Bên cạnh các thương hiệu thì nhà thiết kế (NTK) là những cái tên được nhắc nhiều nhất trong ngành thời trang, nhất là mỗi khi diễn ra các tuần lễ thời trang đình đám. Nhưng đồng thời, người ta cũng rất tò mò muốn biết cuộc sống của những NTK (tạm) rời xa sàn diễn ra sao.
Trong thời buổi ngành thời trang có nhiều biến chuyển và thay đổi nhanh chóng như ngày nay, việc thay đổi vị trí giám đốc sáng tạo trong thời gian ba năm, thậm chí là vài tháng không còn quá xa lạ. Nhiều người trong chúng ta thắc mắc về cuộc sống và những dự định của các NTK, liệu họ sẽ tập trung cho gia đình, chuyển sang một lĩnh vực đam mê, ngành kinh doanh khác hay trở lại với sàn diễn… Nhiều câu hỏi được đặt ra và có vẻ họ đang có một khoảng thời gian hạnh phúc cho bản thân.
Người được quan tâm hàng đầu trong thời gian gần đây là Alber Elbaz, cựu Giám đốc sáng tạo của Lanvin. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng những ai đã trải qua sự thay đổi lớn trong cuộc đời thì đều muốn biến mất, để được quan sát, nhìn ngắm chứ không phải lúc nào cũng bị cả thế giới nhìn vào. Bạn không thể tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc khi ở đỉnh cao của một thương hiệu với những cuộc gọi và họp hành thường xuyên vòng quanh thế giới. Không còn thời gian cho suy nghĩ và mơ mộng”.
Hậu Lanvin, Alber dành thời gian cho chuyến đi vòng quanh thế giới, cộng tác với một vài thương hiệu và ngẫm nghĩ về thời trang ngày nay. Bên cạnh đó, ông còn tham gia thuyết giảng tại nhiều trường đại học như Tsinghua (Thanh Hoa) ở Trung Quốc, Parsons ở New York và Central Saint Martins tại London.
Tương tự với Frida Giannini, cựu Giám đốc sáng tạo của Gucci. Cuộc sống sau Gucci với bà như được cấu trúc lại mà bà diễn tả như sự trở về với mặt đất. “Suốt 20 năm, tôi sống với một thực tại khác, bị kẹt giữa một công ty lớn và theo dõi bởi truyền thông. Tôi đã từng tự hỏi làm cách nào có thể quản lý và thực hiện hàng triệu thứ cùng một lúc trong khi tôi còn con nhỏ”, Frida nói. Hiện tại bà vẫn thực hiện vài dự án nhỏ với thời trang và trang sức, nhưng trên hết vẫn là người của gia đình với công việc nội trợ, du lịch và làm từ thiện cùng chồng và con gái.
Quen thuộc với guồng quay của thời trang và bị sốc khi rời xa nó là trường hợp của Peter Copping, từng làm việc tại Oscar De La Renta. Trong suốt 25 năm làm việc không ngừng nghỉ với đỉnh điểm sáu bộ sưu tập/năm, ngay sau khi trở lại Paris để tận hưởng cuộc sống riêng, ông hoàn toàn lạ lẫm với quỹ thời gian của mình và dần phải làm quen với nó. Đi lại giữa Paris và vùng Normandie, Peter có một cuộc sống ung dung tự tại cùng một nửa của mình bên cạnh gia đình và bạn bè. Về công việc, ngoài làm cộng tác viên cho tờ Architectural Digest, ông cũng tham gia vài dự án nhỏ liên quan đến thời trang ở những xưởng may cao cấp tại Paris.
Bouchra Jarrar không có thời gian công tác lâu dài như những đồng nghiệp của mình kể trên khi chỉ tại vị ở Lanvin trong một năm, thậm chí phải tạm dừng thương hiệu cá nhân. Kể từ lúc nghỉ việc tại Lanvin đến nay, Bouchra xem đó như khoảng thời gian để dừng lại và ngẫm nghĩ về những gì đã làm trong 25 năm qua. Bà bắt đầu tập trung thời gian cho công tác từ thiện và giúp đỡ những người bạn của mình trong ngành thời trang. Những hoạt động nhằm củng cố sự tự tin và khẳng định vị trí của phụ nữ trong xã hội được bà đặc biệt quan tâm.
Cũng gặp trúc trắc như Bouchra Jarrar, nhưng Jonathan Saunders có vẻ như tệ hơn một chút. Phải đóng cửa thương hiệu để tập trung vào công việc tại Diane Von Furstenberg nhưng xui xẻo thay, ông đã nghỉ việc chỉ sau một mùa thời trang và có vẻ như bị mất tất cả. Ông chuyển hướng sang thiết kế nội thất ngay sau hai tháng du lịch tại Nhật Bản và Ấn Độ, nơi cho ông thật nhiều ý tưởng trong thiết kế và lối sống. Quan trọng hơn, ông tham gia cố vấn cho một nhóm các NTK trẻ tại London đang gặp khó khăn về tài chính khi bắt đầu khởi nghiệp. Mặc dù đã có cuộc sống và sự nghiệp mới, Jonathan vẫn còn lưu luyến với thời trang nhưng e ngại rằng mình không phù hợp với cách làm việc của thời đại ngày nay.
– Lược dịch từ Nytimes