Nói vui, đi làm cho công ty Nhật, không cần bằng cấp, không cần cả ngoại ngữ, chỉ cần yếu tố duy nhất là sự chăm chỉ và cầu tiến.
Khoảng năm 1998, ở Đồng Nai có chiến dịch kiểm tra lý lịch của nhân viên ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Nhiều công nhân, nhân viên văn phòng các công ty Nhật Bản bị phát hiện làm giả chứng minh nhân dân, khai man tên tuổi và bằng cấp. Nguy cơ bị đuổi việc là hiển hiện theo quy định của pháp luật và nội quy công ty.
Nhiều người phải xin nghỉ phép để về quê hoàn thành các giấy tờ nhân thân và chứng minh bằng cấp. Người viết nằm trong trường hợp đấy. Khi lên xin phép cấp trưởng phòng người Nhật thì nhận được câu trả lời: quy định của pháp luật thì nên làm đúng, còn bằng cấp thì sau chừng đấy thời gian làm việc, ông không quan tâm nhân viên thực sự có tốt nghiệp đại học hay chưa, và nếu chưa có thì ông có thể nói giúp phòng nhân sự là bỏ qua việc phải đáp ứng yêu cầu đấy.
Việc nào cũng quan trọng
Thời kỳ đấy là những năm đầu các công ty Nhật Bản đặt chân vào Việt Nam, những cái tên đầu tiên ở miền Nam là những nhà chế tạo như Fujitsu, Sanyo, Suzuki… Cách tuyển dụng nhân viên – chủ yếu là thợ nghề – cho các vị trí kiểm phẩm, lắp ráp, đứng máy gia công… có những chuyện bây giờ khó tưởng tượng ra.
Một ví dụ: tuyển nhân viên kiểm phẩm, ngoài thử khả năng cầm thước đo và ghi lại kết quả, còn có thêm cả bài thi tuyển gắp đậu phộng bằng đôi đũa so le. Mục đích là tìm ra các ứng viên có đủ kỹ năng khéo léo, tinh mắt, thao tác nhanh… để thực sự phù hợp yêu cầu công việc là kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào.
Đa số lứa nhân viên kiểm phẩm trúng tuyển thời đấy ở Công ty Sanyo Home Appliances Việt Nam (SHV), rất ít người có bằng đại học. Trong 6 tháng đầu học việc, nhiệm vụ của họ chỉ là học cách đo bằng thước cặp điện tử, thước panme, cách ghi chép, so sánh mẫu màu bằng mắt…, những điều mà trong các trường nghề kỹ thuật lúc đấy hầu như họ chưa bao giờ được thực hành.
Đáng nói hơn, nếu đưa những việc đấy vào tay một kỹ sư người Việt thì thường hay nhận được sự lóng ngóng kèm một cái nhún vai kiểu như những việc đấy – không đáng cho người tốt nghiệp đại học phải làm.
Những ngày đầu, các kỹ sư người Nhật chỉ dẫn kỹ lưỡng, kiên nhẫn cho nhân viên bằng thứ tiếng Anh mà không một cử nhân ngoại ngữ mới ra trường nào dịch nổi, bởi cũng có lẽ chưa bao giờ ở trường họ có cơ hội được nghe phát âm tiếng Anh kiểu J-lish kỳ dị của người Nhật.
Ví dụ, từ “if” (có nghĩa là “nếu”), qua miệng người Nhật sẽ trở thành: “Ip-phù-nê”. Nói vui, đi làm cho công ty Nhật, không cần bằng cấp, không cần cả ngoại ngữ, chỉ cần yếu tố duy nhất là sự chăm chỉ và cầu tiến.
Còn nhớ những nhân viên văn phòng thời đấy, đầy đủ Anh văn giao tiếp, tin học ứng dụng, bằng đại học hạng khá, trường kinh tế hàng đầu của Sài Gòn, mỗi lần báo cáo với cấp trên thì tái diễn cảnh chạy vòng quanh, kiểu như: Thưa nhà cung cấp họ bảo hôm nay giao hàng trễ, sếp hỏi vì sao trễ, lại chạy đi alô hỏi, thưa người ta bảo máy hư, lại bị hỏi tiếp, máy hư lúc nào? Bao giờ sửa xong? Lại lon ton về bốc điện thoại hỏi tiếp…
Xin hãy ghi ra giấy những điều mình sẽ hỏi để không bị quên, sếp thi thoảng lại căn dặn các cô cậu tân cử nhân hạng ưu vẫn hay bụm miệng cười khi nghe sếp phát âm từ “problem” (“trục trặc”, “vấn đề”) mà như là “program” (“chương trình).
Nghĩa là cái kỹ năng hỏi 4W – 1H (What, Where, When, Who – How: cái gì, ở đâu, khi nào, ai, thế nào) cho đến tận lúc đấy, người lao động Việt Nam, dù đại học hay học nghề, vẫn phải có người bắt tay chỉ việc mới biết là áp dụng thế nào. Nói không ngoa, chỉ có người Nhật mới đủ kiên nhẫn để chỉ dạy cho nhân viên người Việt như thế.
- Xem thêm: Phương pháp Kaizen
Nhưng nếu thực sự bạn có bằng cấp thực học hẳn hoi thì lại có những câu chuyện khác. Có một đợt, công ty chuyển đổi nhà cung cấp cho một linh kiện trong cụm truyền động, kết quả là động cơ ồn hơn. Họp kỹ thuật để giải quyết, kỹ sư phòng kỹ thuật được cho một ngày để chuẩn bị báo cáo.
