Faifo là tên gọi trước đây của Hội An, khái niệm gây chút tò mò – hóa ra từ hồi cuối thế kỷ 16, Faifo đã là danh xưng thương cảng – đô thị nức tiếng của cả nước.
Hơn mấy trăm năm trước, Hội An là nơi quy tụ hàng hóa tứ xứ đổ về, hội tụ nhiều sắc dân từ nhiều dân tộc: Chăm, Việt, Nhật, Hoa, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha…
Hội An mang vẻ đẹp không trùng lặp – một tiếng nói khác biệt giữa bề bộn kiến trúc nhàn nhạt vô hồn của nhiều đô thị hiện nay.
Không thể không nhắc tới di tích Chùa Cầu với cái tên do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt vào năm 1719 khi đến thăm: Lai Viễn Kiều.
Cây cầu dành cho khách phương xa tới thưởng lãm với kiến trúc giao lưu văn hóa Nhật – Hoa – Việt đang được lưu giữ mang trên mình giai thoại đầy chất huyền bí: thế kỷ 17, thương nhân Nhật đến buôn bán giúp tiền xây dựng cầu với truyền thuyết về con cù – người Nhật gọi là Mamazu – người Hoa gọi là câu Long.
Một giao lưu truyền thuyết khá thú vị. Chuyện kể rằng: Con cù có đầu ở Ấn Độ, mình ở Hội An còn đuôi mãi tận Nhật Bản. Cù cựa quậy là gây ra động đất lũ lụt…
- Xem thêm: Hội An huyền ảo với góc nhìn từ trên cao
Cây cầu và ngôi chùa là nhát kiếm chém xuống phần lưng con quái vật khiến nó nằm im không thể quẫy đuôi, thiên tai không xảy ra cho nơi này. Giữ cho cuộc sống an lành trấn yểm loài thủy quái hại dân hại nước chính là ý nghĩa lịch sử Chùa Cầu.
Sau này trên đất thần kinh Huế, năm 1776 bà Trần Thị Đạo – vợ một vị quan lớn dưới triều vua Lê Hiển Tông không có con, bà cầu tự với việc cúng tiền cho dân làng xây cầu ngói Thanh Toàn theo kết cấu “Thượng gia hạ kiều” mô phỏng theo Lai Viễn Kiều – Hội An làm chỗ giúp người dân tạm nghỉ chân mỗi khi từ ruộng xa về hay lỡ bước dặm đường xa ngái…
Đèn lồng Hội An trong đêm hội đã tái hiện lại cái không khí ngày xưa giữa hội ngộ và chia xa. Hoàng hôn buông xuống, Hội An thêm huyền ảo lung linh trong sắc hồng vàng ấm dịu từ những chiếc đèn lồng tỏa sáng khắp các ngõ phố cổ.
Người dự khán lễ hội như được hóa thân vào người xưa cách hàng trăm năm trước – một thương nhân Tây Ban Nha đã giao dịch xong hàng hóa đang chờ dong buồm; chàng thủy thủ trai trẻ Hà Lan cập cảng vui chơi cùng bạn gái mới quen; cô gái Nhật cùng gia đình ngắm nhìn Hội An để nhớ và liên tưởng về quê nhà bên kia biển cả mênh mông…
Có thể phải lấp cái khoảng trống thời gian của viễn khách nên lễ hội đèn lồng đã diễn ra trên phố cổ? Hay là một khoảnh khắc thư giãn cần thiết cho sự chờ đợi? Và cũng có thể là sự sáng tạo nghệ thuật tổng hòa từ nhiều sắc dân đã sống và yêu quý mảnh đất này?
