Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nhấn mạnh, việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.
Ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những nội dung sai trái in trên hộ chiếu phổ thông điện tử nói trên.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã chỉ đạo không đóng bất kỳ dấu nào của Việt Nam lên mẫu hộ chiếu có đường lưỡi bò và cho biết người nhập cảnh sẽ được cấp một tờ thị thực rời. Điều này, theo ông Đam, một mặt vẫn tạo điều kiện cho công dân Trung Quốc làm việc hoặc du lịch, giao lưu với người dân Việt Nam; mặt khác thể hiện rõ chính kiến của Chính phủ Việt Nam.
Philippines phản ứng dứt khoát
Cùng với Việt Nam, Philippines cũng đã nhanh chóng phản ứng trước việc làm sai trái mang tính thách thức của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Philippines hôm 28-11 ra tuyên bố cho biết nhân viên hải quan nước này sẽ đóng dấu lên “một mẫu đơn visa rời” thay vì đóng dấu lên hộ chiếu của Trung Quốc. Qua hành động này, Philippines tăng cường thêm phản đối của mình đối với tuyên bố quá đáng của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Hành động này được thực hiện để tránh việc Philippines bị hiểu lầm là đã công nhận tính chính đáng của đường chín đoạn mỗi khi đóng dấu thị thực nhập cảnh trên hộ chiếu điện tử của Trung Quốc.
Người dân Philippines biểu tình phản đối mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc
Trong một diễn biến khác, mới đây Philippines yêu cầu Trung Quốc làm rõ chuyện “khám tàu” mà Bắc Kinh đưa ra sau phản ứng của các nước về hộ chiếu có hình đường lưỡi bò.
Philippines hôm 1-12 đã lên án kế hoạch của Trung Quốc khám xét tàu bè nước ngoài đi vào vùng biển mà Bắc Kinh cho rằng thuộc chủ quyền của họở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines nói kế hoạch này phải bị cộng đồng quốc tế lên án vì xâm phạm lãnh hải các quốc gia khác và gây cản trở cho tự do hàng hải được quy định trong công ước quốc tế về Luật biển. Philippines khẳng định lần nữa cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở nào theo luật pháp quốc tế.
Indonesia: “Hộ chiếu lưỡi bò” của Trung Quốc là “xảo trá”
Là một nước không có tranh chấp trực tiếp nhưng Indonesia cũng tỏ ra gay gắt trước việc Trung Quốc có tham vọng thôn tính Biển Đông mà diễn biến mới nhất là cấp hộ chiếu điện tử in hình lưỡi bò mà họ gọi là hộ chiếu mới. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên nhật báo “Bưu điện Jakarta” ngày 29-11 đã cảnh báo rằng hộ chiếu mới ban hành hay các hành động gần đây của Trung Quốc “không mang tính xây dựng, không giúp giải quyết vấn đề tranh chấp, mà chỉ làm trầm trọng thêm cuộc tranh chấp vốn đã căng thẳng hiện nay tại Biển Đông”. Theo ông, những hành động như vậy là xảo trá và phản tác dụng, sẽ không giúp ích gì cho việc giải quyết các tranh chấp hiện nay.
Ông cho biết lập trường của Indonesia sẽ không thay đổi bởi bất cứ hành động đơn phương nào và Jakarta sẽ truyền đạt quan điểm của mình về vấn đề này với Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh rằng việc các nước khác chấp nhận hộ chiếu có in hình bản đồ “lưỡi bò” không thể được hiểu là họ đồng ý với các tuyên bố về lãnh thổ của Trung Quốc.
Thái độ của Indonesia được dư luận quốc tế đánh giá cao bởi nước này có quan hệ thương mại đa dạng với Trung Quốc.
