Tại Kenya, chỉ với một từ “Harambee”, mọi người sẵn sàng dốc sạch túi. Họ hào phóng đóng góp và xây dựng các kiểu quỹ cộng đồng vì mục đích phát triển đất nước. Ước tính, 65% dân số Kenya tham gia từ 3 hội tài chính trở lên. Tổng tiền từ các khoản này cao tới 368 nghìn tỷ shilling (tương đương 78,28 triệu tỷ VNĐ).
Học từ Ấn Độ
Kenya là quốc gia ở khu vực Đông Phi, có diện tích khoảng 580.367 km2 và dân số trên 47,6 triệu người. Hiện tại, Kenya đang là một trong 3 nước châu Phi cận Sahara phát triển nhất (2 nước còn lại là Nigeria và Nam Phi).
Harambee là từ chỉ hoạt động đóng góp và trợ giúp truyền thống ở Kenya. Thuật ngữ này mới được đưa vào từ vựng tiếng Kiswahili (quốc ngữ Kenya) vào năm 1963, có nghĩa là “chung sức, đồng lòng”. Với dân tộc Kenya, Harambee là luật bất thành văn. Theo nhà sử học Njuguna Ng’ethe của Đại học Nairobi, nguyên tắc đạo đức này xuất hiện trong khoảng thập niên 1890. Đây là thời gian Kenya đang bị Anh chiếm làm thuộc địa. Thực dân Anh muốn xây dựng tuyến đường sắt nối liền Kenya với Uganda (quốc gia láng giềng của Kenya), nên đẩy 30.000 lao động di cư từ Ấn Độ đến Mombasa (thành phố ở Kenya). Họ ghép các lao động này với người Kenya, ép làm việc cật lực.
Trên công trường, các công nhân Ấn Độ và Kenya phải lao lực suốt đêm ngày. Người Ấn Độ theo tín ngưỡng đa thần giáo. Vào những lúc mệt nhọc nhất, họ gọi lớn tên các vị thần, cầu xin họ trợ lực. Trong các vị thần này, có 2 người thường được xướng tên là Hare (nam thần) và Ambe (nữ thần). Mỗi lần phải nâng một vật nặng, tốp công nhân Ấn Độ nhập cư lại “hò dô ta” bằng cách la lớn “Hare Ambe”. Người Kenya nghe được liền bắt chước theo. Có lẽ là vì sự khác biệt của cách phát âm, “Hare Ambe” biến thành “Harambee”.
Văn hóa lối sống Kenya đặt lợi ích của cộng đồng lên trước lợi ích cá nhân. Harambee không chỉ là tác phong đạo đức, mà còn là phương châm chính trị. Từ “harambee” được khắc ngay trên quốc huy Kenya, biểu thị cho tinh thần và niềm tự hào dân tộc.
Cho không cần đáp
Người có công đưa “harambee” vào từ vựng tiếng Kiswahili là Jomo Kenyatta (18911978), tổng thống đầu tiên của Kenya. Tháng 5-1963, ông nhậm chức và đọc bài diễn văn thắng cử có chứa cụm từ này. “Tôi đề nghị mọi người hãy đưa harambee vào tiếng Kiswahili”, Kenyatta phát biểu. “Nó có nghĩa là đồng lòng chung sức, thể hiện chính xác những gì mà chúng ta đang cần”. Lúc này, Kenya mới chỉ vừa thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Anh. Kenyatta dõng dạc kêu gọi, “Harambee, cùng nhau đứng dậy và tiến bước nào!”.
Giữa rừng người Kenya đang ngây ngất vì tự do và sẵn sàng cống hiến cho tương lai của đất nước, từ “harambee” đi thẳng vào con tim và khối óc. Ngữ nghĩa bó hẹp ở “chung tay nâng vật nặng” của nó mở rộng, thành “đoàn kết, tương thân tương ái toàn dân”.
Vốn dĩ châu Phi là vùng đất của các bộ lạc du mục. Cuộc sống phụ thuộc vào thiên nhiên dạy họ bài học chung: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết”. Từ thuở xa xưa, các dân tộc ở đây đã thấm triết lý “một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Họ sẵn sàng chia sẻ và hợp tác. Harambee chỉ vừa hay đánh trúng nguyên tắc đạo đức sống truyền thống này.
