Cuộc khảo sát mới nhất của Adecco Việt Nam cung cấp cái nhìn sâu sắc về những thay đổi trong cách lãnh đạo sau những tác động của đại dịch, đồng thời nêu bật kỳ vọng của nhân viên đối với đội ngũ quản lý. Những phát hiện từ cuộc khảo sát này giúp hiểu rõ hơn về vai trò của sự lãnh đạo trong “bình thường mới”, và một nơi làm việc tốt hơn cho mọi người.
Để tìm hiểu về vấn đề này, Adecco Việt Nam đã thực hiện một cuộc khảo sát trên toàn quốc vào tháng 12 năm 2021 với chủ đề “Tái định nghĩa khả năng lãnh đạo trong thời kỳ COVID-19”. Cuộc khảo sát nhận được tổng số 400 phản hồi.
Những phát hiện từ khảo sát cho thấy cả lãnh đạo và nhân viên đều đang hướng tới những nguyên tắc mới khi nhắc đến khả năng lãnh đạo thành công.
Andree tin rằng đại dịch “thách thức các nhà lãnh đạo và tổ chức trên toàn cầu, trong mọi lĩnh vực, và làm sáng tỏ các giả định lâu nay về một môi trường làm việc lành mạnh”. Ông chia sẻ “Những bất lợi do dịch bệnh có thể kéo dài hơn và gây ra khó khăn lớn hơn chúng ta có thể lường được. Sau sự xuất hiện của COVID-19, nơi làm việc của chúng ta sẽ không bao còn như trước, và chúng ta cần đảm bảo rằng nó sẽ tốt đẹp hơn. Thời đại làm việc linh hoạt hiện nay đòi hỏi cao hơn về Trí tuệ cảm xúc (EQ), các lãnh đạo cần chú trọng các kỹ năng con người – bao gồm sự đồng cảm, khả năng thích ứng, tính linh hoạt và ưu tiên con người (…). Đây là cách để xây dựng hoặc củng cố các giá trị có thể giúp mỗi tổ chức phát triển trong bối cảnh bất ổn, dù kéo dài bao lâu, và chuẩn bị tốt cho những thách thức lớn hơn sắp tới”.
Một số phát hiện chính:
- Hơn 67% Nhân viên và 70% Quản lý hài lòng với phản hồi và hỗ trợ từ ban lãnh đạo trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư.
- 72% người ở các vị trí Quản lý đánh giá cao khả năng của cấp trên trong việc quản lý từ xa, cao hơn 56% phản hồi từ cấp bậc Nhân viên.
- Cả hai nhóm Nhân viên và Quản lý đều cho biết một số lĩnh vực họ ít hài lòng nhất là hỗ trợ về nhu cầu học tập, đào tạo lại và nâng cao kỹ năng; hỗ trợ về sức khỏe thể chất; và hỗ trợ về sức khỏe tinh thần.
- Cả hai nhóm Quản lý và Nhà điều hành (Cấp cao) đều chỉ ra những khó khăn lớn nhất khi quản lý từ xa là chương trình đào tạo nhập môn cho nhân viên mới; xác định và hỗ trợ khi nhân viên gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần; hỗ trợ phát triển sự nghiệp; và xác định và hỗ trợ khi nhân viên bị kiệt sức.
- Hơn 67% Nhân viên, 65% Quản lý và 70% Nhà điều hành (Cấp cao) đồng ý rằng lãnh đạo cần thay đổi để phù hợp với tương lai.
- Hơn 62% Nhà điều hành (Cấp cao) và 70% Quản lý được hỏi tin rằng quản lý nhóm từ xa là tiêu chuẩn kể từ giờ. Thêm vào đó, khoảng 80% trong số họ cũng sẵn sàng dẫn dắt nhân sự từ xa khi có cơ hội.
- Khi được hỏi về kỹ năng lãnh đạo quan trọng trong bình thường mới, các Quản lý và Nhà điều hành (Cấp cao) đã xếp hạng khả năng thích ứng với công nghệ và huấn luyện các nhân viên ở những vị trí đầu tiên. Với các Nhà điều hành (Cấp cao), khả năng thúc đẩy doanh thu được xem trọng nhất.
- Mặt khác, Nhân viên chủ yếu trông đợi một nhà lãnh đạo ủng hộ nhu cầu làm việc linh hoạt, quý trọng văn hóa đội ngũ, có tầm nhìn chiến lược, và thể hiện sự tin tưởng và đồng cảm với các thành viên.