Tôi đã mục sở thị nhiều loại hình lễ hội trên nhiều vùng đất nước nhưng lễ hội lồng đèn phố cổ vẫn cho nhiều ấn tượng. Đó là sự dung hòa tinh tế giữa xưa và nay, giữa truyền thống và hiện đại, đậm chất văn hóa trầm tích mang hồn cốt riêng của Hội An, không phô trương, không cầu kỳ thái quá, thấm vào lòng du khách bằng sự quyến rũ “hữu xạ tự nhiên hương”…
Tôi đã gặp nghệ nhân đèn lồng Huỳnh Văn Ba năm nay đã tuổi 84 vẫn mải mê cầm rựa vót nan, trau chuốt từng công đoạn chiếc đèn lồng có thể xếp gọn làm quà lưu niệm du khách – sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An.
Ông tâm niệm đây là niềm hạnh phúc cuối đời – góp phần đem cái ánh sáng lung linh huyền ảo và gìn giữ vốn nghề truyền thống của phố cổ.
Ấn tượng trong tôi là năm 2011, ông Ba đã được mời sang để giao lưu với các nghệ nhân Nhật về các thao tác mang tính sáng tạo của nan tre Việt, bí quyết tăng độ bền và rút ngắn thời gian chế tác đối với chiếc đèn lồng xếp Hội An…
Đã hơn 400 năm nhưng người Nhật đã không quên vùng đất cha ông mình đã hội tụ giao thương – một động thái cao đẹp của văn hóa vật thể mang tính nhân văn nhân bản.
Ẩm thực Hội An – nhiều lắm các thứ món, ăn một lần hồ dễ mấy ai quên. Tới thăm phố cổ có lần tôi đã ăn một hơi hai tô cao lầu ngon hả hê đến lạ. Thoáng qua tôi cứ nhầm là mì Quảng nhưng không hoàn toàn thế.
Chủ quán cao lầu lâu năm cho biết: Sợi mì vàng nhạt to bản được cán từ bột gạo ngâm nước tro gia truyền và phải qua ba lần lửa mới cho ra đúng vị cao lầu Hội An; những thứ phụ trợ kèm theo thịt xá xíu, tôm, da heo, cao lầu vuông chiên giòn, rau sống cắt nhỏ, giá trụng, ớt xanh dầm và chén nước lèo nóng với tiêu, hành có hương vị rất riêng của… cao lầu Hội An.
Nhiều tiệm cao lầu đã thành thương hiệu níu chân du khách gần xa: cao lầu ông Hai trong chợ vải, Thanh cao lầu 26 Thái Phiên hay cao lầu bà Bé trong khu chợ đầu đường Trần Phú…
Bánh đập hến xào cũng là món ăn đậm nét Hội An. Hai cái bánh tráng nướng kẹp vào cái bánh ướt ở giữa. Phần bánh ướt được quệt đậu xanh xay nhuyễn.
Một chén nước chấm được pha đường, hành phi, dứa thơm băm nhỏ, tỏi và ớt xanh. Người sành tự đập để tạo hứng thú còn khách chưa quen, chủ quán sẽ đập nhẹ để chúng dính liền nhau, phải thật khéo để phần bánh ướt dính với phần bánh tráng nướng giúp lớp bọc ngoài không bị vỡ vụn.
Khi đã đạt độ đập hợp lý, chiếc bánh được gấp đôi kèm theo một dĩa hến xào. Món này được yêu mến chính bởi sự nền nã, mộc mạc nhưng lại hòa quyện với nhau một cách thấm thía đậm đà.
Cồn Hến nằm bên sông Thu Bồn là cái tên nổi tiếng ở phố cổ. Hến ở đây đặc biệt thơm ngon và ngọt thịt dù chỉ nhỏ xíu.
Người Hội An chủ yếu xào hến theo cách khá đơn giản để giữ nguyên độ ngọt nguyên bản, rắc lên thêm chút đậu phụng rang giã nhỏ, hành phi, sa tế, vừng và rau răm… Chao ôi! Khoái khẩu đến lạ!
