Khác với những hải trình êm đềm trên các con tàu khổng lồ chở cả chục ngàn người, hải trình khám phá Nam cực lần này của chúng tôi được thực hiện bởi tàu Ms Vandeem chỉ chở 1.200 người, bao gồm cả du khách lẫn thủy thủ đoàn. Chuyến du ngoạn quả là không dành cho những ai ưa nghỉ ngơi sung sướng. Thiên nhiên Nam cực vô cùng kỳ vĩ song thời tiết lại bất trắc khôn lường.
Thủ đô văn hóa Valparaiso
Đoàn chúng tôi lên tàu đi từ tỉnh Valparaiso của Chile xuống mũi Horn, qua cung đường biển Drake để vượt Đại Tây Dương và đi ngược lên tới bến cuối cùng ở thủ đô Buenos Aires của Argentina. Valparaiso là hải cảng lớn và cũng là thủ đô văn hóa của Chile. Nằm cách thủ đô Santiago 200 cây số về hướng tây bắc, Valparaiso đã từng rất thịnh vượng vào nửa cuối thế kỷ XIX.
Thời đó, tất cả tàu thuyền đi giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương băng qua eo biển Magellan và mũi Horn đều phải dừng chân ở đây. Trước khi mất đi vị thế quan trọng do sự xuất hiện của kênh đào Panama, Valparaiso đã kịp tạo cho mình vẻ đẹp của một đô thị giàu sang. Những dinh thự, quảng trường, khu phố thương mại đến nay vẫn phô bày vẻ phồn hoa thịnh vượng.
Thành phố được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới nhờ óc sáng tạo mỹ thuật của lớp người tứ xứ đổ về hải cảng làm giàu. Rất nhiều người trong số đó đã trở thành cự phú và trả ơn cho thành phố bằng những lâu đài hay công trình công cộng tuyệt đẹp. Những cộng đồng di dân lớn đến từ Anh, Đức, Ý đã mang theo văn hóa, ẩm thực, kiến trúc và tạo dựng nên những vùng riêng biệt của dân tộc họ. Ngày nay những vùng này được bảo tồn thành khu Lịch sử Quốc gia.
Nét đặc sắc của Valparaiso còn nằm ở những cao ốc sáng choang xây bên trong tòa nhà cổ kính. Ra khỏi trung tâm, du khách bị thu hút bởi khu dân cư đầy màu sắc nằm ngay ngắn trên sườn đồi cao nhìn xuống Thái Bình Dương. Đi bộ trên mấy con đường hẹp, nhiều đoạn thật dốc men theo các khu dân cư, du khách thấy được nhiều điều thú vị.
Dân cưở đây sơn vẽ, trang trí nhà cửa, ban công bằng những màu sắc nổi bật. Tuy vậy, nhìn tổng thể các lớp nhà vẫn đẹp mắt và thanh nhã. Trên hè phố, tranh tường graffity xuất hiện ở khắp nơi, có bức tầm thường song cũng có nhiều bức sáng tạo. Ngay cả nắp cống hay nắp thùng rác cũng được tô điểm bằng nét vẽ đậm dấu ấn cá nhân.
Cảng biển thơ mộng giữa Vùng Hồ
Sau một đêm chịu đựng sự lắc lư của con tàu nhỏ trên vùng biển nhiều sóng gió, chúng tôi đến với cảng Puerto Montt, nơi được coi là thủ đô cá hồi của Chile. Ngày nay, Puerto Montt là thủ phủ của Lake District (Vùng Hồ), vùng đất có 24 hồ lớn nhỏ, nước hồ do băng hà tan chảy mà thành. Đến đây, khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục của Nam cực đã hiện rõ trước mắt mọi người.
Tọa lạc giữa Lake District có sáu ngọn núi lửa kỳ vĩ, trong đó đẹp nhất là ngọn Osorno và cao nhất là ngọn Villarica với độ cao gần 3.000 mét so với mực nước biển. Hai ngọn núi này tuyết phủ quanh năm. Màu trắng tinh khôi của tuyết cũng đặt dấu chấm kết thúc cho Pan America Highway, cung đường xuyên châu Mỹ lừng danh với độ dài khoảng 25 ngàn cây số.
Từng là thuộc địa của Đức, Puerto Montt như một thành phố nhỏ đậm phong cách Bavaria giữa thiên nhiên bao la, hoang sơ miền tận cùng Nam Mỹ. Những ngôi nhà thờ cổ bằng gỗ đỏ và dãy phố xinh xắn nổi bật giữa bầu trời thường xuyên âm u.
