Giải Kim Mã là một trong những giải thưởng điện ảnh lớn nhất của làng điện ảnh Hoa ngữ nói chung và của Đài Loan nói riêng. Nhưng trong những năm gần đây, với sự “nổi dậy” đầy mạnh mẽ của điện ảnh Trung Quốc, điện ảnh Đài Loan cũng phần nào đã bị lấn át mạnh mẽ. Như giải điện ảnh Kim Mã năm nay, điện ảnh Trung Quốc đổ bộ đầy hùng hậu, khiến không ít người đùa rằng giải Kim Mã có vẻ như đã thành giải thưởng điện ảnh của phim Trung Quốc. Đi đầu đề cử là bộ phim Black Coal, Thin Ice với tám đề cử, kế đến là Blind Massage với bảy đề cử, The Golden Era và Coming Home cùng nhận năm đề cử. Ngoài ra, danh sách đề cử còn có rất nhiều tác phẩm đến từ Hongkong và Trung Quốc khác như Drug War của Đỗ Kỳ Phong, Red Amnesia của Vương Tiểu Soái, Dearest của Trần Khả Tân…
Blind Massage đạt giải thưởng cao nhất
Bộ phim Blind Massage của đạo diễn Lâu Diệp được cải biên từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của Trung Quốc. Bộ phim là câu chuyện về những người mù làm nghề massage tại một trung tâm chuyên về massage của những người mù. Bộ phim xoay quanh những hỉ nộ ái ố của họ, những câu chuyện tình yêu, những mặt sáng và tối trong cuộc sống vốn đã tối tăm của họ. Blind Massage từng nằm trong danh sách đề cử cho giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 64, và bộ phim cũng đã giành được giải Gấu Bạc cho Quay phim xuất sắc nhất.
Blind Massage có nhiều tuyến nhân vật, và đạo diễn Lâu Diệp đã sử dụng đến sáu người mù thật sự để tham gia vào dàn diễn viên chính của bộ phim. Đa phần họ là những người lần đầu tham gia đóng phim, nên đây được xem là bộ phim cực khổ nhất từ trước đến nay của Lâu Diệp, trước mỗi cảnh quay, đoàn phim đều phải mất gần hai tiếng đồng hồ để các diễn viên quen thuộc với không gian tại trường quay. Dù là những diễn viên nghiệp dư, nhưng họ đã thể hiện vai diễn của mình đầy chân thật, tác động mạnh cho người xem, và nữ diễn viên mù Trương Lỗi cũng đã giành được giải Diễn viên mới xuất sắc nhất.
Trần Kiến Bân lập kỷ lục mới
Trần Kiến Bân là một nghệ sĩ đa tài của điện ảnh Trung Quốc. Với vai Tào Tháo, anh từng được nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải truyền hình quốc tế Seoul. Năm nay, Trần Kiến Bân tự đạo diễn, tự viết kịch bản, tự diễn chính trong bộ phim điện ảnh mang tên A Fool. Câu chuyện kể về một người đàn ông vô tình gặp một kẻ ăn mày ở thôn, kẻ ăn mày đã theo ông về nhà. Người đàn ông buộc lòng phải đăng tin tìm người, không lâu sau có người đến nhận kẻ ăn mày. Nhưng sau đó, lại có người tự xưng là người nhà đến nói ông đã bán người ăn mày đi. Người đàn ông đành phải dùng mọi nỗ lực của mình để hóa giải hiểu lầm. A Fool còn có sự tham gia của nữ diễn viên Tưởng Cần Cần, đồng thời cũng là vợ của Trần Kiến Bân. Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tay do chính Trần Kiến Bân đạo diễn. Anh đã chứng tỏ được thực lực của mình với mọi người khi giành được giải Kim Mã cho hạng mục Đạo diễn mới xuất sắc nhất. Không những vậy, Trần Kiến Bân còn giành luôn giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Chưa dừng ở đó, Trần Kiến Bân còn ôm trọn luôn giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, với vai diễn trong bộ phim Paradise in Service của đạo diễn Đài Loan Nữu Thừa Trạch. Và Trần Kiến Bân đã tạo nên một kỷ lục mới tại giải Kim Mã, khi trở thành nghệ sĩ đầu tiên ôm trọn cả ba giải thưởng: Đạo diễn, Nam chính, Nam phụ tại cùng một kỳ của Kim Mã.