Ấn Độ ăn miếng trả miếng
Dư luận ởẤn Độ cũng tỏ ra gay gắt trước việc Trung Quốc cho in hình lưỡi bò trên hộ chiếu. Lý do là Trung Quốc đã từng làm như vậy với Ấn Độ trong cuộc xung đột lãnh thổ giữa hai bên. Khi ấy Trung Quốc cũng sử dụng một mánh khóe ngoại giao bằng cách in lên hộ chiếu bản đồ những khu vực tranh chấp và Ấn Độ đã đáp trả bằng cách dùng con dấu có hình bản đồ của mình để đóng dấu xuất-nhập cảnh cho du khách Trung Quốc. Trước đó, giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng từng xảy ra đối đầu ngoại giao theo kiểu ăn miếng trả miếng xung quanh các vùng lãnh thổ tranh chấp ở dãy núi Himalaya.
Nguồn tin từ New Delhi cho biết chính quyền Ấn Độ đã phát hiện loại hộ chiếu bất hợp pháp của Trung Quốc từ vài tuần trước. Phía Ấn Độ đã lập tức phản ứng với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và khẳng định loại hộ chiếu này là “không thể chấp nhận”.
Một quan chức ngoại giao Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu cấp visa bằng bản đồẤn Độ ngay khi phát hiện loại hộ chiếu của Trung Quốc có in chìm hình ảnh bang Arunachal Pradesh và khu vực Aksai Chin”.
Đài Loan phản ứng gay gắt
Hộ chiếu điện tử Trung Quốc cũng in hình hai địa danh nổi tiếng của Đài Loan là đầm Nhật Nguyệt ở huyện Nam Đầu và vách đá Thanh Thủy ở thành phố Hoa Liên. Báo chí Đài Loan chỉ trích chính quyền lãnh thổ này đã phản ứng quá chậm chạp so với Việt Nam và Philippines về động thái xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh. Nghị sĩ thuộc Đảng dân tiến Trần Kỳ Mại kêu gọi: “Đây là hành vi xâm phạm trắng trợn lãnh thổ Đài Loan và lãnh đạo Mã Anh Cửu cũng như chính quyền nên lập hồ sơ phản ứng chính thức với Bắc Kinh ngay lập tức”.
Theo Thời báo Tự Do, nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu đã chỉ thị cho Hội đồng liên lạc với Trung Quốc chính thức gửi công hàm phản đối Bắc Kinh nói rõ: “Hai địa danh du lịch nổi tiếng này thuộc về quyền tài phán của Đài Loan chứ không thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc”.
Khi người dân Trung Quốc lên tiếng
Mẫu hộ chiếu của Trung Quốc in hình đường lưỡi bò không chỉ gây phản ứng trong dư luận khu vực và thế giới, mà còn trở thành tâm điểm tranh luận trên chính các diễn đàn trực tuyến của nước này.
Mạng Thanh niên Bắc Kinh dẫn lời một người dân Trung Quốc đang làm việc ở một nước thành viên ASEAN cho biết ba người bạn của anh đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xin thị thực xuất nhập cảnh vào nước khác.
Tương tự, một cư dân mạng Trung Quốc có biệt danh David cũng than thở trên trang mạng Weibo rằng chỉ vì tấm hộ chiếu mới mà anh ta đã gặp nhiều phiền toái khi làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Một vài học giả Trung Quốc cũng bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc in hình đường lưỡi bò trên hộ chiếu.
Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng việc in yêu sách chủ quyền trên hộ chiếu muốn “chứng minh chủ quyền quốc gia” nhưng cũng có thể làm cho vấn đề “vốn đã rắc rối lại càng phức tạp thêm”.
Hoa Kỳ: Hộ chiếu “vô bổ” của Trung Quốc gây căng thẳng
Dư luận cũng quan tâm đến thái độ của Mỹ khi Bộ Ngoại giao nước này cho rằng hộ chiếu mới có in tấm bản đồ “vô bổ” ấy đã gây ra căng thẳng và lo ngại giữa các nước ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định những hộ chiếu mới không “giúp ích cho môi trường mà tất cả chúng ta tìm kiếm nhằm giải quyết những vấn đề này”.