Từ hải cảng thơ mộng này, chúng tôi đi thêm chừng 50 cây số là đến với rừng quốc gia Alerce Andino. Qua khỏi cánh cổng giản dị, một vùng núi non hùng vĩ với những dải băng hà ngoạn mục đã hiện ra trước mắt. Quanh hồ Chapo nước trong xanh như ngọc, những cây Alerce, loại thông địa phương sống đến vài ngàn năm tuổi với màu gỗ đỏ thẫm ấm áp đứng sừng sững tạo nên khung cảnh thật ấn tượng.
Sau bữa tối no nê với hải sản tại một nhà hàng ngay gần cảng, hôm sau đoàn chúng tôi đến đảo Chiloe, nơi nổi tiếng với Trung tâm Văn hóa Thổ dân và khu rừng mưa. Do vị thế tách biệt với đất liền, đảo Chiloe lưu giữ được nhiều dấu ấn của thổ dân vùng này.
Trung tâm văn hóa tái hiện khá đầy đủ đời sống của thổ dân xưa, nhiều người thích thú với khu vườn thảo mộc rừng mưa, nơi có rất nhiều cây trái mà thổ dân dùng làm thức ăn hoặc thuốc chữa bệnh. Phong phú nhất rừng là các loại rêu và dương xỉ xanh mướt. Với khoảng gần 12.000 năm định cư, thổ dân Chiloe đã để lại cho hòn đảo nhiều truyền thuyết, thần thoại thú vị, làm cho thiên nhiên kỳ lạở đây càng thêm phần bí hiểm.
Miền duyên hải xa xôi
Đến Chiloe, tàu chúng tôi cũng bắt đầu tiếp cận vùng fjords đẹp nổi tiếng của miền cực Nam Chile (fjord là khoảng không gian giữa hai vách núi có băng hà tan chảy và bị nước biển tràn vào). Vùng duyên hải từ miền Trung Chile đến mũi Horn, điểm tận cùng của Nam Mỹ có vô số vịnh nhỏ và đảo nhỏ dày đặc.
Dọc theo bờ biển có rất nhiều những đường kênh hẹp đưa thuyền bè thông thương với Thái Bình Dương, tạo thành những hải cảng thiên nhiên an toàn mặc dầu chúng rất biệt lập, hẻo lánh. Lý do là ngày xưa khi băng hà tan chảy, nước biển ùa vào tạo thành một dải duyên hải bị cắt xẻ chi chít.
Nhìn trên bản đồ là vậy nhưng đi thuyền luồn lách qua các khe rạch trên biển băng tan mới thấy thiên nhiên thật là ảo diệu. Màu xanh của trời, độ trong vắt của nước, màu biếc của băng và những nét màu lam của đất liền đan xen vào nhau tạo nên khung cảnh đẹp đến siêu thực. Chúng tôi chợt thấy mình may mắn khi được thưởng thức khung cảnh lạ thường này. Du lịch Nam cực hiện nay bị Hiệp ước Quốc tế giới hạn và kiểm soát chặt chẽ.
Chỉ các tàu nhỏ và dùng nguyên liệu sạch mới được đi vào vùng fjords. Đi tàu nhỏ trong vùng biển cực Nam Chile không hề dễ chịu, có nhiều đêm trong đoàn không ai ngủ được vì tàu tròng trành quá mức. Tất cả đồ đạc đều phải để dưới sàn nếu không muốn thấy cảnh đồ vật bay tự do trong phòng. Tuy nhiên tất cả những chịu đựng đó đều xứng đáng vì fjords của Chile đẹp mê hồn và hoàn toàn nguyên sơ, khác với nhiều fjords ở Bắc Âu đã có người ở.
Phải nói thêm là tàu chúng tôi đi theo con đường mà các nhà thám hiểm Nam cực đầu tiên đã đi qua từ hơn năm trăm năm trước. Một trong những fjord gây ấn tượng nhất là Sea Channel, con đường Charles Darwin từng đi khảo sát thiên nhiên. Sea Channel uốn lượn giữa quần đảo Chronos, đi qua giữa Rừng quốc gia đảo Magdalena.
Thiên nhiên xanh tươi và xinh đẹp ở đây được Darwin nhắc đến rất nhiều trong sổ ghi chép của mình. Nhờ đó chúng tôi được biết chỉ hơn một thế kỷ trước, mật độ băng đá ở đây dày đặc hơn bây giờ rất nhiều. Tốc độ băng tan mấy chục năm nay đều ở mức báo động.
Chúng tôi mới chỉ đi được một phần tư hải trình, vậy mà mọi người đều thấy quá nhiều cảnh sắc không thể nào quên…