Nguyên nhân kỹ sư người Việt đưa ra là do dây cuaroa. Kỹ sư người Nhật lim dim hút thuốc nghe rồi hỏi, linh kiện thay đổi nhà cung cấp có phải là dây cuaroa không? Không phải, vậy thì sao có thể do lý do đấy. Lại cho thêm một ngày với yêu cầu liệt kê tất cả các nguyên nhân gây ồn.
Kết luận của kỹ sư người Việt sau cuộc họp thứ hai do bề mặt pulley – tức bánh truyền động – không đủ láng, gây ồn, và yêu cầu nhà cung cấp đến giải trình. Kỹ sư Nhật lại lim dim hút thuốc phản đối, tại sao mình không đến tận nơi để xem người ta gia công thế nào hòng tìm ra lỗi, nhân tiện đem một số phế phẩm về cho tôi.
Năm lần bảy lượt như thế, cuối cùng kỹ sư phòng kỹ thuật người Việt phải tự tay hì hục cưa mấy chục cái mẫu hỏng để trình ra mặt cắt bên trong ở cuộc họp thứ n. Kết luận nguyên nhân ồn đưa ra của kỹ sư Nhật sau khi cầm mười mấy cái mẫu đã cắt vụn ra săm soi là do… vết rỗ trên bề mặt quá nhiều – do áp lực đúc không ổn định, kèm theo là một bài thuyết giảng về kỹ thuật đúc nhôm và ảnh hưởng của vật liệu phôi lên chất lượng thành phẩm.
Bài học về cách sử dụng biểu đồ xương cá – Ishikawa, trong phân tích lỗi – anh kỹ sư đấy khó mà không nhớ để áp dụng cho những lần sau.
Một thao tác 6.600 lần
Hay như ở công ty M, chuyên lắp ráp cụm cho Sony và Canon lại có câu chuyện khác. Một nhân viên kỹ thuật đứng máy ép nhựa, người Việt được phép dùng đến 1 tấn nguyên liệu nhựa để ép ra được 10 thành phẩm nặng 15 gram đảm bảo dung sai tiêu chuẩn, nghĩa là thực hiện một thao tác 6.600 lần để tìm ra được thông số ép tối ưu: thời gian, nhiệt độ sấy nguyên liệu, lực kềm, thời gian ép…, tất cả mất một tuần lễ nằm với máy, không về nhà.
Sau đấy tầm một năm, người thợ ấy trở thành trưởng xưởng ép nhựa, bất chấp bằng cấp ban đầu của anh là kỹ sư… nông lâm.
Với kiểu huấn luyện, chỉ nghề on site như thế, đa số thợ nghề, hay cả kỹ sư trẻ, người Việt sẽ rất dễ nổi khùng và bỏ cuộc. Nhưng nếu ai đủ kiên nhẫn, họ sẽ có những kinh nghiệm vô giá và không khó khăn gì để trở thành một người thợ thực sự lành nghề, tinh thông trong tương lai.
Kaizen – cải tiến – là triết lý nằm lòng của người Nhật. Cứ làm tốt dần dần. Trong môi trường nhà máy, điều đấy bắt đầu từ hoạt động 5S – dịch sang tiếng Việt là sàng lọc – sắp xếp – sạch sẽ – săn sóc – sẵn sàng, áp dụng trước hết ngay nơi làm việc của mình, duy trì được thói quen đấy, rồi chúng ta sẽ làm được nhiều việc khác tốt hơn, hiệu quả hơn.
Với người Việt, 5S luôn là nỗi ám ảnh khi đa số ban đầu đều biến văn phòng mình trở thành một phòng triển lãm, cấm sờ vào hiện vật, không ai được làm gì cả để cho gọn gàng ngăn nắp tuyệt đối, đợi ban kiểm tra nội bộ đến chấm điểm.
Câu chuyện về 5S ở công ty cũ của người viết, đích thân tổng giám đốc đến kiểm tra. Phòng ban tự tin nhất là văn phòng kho nguyên liệu. Tất cả đều sạch sẽ ngăn nắp, tổng giám đốc hỏi chắc ăn chưa? Anh em OK, tổng giám đốc bảo kéo cái ngăn kéo dưới cùng của hộc bàn ra xem nào? Toàn bộ giấy thừa, bút kéo, băng keo dùng dở… nằm một nùi ở đấy.
Anh em bảo sếp cho thêm một ngày nữa. Hôm sau, tổng giám đốc lại hỏi chắc chưa? Anh em lại OK. Tổng giám đốc lại bảo anh nào cao với lên miết vào cái nóc tủ đựng hồ sơ, đưa ngón tay cho tôi xem. Bụi đen kịt cả ngón tay. Tổng giám đốc lúc đấy mới bảo: Xưa tôi cũng từng làm kho mấy năm, hãy làm tốt mỗi ngày, các bạn sẽ như tôi bây giờ!
- Xem thêm: Sắp xếp lại cuộc đời
Những bài học kiểu mưa dầm thấm đất như thế đã hình thành được một lớp người biết suy nghĩ và ý thức làm việc theo kiểu Nhật ở Việt Nam, từ những năm 1995-2000. Những thế hệ tiếp theo, sau khoảng 5 năm làm việc, dù có thay đổi môi trường làm việc thì đa số cũng hình thành được nếp nghĩ trong công việc, thứ mà người Nhật đã trao cho họ: cách hiểu được quy trình công việc, thói quen làm việc cẩn thận, có trách nhiệm, và tâm thế cứ làm tốt việc của mình, rồi sẽ có cơ hội.
Với cách nghĩ như thế, hơn ai hết, họ hiểu rõ cái gì quan trọng hơn: tấm bằng đại học hay là sự chăm chỉ, cầu tiến?