Trong ngày 20-4, với sự hỗ trợ địa điểm của Khách sạn Melia Hà Nội, hội thảo sơ kết giai đoạn 2 dự án “Tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển” được tổ chức.
Thấy các bạn cùng lớp thường gõ bàn phím bằng một tay hoặc một ngón tay, Bùi Thanh Tâm – học sinh lớp 9A Trường THCS Thượng Cốc (tỉnh Hòa Bình) đã lập trình trò chơi học tập “Luyện gõ bàn phím”. Còn tại tỉnh Thái Nguyên, em Hoàng Duy Tiên – học sinh lớp 9D Trường THCS Nam Hòa đã lập trình chương trình “An toàn giao thông” để giúp các bạn cùng lớp dễ dàng tìm hiểu kiến thức về việc sử dụng các phương tiện giao thông an toàn và đúng luật. Hai em Tâm và Tiên chỉ là hai trong số hàng ngàn học sinh được tiếp cận và bước đầu ứng dụng khoa học máy tính để nâng cao hiệu quả học tập cũng như giải quyết các vấn đề của cuộc sống tại các vùng miền núi và nông thôn.
Từ năm 2016, để tạo điều kiện cho các em học sinh vùng khó học tập chương trình giáo dục Tin học hiện đại và cập nhật, Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng Công ty Microsoft VN và Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) phối hợp triển khai dự án “Tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển” trên địa bàn khó khăn của 12 tỉnh thành.
Hướng đến mục tiêu cung cấp kiến thức và kỹ năng giúp học sinh không những sử dụng công nghệ thành thạo, mà còn có thể tạo ra công nghệ, dự án đã xây dựng chương trình Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính để tổ chức dạy thí điểm vào giờ ngoại khóa, bao gồm các chủ đề về ứng dụng công nghệ thông tin, dựng phim, đồ họa 2D-3D, lập trình 2D-3D và an toàn sử dụng internet. Các kết quả đạt được đã đánh dấu thành công của dự án trong việc thu hẹp khoảng cách số, khơi dậy niềm đam mê, phát triển những kiến thức và kỹ năng về khoa học máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin cho thanh thiếu niên tại các khu vực khó khăn.
Sau gần hai năm triển khai, dự án đã tạo sức lan tỏa rộng rãi và những thay đổi đáng ghi nhận tại Hòa Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang và TP.HCM. Khoảng 1.500 giáo viên và 108.000 học sinh của 421 trường học đã được làm quen với chương trình Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính với nội dung và phương pháp đào tạo mới mẻ, hấp dẫn. Nhờ hiệu quả tích cực của chương trình, đồng thời nội dung kiến thức có thể ứng dụng thiết thực vào nhiều hoạt động trong cuộc sống, nhiều đơn vị đã chủ động tự tập huấn để nhân rộng dự án tại các địa phương.