Người bạn mới quen thổ địa phố cổ giới thiệu với chúng tôi địa chỉ quen thuộc của ẩm thực Hội An. Cơm gà bà Buội đông khách bởi gà vườn đẻ lứa đầu thịt dai chắc vị đậm đà, gạo cũ tối thiểu từ hai năm trước, rau đặt từ làng rau Trà Quế thơm ngon.
Bánh bao, bánh vạc trên đường Hai Bà Trưng; bánh mì Madame Khánh; bánh ướt cuốn thịt nướng bên bờ sông Hoài; hoành thánh quán Vạn Lộc, bánh xèo quán Giếng Bá Lễ, thịt xiên nướng công viên Kazik, Trần Phú… và các quán chè ngon phố Hội…
Trải qua những biến động lịch sử, văn hóa Hội An ngày càng được bồi đắp bởi cái mới và cả việc phai nhạt đôi chút cái truyền thống.
Thế nhưng văn hóa ẩm thực vẫn giữ dấu ấn riêng trở thành yếu tố hình thành nên lối sống người phố cổ, không nhạt phai theo tiến trình thời gian…
Tôi yêu phố cổ Hội An từ những đường phố quanh co nho nhỏ cùng mái ngói lô nhô những ngôi nhà ống như những cung đường Thành Nội và phố cổ Bao Vinh Huế.
Có chàng trai trẻ bảo với tôi: Sao người và đất Hội An cứ khư khư giữ lấy cái áo cũ đã sờn vai chật chội trong khi cuộc sống hiện đại đang khoác lên bộ cánh mới phồn thịnh tiện nghi và một loạt những đổi thay mà theo anh là biến Hội An thành hiện đại tân kỳ…
- Xem thêm: Anantara Hội An với diện mạo mới
Tôi không trả lời trực tiếp câu hỏi mà đặt vấn đề: Hồn cốt phố cổ là cái quan trọng nhất – nó không chỉ những ngôi nhà dãy phố con đường…
Kiến trúc chỉ là tấm áo bên ngoài của phố cổ. Phần quan trọng hơn là hình thành lối sống, tính cách, thói quen sinh hoạt, tín ngưỡng, tính thẩm mỹ, cách hành xử… Hội An phải làm sao “chưng cất” để có một phong cách riêng không lẫn với bất kỳ nơi nào…
Một góc nhỏ trên phố cổ tôi bắt gặp cụ bà Dương Thị Dâu – phường Cẩm Châu, ngồi bán tu huýt và các thứ sản phẩm gốm đơn giản từ làng gốm Thanh Hà.
Con tu huýt được nặn ra hình mười hai con giáp hay hình con vật như chim… có cả Lưu Bình, Dương Lễ, thổi lên nghe như tiếng chim tu huýt gọi hè là hình ảnh tuổi thơ trở về trong ký ức của bao người – nó còn là hơi thở là hình ảnh thu nhỏ của làng gốm thuở xa xưa… Chìm đắm vào miền tuổi thơ yêu dấu của mình đối với du khách đến với phố cổ là chuyện không thể thiếu vắng…
Những chuyến xích lô đạp đưa du khách vãn cảnh trên phố cổ là hình ảnh gây ấn tượng khó quên.
Người đạp xích lô tươi cười giọng Quảng kể chuyện ngày xưa phố cổ. Xích lô phố Hội bình lặng nhưng đầy ý nghĩa, họ tự hào và hài lòng cái của chính mình – những hướng dẫn viên du lịch không chuyên nhưng là tư liệu sống đậm chất dân dã lịch sử, góp phần giữ gìn phần hồn cốt văn hóa cho phố cổ, cầu nối dung dị cho bao du khách đến với Hội An…
Một vị khách Tây sau mấy tiếng ngồi xích lô, đã cảm nhận: Tôi thú vị với thời gian chầm chậm trôi, nhiều thông tin bổ ích tôi thu nhận được từ anh phu xe, cởi mở và đồng cảm; tôi bất ngờ khả năng giao tiếp tiếng Anh cơ bản của người phu xe, tôi học được bao điều cụ thể và thú vị – nhiều hơn so với kiến thức Hội An được đọc từ sách báo. Du lịch xích lô, tôi có thể quay phim chụp ảnh, thỏa sức chiêm ngưỡng, ngắm nhìn quan sát nét cổ kính của người và đất Hội An, tôi như hòa mình vào cuộc sống lặng lẽ thuần hậu của người phố cổ…
Một tiếng rao chân thực mộc mạc giữa nắng trưa phố cổ Hội An: Bánh bò bánh tiêu hông? Ai đậu hũ không? Hay là tiếng của người đàn ông rao “Chí mà phù… phù” (chè mè đen) với âm lơ lớ Quảng Đông làm tôi nhớ thuở nhỏ quê nhà.
