“Học bổng IPL đã thành công trong việc đào tạo ra hàng ngàn doanh nhân “tin vào thực học” và có khát khao “tự lực khai phóng”. Tuy nhiên, thành công lớn nhất cõ lẽ là chặng đường 16 năm qua, IPL vẫn là một dự án giáo dục không vì mục tiêu lợi nhuận, đã góp phần lan tỏa những tinh thần mới và giá trị mới trong cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng xã hội”. Ông Giản Tư Trung, chủ nhiệm của Chương trình IPL vừa cảm xúc và vừa tự hào chia sẻ.
Sự kiện IPL Day diễn ra vào ngày 30/11/2023 là dịp lễ chào mừng thế hệ học viên IPL thứ 8, cũng là lễ tốt nghiệp của học viên IPL thứ 6. Tại sự kiện, rất nhiều người trong hội đồng sáng lập đã có mặt, cùng nhau định nghĩa về “thế hệ doanh nhân mới”. Với nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, thì đó là thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo hay tài năng kinh doanh, mà còn có chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và tinh thần ái quốc. Không phải doanh nhân trẻ nào cũng mới và có những doanh nhân lớn tuổi nhưng rất mới, họ là những doanh nhân “kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình”. Còn với GS. Chu Hảo, thì doanh nhân mới hay các nhà lãnh đạo là người rất quan trọng trong mọi lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế xã hội…
Và vì người lãnh đạo có vai trò quan trọng trong xã hội, nên nếu họ là những người lãnh đạo “vô minh”, thì xã hội sẽ nhận hậu quả khôn lường. Giáo dục ở IPL muốn giúp “khai minh” cho người lãnh đạo, bằng cách cổ vũ 3 tinh thần “thực học, khai phóng và chuyên sâu” nhằm giúp mỗi học viên tự đào luyện mình trở thành: con người tự do, công dân trách nhiệm và chuyên gia ưu tú. Đây là một chương trình được thiết kế công phu và độc đáo, kết hợp giữa đẳng cấp thế giới và thực tiễn Việt Nam, giữa giáo dục khai phóng và phát triển lãnh đạo. Những học viên trúng tuyển sẽ được cấp học bổng toàn phần trị giá 200 triệu đồng/học viên để theo học chương trình IPL. Có những học viên ở Hà Nội, mỗi tháng vào ra Sài Gòn 4-5 lần để tham gia chương trình này với một sự phấn khởi kỳ lạ. Học và thi thì rất gian nan, nhưng học IPL xong lại không có bằng. “Bằng cấp” mà các học viên nhận được chính là động lực cho tinh thần thực học, cũng như việc lan tỏa tinh thần thực học, tinh thần khai phóng và tinh thần lãnh đạo trong cộng đồng bằng chính câu chuyện của mình.