Tại Kenya, Harambee có mặt từ phạm vi cộng đồng nhỏ nhất: làng mạc, nhóm du cư. Giả sử trong làng hoặc nhóm du cư có một thành viên cần giúp đỡ, người này sẽ lên tiếng với trưởng làng hoặc trưởng nhóm. Người đứng đầu triệu tập một cuộc họp, đánh giá và thảo luận kỹ lưỡng vấn đề. Nếu kết quả là “nên tương trợ”, họ tổ chức một sự kiện đóng góp. Các cư dân trong làng hoặc nhóm và bên ngoài (nếu quan tâm) tham dự, đóng góp tài chính, lời khuyên và sự an ủi. Cuối buổi, toàn bộ số tiền được gom lại, trao vào tay người cần sự trợ giúp.
Thường thì ở cấp độ vi mô, Harambee là chuyện ủng hộ đám cưới, thăm hỏi đám tang, người bệnh, giúp trẻ em nghèo có điều kiện tiếp tục đến trường… Các đối tượng được giúp đỡ tài chính không phải lo trả lại khoản tiền đã nhận. Ở cấp độ vĩ mô, Harambee do người hoặc ban lãnh đạo tổ chức chính trị khởi xướng. Suốt nhiệm kỳ từ năm 1978-2002, Tổng thống Daniel Arap Moi (1924-2020) của Kenya liên tục kêu gọi các cuộc Harambee toàn dân; vì nhiều mục tiêu to lớn như xây dựng trường học trên cả nước, cấp phát sữa miễn phí cho học sinh, trồng cây đảo ngược sa mạc hóa…
1 triệu quỹ đóng góp
Từ những năm 1963-1988, khi Kenya vẫn còn đói nghèo, người dân ở đây đã tự nguyện quyên góp được 55 triệu dollar cho quỹ giáo dục. Nhờ nó, tất cả các trẻ em đều được đến trường. Người Kenya yêu và tin Harambee. Đổi lại thì mỗi khi gặp khó khăn, họ được quỹ cộng đồng này vực dậy, chắp cánh.
Những năm cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI, Harambee bị một số nhà lãnh đạo tham nhũng lợi dụng. Tuy nhiên, pháp luật Kenya đã nhanh chóng phát hiện và trừng phạt thích đáng. Đồng thời, họ cũng giới thiệu các ý tưởng mới, thanh lọc và bảo đảm sự trong sạch.
Ngày nay, người Kenya tham gia Harambee thông qua Chama – hội tích lũy và quản quỹ. Chama được thành lập bởi nhóm tư nhân; ví dụ như người một nhà, đồng hương, bằng hữu, đồng nghiệp… Các thành viên trong nhóm có trách nhiệm đóng góp một khoản tài chính nhất định. Tổng số tiền sẽ được dùng để trích trả cho mọi hoạt động chung, từ chi phí tụ họp ăn uống đến thu mua đất đai, thành lập doanh nghiệp…
Ước tính, có đến trên 65% người Kenya tham gia tối thiểu là 3 hội tài chính tư. Đất nước Đông Phi này có tổng cộng hơn 1 triệu Chama, và tổng khoản quỹ của chúng phải lên đến 368 nghìn tỷ shilling Kenya (tương đương 78,28 triệu tỷ VNĐ). Với nền kinh tế của Kenya, các Chama đóng vai trò đặt nền móng và thúc đẩy sự phát triển. Nó thiết lập các công ty, doanh nghiệp, thu hút doanh nhân và nguồn đầu tư từ nước ngoài.
Ngoài ra, Harambee ở Kenya còn là tác nhân của một thực tế siêu thú vị: Tốc độ Internet nhanh nhất Đông Phi. Trong thời gian đương nhiệm, Tổng thống Moi đã dùng Quỹ Harambee toàn dân xây dựng hàng nghìn trường học. Vì số tiền vẫn còn dư, ông quyết định đầu tư cho công nghệ đường truyền, tin tưởng nó góp phần cải thiện nền giáo dục và nâng tầm đất nước. Kết quả, toàn dân Kenya được hưởng tốc độ đường truyền đỉnh cao. Các du khách nước ngoài ghé chơi cũng được “xài ké”.
Trong thời đại Covid-19, Harambee chuyển từ sự kiện đóng góp trực tiếp sang trực tuyến. Một số nhóm Facebook ở Kenya đang hết lòng ủng hộ và kêu gọi gây quỹ, giúp đỡ các lao động nghèo gặp khó khăn vì đại dịch.