Sau một vòng chu du nhiều nước trên thế giới cùng với tác phẩm Đi tìm Phong (Finding Phong) của hai đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus, nhận được không ít giải thưởng cũng như sự ghi nhận tích cực từ giới chuyên môn quốc tế, nay Đi tìm Phong đã danh chính ngôn thuận đến với công chúng Việt Nam. Người lo toan cho việc phim được trình chiếu trong nước là nữ diễn viên, đạo diễn Hồng Ánh.
Finding Phong là cuốn nhật ký chân thực bằng hình ảnh về hành trình chuyển giới của Phong, một chàng trai trẻ mong muốn được tái tạo bản thân. Như một thiếu niên khát khao khám phá những trò chơi quyến rũ của tình dục, chính bản thân Phong cũng không biết rằng điều gì đang chờ mình ở cuối con đường. Phim tài liệu là hiện thực. Phong trong phim và Phong ngoài đời không có gì khác biệt, cả hai đều là hiện thực.
Địa chỉ tìm đến của các bộ phim độc lập
Mong ước của Hồng Ánh được góp sức để những suất chiếu ra mắt Đi tìm Phong được trọn vẹn như vậy đã thành hiện thực. Kể từ sau bộ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, có vẻ như Hồng Ánh và Blue Productions của cô đã trở thành địa chỉ quen thuộc và tin cậy của nhiều bộ phim độc lập. Ngay trong buổi giới thiệu phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng cách đây bốn năm, Nguyễn Thị Thắm đã nói với Hồng Ánh về Đi tìm Phong như một cách nối tiếp đề tài về người chuyển giới.
Hồng Ánh kể: “Đêm ra mắt Đi tìm Phong, mình là người kết nối phần trò chuyện giữa đạo diễn, các nhân vật và người xem để khán giả hiểu nhiều hơn về phim và cả những câu chuyện ngoài phim… Đêm ấy, mình cười nhưng bụng thì lo, hồi hộp, chờ những phản ứng đầu tiên của khán giả. Những khó khăn trong hành trình phổ biến phim tài liệu một cách độc lập thì nhiều lắm”.
Hồng Ánh đã nỗ lực ngược xuôi để gặp các nhà phát hành phim trong nước. Cô hiểu những khó khăn, tâm tư, băn khoăn cùng nhiều vấn đề mà các nhà phát hành lớn đang gặp phải. Sau một thời gian dài tiếp xúc, cô rút ra kết luận: với các bộ phim tài liệu và với cách ứng xử với phim tài liệu của khán giả Việt Nam hiện nay, có lẽ con đường phát hành độc lập là phù hợp nhất với Đi tìm Phong. Cô bày tỏ: “Với cách phát hành này, khán giả ở nhiều địa phương sẽ khó lòng được xem bộ phim cùng lúc, nhưng Ánh nghĩ sẽ phải chăm sóc thật tốt những lớp khán giả đầu tiên đến với Đi tìm Phong vì họ sẽ là những cánh tay nối dài, đưa bộ phim đến gần với công chúng hơn. Mình muốn bộ phim được những đối tượng quan tâm thực sự đón nhận, trước hết là giới chuyên môn, kế đến là cộng đồng LGBT(*), thứ ba những người có liên quan đến vấn đề giới tính: các bậc phụ huynh, các nhà hoạt động xã hội”.
Tự tin bán vé phim tài liệu
Hồng Ánh nói rằng những đạo diễn phim tài liệu như Nguyễn Thị Thắm hay Trần Phương Thảo đều chuyên tâm làm chuyên môn, không biết nhiều về việc phổ biến phim. Nhưng từ sau Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Thắm cũng như Thảo luôn trăn trở với câu hỏi: Tại sao không thể có được doanh thu từ những bộ phim tài liệu của đạo diễn Việt Nam, thực hiện ở Việt Nam và được chiếu rộng rãi cho khán giả trong nước? Và họ đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc tìm đường đi tiếp cho bộ phim đã hoàn thành của mình.
Sau ba buổi chiếu ra mắt, tạo được hiệu ứng tốt với giới truyền thông cũng như trên mạng xã hội, Hồng Ánh đã cùng ê-kíp của cô ngược xuôi tìm lối ra cho Đi tìm Phong. Cô tự tin là sẽ kiếm được thêm nhiều suất chiếu nữa cho phim, nhằm tạo thêm tiền lệ tốt cho các bộ phim phát hành độc lập sau này. Cô đang tiếp tục đàm phán với nhà phát hành CGV để có được những suất chiếu hạn chế, không cần vào giờ đẹp, những buổi chiếu cuối tuần và không đòi hỏi rạp lớn. Cô cũng sẽ liên hệ với các trường đại học để có thể chào mời những suất chiếu tập thể. Và đang nghĩ đến cả những buổi chiếu trong khuôn khổ workshop với lượng khán giả chừng 40-50 người. Cô mong sẽ có những đơn vị quan tâm đến Đi tìm Phong, để sẽ giúp phổ biến rộng rãi bộ phim, tuy nhiên dù đối tượng khán giả nào đi nữa thì hãy bỏ tiền ra mua vé. Hỏi Hồng Ánh liệu điều này có khả thi không, cô cười lạc quan và đầy tự tin: “Có chứ anh, ban đầu sẽ hơi khó, nhưng tập dần sẽ quen – đây là một thói quen văn minh mà”.
- Xem thêm: Vì yêu nghề, cực thế nào tôi cũng chịu
(*) LGBT là viết tắt của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), lưỡng tính (Bisexual) và hoán tính hay còn gọi là người chuyển giới (Transgender)