Ký ức ngày tháng cũ hiện về, sáng trưa chiều tôi chờ nghe tiếng rao để đoán giờ giấc của bao gánh hàng rong; điểm tâm thì có những gánh bún, gánh xôi, gánh cháo, chiếc xe bánh mì cọc cạch… buổi trưa có gánh đậu hủ thêm hương gừng thơm ngát; cậu bé bán cà rem hay là ông già gánh hai cái lu bán cốm; tiếng rao của cô gánh chè, bánh bèo, bánh nậm, bột lọc,…
Phố cổ Hội An vẫn còn lưu giữ tiếng rao thật thà và giản dị đã ăn sâu vào tâm thức người Việt từ thuở trước. Tiếng rao kia cũng là điểm nhấn của người phố cổ mà lớp trẻ hôm nay ít được nghe thấy, họa hoằn chỉ gặp ở nhưng ngõ nhỏ vùng ngoại ô thưa vắng…
Hồn cốt phố cổ… đòi hỏi người phố cổ vui vẻ lịch sự trong giao tiếp ứng xử với du khách; không buôn bán kiểu chèo kéo, cò mồi, không có chuyện tới chỗ nào cũng gặp hành khất. Hội An phải giữ được “nhân tình thuần hậu” mang màu sắc riêng biệt vốn có.
Chẳng hạn, chuyện ngày trước mọi người dừng xe đứng dậy ngả mũ nón khi gặp đám tang đi qua, bây giờ cần được vận động nhắc nhở để trở thành thói quen nếp sống thành kính người quá cố.
Ở đâu con người càng đông sẽ có nhiều loại hình văn hóa ngoại lai, ngay cả những bản tính chân chất, thật thà của người dân địa phương cũng bị mai một, pha loãng, khó giữ được bản sắc. Nếu bị tác động bởi những thứ đó, liệu Hội An có còn đủ hấp dẫn để phát triển và giữ gìn hồn cốt?
Người Hoa trên đất Hội An, dấu tích không thể không nhắc – đó là các hội quán của lưu dân: Phúc Kiến, Quảng Đông, Ngũ Bang, Hải Nam, Triều Châu. Mỗi hội quán có đặc thù riêng tùy thuộc vào tập quán tín ngưỡng tâm linh của cư dân.
Hoa kiều Hội An có gốc tích Minh Hương – những người Hoa đồng hương có xuất xứ từ nhà Minh do không chấp nhận Mãn Thanh cai trị đã di dân tứ xứ.
Phần lớn người Hoa an trú trên phố cổ 300, 400 năm nay đã trở thành một trong những cộng đồng dân tộc Việt Nam và cố hương xa mờ trong tâm tưởng họ…
- Xem thêm: Xin đừng “bóp cổ” Hội An
Hồn phố cổ trong tôi đọng lại rất riêng. Trải bao dâu bể, Hội An vẫn lặng lẽ trầm mặc trên mọi ngõ ngách tâm hồn người đi kẻ ở. Tôi chỉ là khách vãng lai, tưởng khi rời xa sẽ khép lại nhưng không thể… Tôi thầm hứa với mình sẽ trở lại với Hội An phố cổ một ngày gần!