Bà Nuland cho biết Mỹ sẽ chấp nhận hộ chiếu mới của Trung Quốc là giấy thông hành hợp lệ, do các nước được quyền “quyết định hình thức của hộ chiếu của họ, miễn là chúng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế”.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc Trung Quốc in bản đồ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trên hộ chiếu không làm thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ đối với cuộc tranh chấp này, rằng vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nên được đàm phán giữa các nước có liên quan, giữa ASEAN và Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của báo chí rằng việc hải quan Hoa Kỳ đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu của công dân Trung Quốc có in hình bản đồ có đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh hay không, bà Nuland khẳng định: “Đó không phải là sự công nhận”. Bà nói thêm: “Chúng ta đều biết rõ là tấm bản đồ đi lạc đường mà Trung Quốc đưa vào hộ chiếu của họ không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế”.
Dư luận quốc tế phê phán Trung Quốc
Nhật báo Anh Financial Times cho rằng các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc không thể chấp nhận trước việc các viên chức ngoại giao và cửa khẩu của họ bị buộc phải mặc nhiên công nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, mỗi khi cấp visa hay đóng dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu của một công dân Trung Quốc.
Hãng AFP ngày 22-11 cũng dẫn lời ông Raul Hernandez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng: “Nếu để yên cho Trung Quốc làm như vậy, điều đó có nghĩa là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ vùng Biển Đông”.
Bên cạnh các hành vi cụ thể thô bạo như tung các đội tàu cá hùng hậu ra đánh bắt tại các vùng ở Biển Đông đang tranh chấp, chặn bắt hay xua đuổi ngư dân các nước khác đến hoạt động tại các nơi mà họ cho là thuộc chủ quyền của mình, mời thầu dầu khí quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì đây lại thêm một thủ đoạn khác của Trung Quốc.
Báo Độc lập (Nga) ngày 26-11 nhận định rằng qua việc cấp cho công dân hộ chiếu có in bản đồ hình lưỡi bò, Trung Quốc đã nổ thêm một phát súng vào bầu không khí vốn đang căng thẳng liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Một chuyên gia nổi tiếng với các nhận định đầy thuyết phục liên quan đến tranh chấp Biển Đông, giáo sư Carlyle A. Thayer – thuộc Học viện Quốc phòng Australia – khẳng định, việc Trung Quốc sử dụng hộ chiếu lưỡi bò là hành động khiêu khích, bởi chưa quốc gia nào có tiền lệ in bản đồ có vùng đang tranh chấp vào hộ chiếu của mình.
Theo ông Thayer, đây là hành động gây áp lực, gây căng thẳng và lấn tới, giống như chiến tranh tâm lý. Điều này không phải ngẫu nhiên xảy ra. Chủ trương in đường lưỡi bò đã được chuẩn bị từ lâu và bằng tất cả những hành động này, Trung Quốc muốn biến yêu sách của mình thành hiện thực.
Tuy nhiên, cũng như nhiều học giả khác, ông Thayer khẳng định, việc Trung Quốc in hình đường lưỡi bò lên hộ chiếu cũng không thể hợp pháp hóa yêu sách phi lý của họ. Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được một lời giải thích rõ ràng nào về đường lưỡi bò, sau khi lần đầu tiên đệ trình lên Liên Hiệp Quốc văn bản đính kèm bản đồ đường chín đoạn năm 2009.
Trong khi đó, Tổng thư ký ASEAN sắp mãn nhiệm Surin Pitsuwan cảnh báo, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có nguy cơ trở thành vấn đề “Palestine của châu Á”, diễn biến xấu đi thành xung đột bạo lực, gây chia rẽ các nước và gây bất ổn toàn bộ khu vực.
Đối mặt trước sự phản đối của nhiều nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cố gắng hạ nhiệt vấn đề khi cho rằng bản đồ trong hộ chiếu “không nhằm vào một nước cụ thể nào”.
Nguyễn Nam tổng hợp