Đầu năm 2017, Foxconn – công ty sản xuất thiết bị cho Apple, Samsung và Microsoft – đã thay thế 60.000 nhân công bằng robot. Hiện nay Amazon có 30.000 robot làm việc tại các nhà kho trên khắp thế giới. Trong tương lai gần, hãng này dự định thay thế tất cả nhân viên thực hiện công việc lặp lại bằng robot.
Wal-Mart đang thử nghiệm máy bay không người lái tại các trung tâm điều phối hàng. Còn tại Nhật Bản, người ta đã đưa Robot vào chẩn đoán khám chữa bệnh thì sự ảnh hưởng của cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã không dừng lại ở việc công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có thể thay thế cho trí thông minh của con người.
Vậy thì người học sẽ phải chuẩn bị cho mình những kỹ năng gì? Nhà trường sẽ giảng dạy sinh viên như thế nào trong thời đại CMCN 4.0 đang bùng nổ và gần như xoá bỏ khoảng cách về địa lý cũng như không gian giữa các quốc gia?
Học tập và giảng dạy trong kỷ nguyên 4.0
Theo WEF, đến năm 2020, chúng ta sẽ làm những việc mà công nghệ với trí tuệ nhân tạo tại thời điểm đó chưa có khả năng xử lý. Đó là những công việc đòi hỏi phải xử lý những vấn đề phức tạp, cần giải pháp đa chiều, linh động theo từng sự việc, hoàn cảnh, mà trí tuệ nhân tạo không thể có lập trình mà xử lý rốt ráo được.
Theo đó, thị trường lao động được chia thành bốn phân khúc: Lao động chân tay, công nghệ cấp thấp, công nghệ cấp trung và công nghệ cấp cao. Thông thường, khi kinh tế phát triển, nhân lực ở phân khúc thấp sẽ chuyển lên phân khúc cao hơn và do đó thu nhập bình quân đầu người cũng tăng theo.
Sau khi tốt nghiệp THPT 12, trường học không chỉ là nơi cung cấp hay đào tạo ra nghề cho các em mà còn là nơi bồi dưỡng rèn luyện kỹ năng và giúp định hướng con đường tương lai cho sinh viên. Trong bối cảnh sự tác động của cuộc CMCN 4.0 không chỉ lan rộng mà ngày càng đi sâu vào cuộc sống xã hội thì sinh viên không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo, với Machine Learning, với Robot. Vì vậy, sự khác nhau giữa người làm việc với Robot còn lại là khả năng tư duy logic, là khả năng hoà nhập, ứng phó và giải quyết vấn đề nhanh chóng.
CDIO – hướng đi mới cho giáo dục trong sự thay đổi của thời đại
CDIO là một sáng kiến mới cho giáo dục, là một hệ thống các phương pháp và hình thức tích lũy tri thức, kỹ năng trong việc đào tạo sinh viên nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive – Design – Implement – Operate, có nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành, khởi nguồn từ Viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ). Cho đến nay, mô hình này được các trường ĐH, CĐ trên thế giới áp dụng ngày càng nhiều. Về bản chất, CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội (XH) trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau
Khởi nguồn vào năm 2000 từ Viện Công nghệ Massachusetts – MIT (Hoa Kỳ), cho đến nay mạng lưới các trường ĐH áp dụng CDIO trên thế giới đang ngày càng được mở rộng. Cách tiếp cận CDIO hướng tới đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn và ý thức trách nhiệm với xã hội.
Cao đẳng Việt Mỹ sẵn sàng cho hành trình giảng dạy trong thời đại 4.0
Để giải quyết “nút thắt cổ chai” của các bạn trẻ sau khi có bằng cấp cử nhân vẫn bị thất nghiệp, Cao đẳng Việt Mỹ đã xây dựng cho sinh viên những điểm khác biệt trong quá trình giảng dạy với:
- Môi trường học tập hiện đại, nhân văn
- Thời lượng thực hành lên đến 70% thời gian học
- Hoạt động ngoại khoá phong phú, sôi nổi
- Sinh viên được trang bị kỹ năng sống, kỹ năng làm việc trong xu thế hội nhập 4.0
Tiếp tục nhất quán định hướng giáo dục đó và hướng tới chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế, từ tháng 9/2017, trường Cao đẳng Việt Mỹ triển khai giảng dạy theo các tiêu chuẩn của CDIO. Hiện tại, nhà trường đã áp dụng phương pháp giảng dạy này đối với các chuyên ngành: Phiên dịch Tiếng Anh Thương Mại, Quan hệ công chúng, Quản trị khách sạn.
Trong tương lai gần, đội ngũ giảng viên cùng ban lãnh đạo nhà trường nỗ lực để đưa chương trình chuẩn quốc tế CDIO triển khai giảng dạy ở tất cả chuyên ngành. Bên cạnh đó, tháng 1/2018, Cao đẳng Việt Mỹ vừa đưa vào hoạt động hệ thống giáo trình giảng dạy online và mở tài nguyên vận hành các khoá học nghiệp vụ trực tuyến miễn phí. Việc triển khai song song giữa giảng dạy online và đào tạo tại nhà trường sẽ giúp giảm thời gian học lý thuyết, thúc đẩy tối đa khả năng tự nghiên cứu của sinh viên. Lúc này, giảng viên sẽ đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn và giúp giải quyết những vấn đề khó khăn phát sinh. Phương pháp đào tạo này cũng sẽ giải quyết được những vấn đề sự vụ, hành chính và giảng viên có thêm nhiều thời gian tập trung cho nghiên cứu và trau dồi thêm chuyên môn nghiệp vụ.
Hội nghị thường niên CDIO vùng Châu Á diễn ra tại Đại học Duy Tân trong tháng 3 vừa qua với sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ 55 trường ĐH trên thế giới về dự. Cao đẳng Việt Mỹ đã tham gia và cùng thảo luận về những yêu cầu của giáo dục trong thời đại mới cũng như chia sẻ về phương pháp giảng dạy đang áp dụng tại Cao đẳng Việt Mỹ.
Chia sẻ về định hướng giảng dạy theo chuẩn CDIO và buổi hội thảo 2018 với các trường thành viên, Thạc sỹ Dương Trần Minh Đoàn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Mỹ chia sẻ thêm: ‘…Tham dự hội nghị CDIO Châu Á 2018, thầy cô trường có cơ hội được lắng nghe, học hỏi và kết nối với các đồng nghiệp đến từ các trường Đại học, Cao đẳng trên quốc tế. Một lần nữa, khẳng định được tinh thần nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy của cán bộ, nhân viên nhà trường Cao đẳng Việt Mỹ với sinh viên, phụ huynh và bạn bè quốc tế”.