Từ nay đến cuối năm là “mùa lễ hội”, bởi Noel chưa hết thì Tết Dương lịch đã cận kề, sau đó đến ngay Tết Âm lịch. Ðây là dịp tốt để chúng ta vui chơi thỏa thích bên người thân và bè bạn. Nhưng cũng chính ở khoảng thời gian này, mỗi người nên quan tâm đúng mức tới sức khỏe của mình.
Lên kế hoạch cụ thể
Vào mùa lễ Tết, chúng ta dễ ăn uống thất thường, hoặc “linh đình” vượt quá nhu cầu thực của cơ thể, hoặc vui chơi thái quá dẫn đến… “quên” hoặc không hấp thu đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Việc lên kế hoạch chi tiết cho chế độ dinh dưỡng hàng ngày sẽ giúp bạn tránh được chuyện ăn uống thất thường, từ đó chủ động bảo vệ sức khỏe hiệu quả hơn. Sự đa dạng trong khẩu phần ăn hàng ngày phải được đặt lên hàng đầu, đồng thời không nên dùng quá nhiều bia rượu. Nên chủ động không để công việc cũng như các cuộc vui triền miên trong mùa giáp Tết làm xáo trộn giờ giấc ăn uống của gia đình. Cần nhất là mỗi ngày phải ăn đầy đủ ba bữa chính theo đúng giờ giấc.
Hạn chế ăn thịt, tăng cường ăn cá
Thông thường, chúng ta hay có thói quen ăn thịt nhiều hơn cá, nhất là trong “mùa lễ hội”. So với các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, cá là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, an toàn và có chất lượng hơn cả. Ðặc biệt, cá còn chứa rất nhiều axít béo omega-3, là loại axít béo duy nhất mà cơ thể không thể tự chuyển hóa được. Tăng cường omega-3 trong giai đoạn giáp Tết rất quan trọng, vì hoạt chất này sẽ góp phần giúp cơ thể “áp đảo” các chất độc khác từ các nguồn thực phẩm không an toàn bằng cách tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời giúp phòng tránh nhiều bệnh nguy hiểm như tim mạch, đột quỵ, ung thư… Ngoài ra, omega-3 còn có tác dụng bình ổn sự phấn kích thái quá của tinh thần trong các cuộc vui chơi dịp này.
Ðể đa dạng hóa khẩu phần ăn, bạn có thể thay cá tươi bằng các sản phẩm cá hộp hoặc đông lạnh, nhưng nhớ phải xem xét kỹ tỷ lệ muối (sodium) có trong chúng. Các nguồn thực phẩm khác như trứng gà, dầu hạt lanh, quả óc chó, hạt bí ngô, hạt hướng dương… cũng có thể cung cấp khá nhiều axít béo omega-3 cho cơ thể.
Thêm rau quả vào thực đơn
Hạn chế bánh ngọt, đạm và mỡ động vật, đồng thời tăng cường các loại rau quả trong giai đoạn này được xem là cần thiết hơn cả. Ít nhất, theo các nhà dinh dưỡng, trong một tuần, một người cần phải hấp thu trên 5 loại hoa quả và rau củ tươi khác nhau (mỗi ngày tối thiểu 2 lần) thì mới đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực của cơ thể về các khoáng chất vi lượng tự nhiên. Tốt nhất là bảo quản rau quả trong tủ lạnh vì điều kiện thời tiết bất thường bên ngoài có thể khiến chúng tiêu hao nhiều dưỡng chất, thậm chí gây “biến chứng” có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên ăn nhiều hoa quả trái mùa vì chúng có thể có chứa nhiều hóa chất kích thích hoặc do chế độ bảo quản không tốt.
Chúng ta nên tập trung vào bốn nhóm rau quả cơ bản sau: (1) Ðỏ hồng, gồm cà chua, dưa hấu, đu đủ, dâu, dền đỏ, sơ ri, lựu…; (2) Cam, vàng gồm bí, cà rốt, ngô, cam, quýt, khoai tây, dứa, lê…; (3) Xanh, trắng gồm bông cải xanh, bông cải trắng, rau diếp, mồng tơi, bắp cải, bầu, xu hào, đậu xanh, tiêu xanh, ngót, hành tây, rau dền, rau lang…; (4) Tím, đỏ đậm gồm cà tím, mận, nho, củ huyết, chùm ruột…
Không quên vận động
Dù bận rộn với công việc hay các cuộc vui trong mùa giáp Tết, bạn cũng không nên bỏ qua thói quen tập luyện mỗi ngày mà mình đã tạo thành nếp tốt. Chỉ cần lười vận động trong một hai tuần, chẳng những sức khỏe của bạn sẽ đi xuống rất nhanh, mà công sức tập luyện lâu nay cũng coi như “đổ sông đổ biển”. Hãy thu xếp thời gian biểu thật hợp lý, đảm bảo mỗi ngày phải tập đủ từ 15 đến 30 phút.