Sau bốn năm lay lắt, hơn trăm cây anh đào xứ lạ (Mỹ, Nhật) được trồng ở đây cuối cùng chỉ còn hơn 20 cây giống Cherry, bông đơn màu sáng hồng, cánh đều hơn đào hiện có ở Đà Lạt có thể phát triển và kết hoa, các giống anh đào hoa kép thì không thể phát triển được. Nhưng hoa đào xứ lạ vẫn chưa đổi được tập tính nở vào mùa xuân của nơi sinh quán (tháng 3-4 Dương lịch như hoa anh đào nở ở Washington D.C và Tokyo, Nhật).
Tội nghiệp cho mấy cây anh đào xa xứ, vào tháng 2-3 hoa bắt đầu lấm tấm những búp như hạt gạo, mơn mởn màu tím tím, vừa chớm mỉm cười thì đã khô quắt quéo trong nắng hạ gay gắt xứ này, Đà Lạt bây giờ khí hậu đã khác xưa, trước Tết ta bên ngoài trời đã nắng nóng như Sài Gòn. Làm sao thay đổi được chu kỳ nở của hoa? Chỉ còn mong chờ anh đào xứ lạ tập quen dần với thời tiết bản địa, đất trời không thay đổi được, chỉ có hoa anh đào xứ lạ muốn tồn tại thì phải đổi thay tập tính cho phù hợp, đành phải biến nơi tạm trú thành nơi chính quán vậy? Dẫu có thiết tha nhớ nơi chôn nhau cắt rốn đến mấy, anh đào xứ lạ cũng phải dần dần làm quen với nắng gió nơi nương thân tá túc.
May thay, trời đất cũng có lúc mỉm cười chốc lát để vui lòng kẻ thành tâm. Năm nay, sau Tết ta, Đà Lạt trời lại mưa bay bay và nhiều đêm giá lạnh như mùa Noel, đám hoa đào viễn xứ thi nhau tụ búp và lần đầu tiên sau bao năm trồng thử nghiệm đã nở hoa vào cuối tháng 3 Dương lịch. Cũng thời điểm này ở Việt Nam, các tour du lịch quốc tế đang quảng bá đi Mỹ và Nhật để ngắm hoa anh đào nở, thì tại Đà Lạt cũng đã có những cành hoa anh đào từ Mỹ, Nhật mỉm cười trong nắng hạ!
Dù anh đào xa xứ chỉ mới lác đác đâm hoa, nhưng tôi tin khi hoa đã nở được, thì rồi cũng đến lúc trăm ngàn hoa đua nở. Biết đâu được, hoa lá như đất trời làm sao cấm cản được mùa xuân rạo rực tuôn trào trong mạch sống thiên nhiên? Hãy kiên trì chờ ngắm hoa anh đào xứ lạ vài ba năm nữa sẽ nở rực rỡ trên quê hương xứ hoa đào ở Việt Nam.
Nguyễn Quang Tuyến (Đà Lạt 21-3-2013)