thế giới là tại Paris Bercy cuối năm ngoái. Khi đó, anh lần lượt đánh bại các tay vợt thuộc Top 20 gồm Philip Kohlschreiber, Marin Cilic, Andy Murray, Janko Tipsarevic và Gilles Simon để vào chung kết giải Masters 1000 này (thua David Ferrer 4-6, 3-6). Sau giải, Janowicz lọt vào Top 30 thế giới, trong khi hồi đầu năm 2012 anh còn nằm ngoài Top 200.
Janowicz phấn khích xé toạc áo sau trận thắng Tsonga ở vòng hai Rome
Tay vợt người Ba Lan có lối chơi khá kỳ lạ. Chiều cao 2m03 giúp Janowizc dễ dàng giao bóng mạnh để ghi điểm, nhưng anh lại thích gây bất ngờ bằng động tác cắt bóng bỏ nhỏ rất tinh tế. “Tôi không thể giải thích tại sao vì trong tập luyện tôi không hề cắt bóng bỏ nhỏ. Nó như bản năng vậy, tôi chẳng tính toán gì cả”, anh nói. Thêm vào đó, Janowicz di chuyển rất linh hoạt, điều ít thấy ở những tay vợt cao kều.
Đường đến với quần vợt của Janowicz không thuận lợi. Anh chào đời khi cha mẹ – vốn là vận động viên bóng chuyền đỉnh cao – đã ngừng thi đấu. Khi theo cha ra sân quần vợt, Janowicz dần dần ham thích môn này. “Tôi bắt đầu chơi ở MKT Lodz, thành phố quê hương. Tôi còn nhớ huấn luyện viên đầu tiên là ông Piotr Grzelak” – anh kể.
Để giúp đứa con một trở thành tay vợt nhà nghề, bố mẹ của Janowicz phải hy sinh rất nhiều vì thi đấu ở hạng thiếu niên phải tốn kém chi phí đi khắp nơi trên thế giới mà tiền thưởng chẳng có bao nhiêu. Cách nay vài năm, bố mẹ anh đã phải bán đi hai cửa hàng kinh doanh dụng cụ thể thao và điện thoại di động để thanh toán chi phí thi đấu của con và trả lương cho huấn luyện viên. “Họ đã mạo hiểm rất lớn vì thời điểm đó, chẳng có gì báo trước tôi sẽ trở thành tay vợt nhà nghề”, Janowicz khẳng định. Rất may là tiềm năng của anh thể hiện sớm với danh hiệu á quân giải trẻ US Open 2007 rồi Roland Garros 2008. Cùng năm đó, anh xếp thứ 5 thế giới hạng trẻ. Nhưng bấy nhiêu cũng chưa đủ thu hút nhà tài trợ. Một mặt, Janowicz phải tăng cường thi đấu để sớm có thành tích, nhưng mặt khác anh cũng phải tính toán chọn giải đấu có chi tiêu hợp lý hơn. Năm ngoái, anh không đến Úc dự giải Grand Slam chỉ vì không có đủ kinh phí.
Giống như các tay vợt ở Đông Âu, Janowicz tập luyện trong điều kiện rất khó khăn. Ở Ba Lan thường chỉ có sân đất nện ngoài trời nên không tiện dụng lắm vì mùa đông kéo dài. Sân trong nhà thì không nhiều, mà lại sử dụng loại mặt thảm rất khó chơi và hiện đã bị khai tử ở các giải. “Khi còn nhỏ, đôi lúc tôi phải tập luyện trong những điều kiện rất khắc nghiệt, nhất là mùa đông. Nhưng chính những khó khăn như vậy giúp tôi mạnh mẽ hơn”, Janowicz kể và tự nhận anh không ưa thích riêng mặt sân nào cả. Năm ngoái, anh vô địch ba giải Challengers trên mặt sân đất nện và vào đến vòng ba Wimbledon sau khi tranh vòng đấu loại.
Hiện Janowicz đã có nhà tài trợ gồm một doanh nghiệp kinh doanh nhà ở của Ba Lan, hãng xe Peugeot và Công ty Carbo Koks. Nay anh có thể yên tâm đi thi đấu cùng Kim Tiilikainen, ông thầy người Phần Lan làm việc từ bốn năm nay, và chỉ tập trung vào chuyên môn. Với thứ hạng 23 hiện nay, Janowicz sẽ chỉ gặp các tay vợt hạt giống hàng đầu ở Roland Garros trong tuần tới từ vòng ba. Nhưng chính họ mới ngại gặp anh hơn là ngược lại.
Huỳnh Quang