Đài Loan thay đổi “Luật điện ảnh” vì phim Trung Quốc
Ngày nay, có thể nói thị trường điện ảnh Trung Quốc là một mỏ vàng to lớn đang được các nhà làm phim không ngừng tấn công, thậm chí nó còn thu hút mạnh mẽ giới làm phim của Hollywood đến Trung Quốc liên tục quảng bá cho phim của mình. Trong khi đó, thị trường điện ảnh Đài Loan thì ngày càng có dấu hiệu đi xuống, không gian sáng tạo đang dần bị thu nhỏ lại, cho nên luật điện ảnh của Đài Loan gần đây được quyết định thay đổi.
Trước đây, Đài Loan đối với các tác phẩm điện ảnh của Trung Quốc có một sự hạn chế nhất định về số lượng khi muốn trình chiếu tại khu vực này. Trước đây, các nhà phát hành phải nộp đơn theo thứ tự, ai đến trước được trước, khi đến con số nhất định thì sẽ ngưng, cho nên thường có trường hợp các nhà phát hành không quản ngày đêm xếp hàng để có được số thứ tự. Đến năm 2013, hình thức được chuyển qua thành bốc thăm, nhưng hình thức này cũng gây nên những sự bất tiện nhất định như những bộ phim hay, xuất sắc thì không được bốc trúng, những bộ phim không đủ thu hút, số lượng vé bán ế ẩm lại được trình chiếu. Cho nên hiện nay Đài Loan đã thay đổi quy định mới, những bộ phim điện ảnh nào của Trung Quốc được nhận giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes, Liên hoan phim Venice, Liên hoan phim Berlin, giải Oscar, hay đạt các giải thưởng Phim truyện xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và các giải thưởng lớn khác tại lễ trao giải Kim Mã đều được xin phép trình chiếu tại Đài Loan, không bị hạn chế số lượng như trước.
Kết quả giải Kim Mã lần thứ 51
Phim truyện xuất sắc nhất: Blind Massage
Đạo diễn xuất sắc nhất: Hứa An Hoa (The Golden Era)
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Trần Kiến Bân (A Fool)
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Trần Tương Kỳ (Exit)
Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Trần Kiến Bân (Paradise in Service)
Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Vạn Thiến (Paradise in Service)
Đạo diễn mới xuất sắc nhất: Trần Kiến Bân (A Fool)
Diễn viên mới xuất sắc nhất: Trương Lỗi (Blind Massage)
Kịch bản gốc xuất sắc nhất: Dịch Trí Ngôn (Meeting Dr. Sun)
Kịch bản cải biên xuất sắc nhất: Mã Anh Lực (Blind Massage)
Quay phim xuất sắc nhất: Tăng Kiếm (Blind Massage)
Dựng phim xuất sắc nhất: Tôn Kình Lôi, Chu Lâm (Blind Massage)
Âm nhạc xuất sắc nhất: Phúc Khang (Blind Massage)
Phục trang xuất sắc nhất: Lương Đình Đình (Brotherhood of Blades)
Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất: Lưu Cường (Black Coal, Thin Ice)
Chỉ đạo võ thuật xuất sắc nhất: Huỳnh Vĩ Lượng (As The Light Goes Out)
Kỹ xảo xuất sắc nhất: Đường Gia Vĩ, La Vĩ Hào, Lương Triển Phong (The Midnight After)
Phim ngắn xuất sắc nhất: The Hammer and Sickle are Sleeping
Nghệ sĩ Đài Loan xuất sắc nhất năm: Huỳnh Chí Minh
Thành tựu trọn đời: Điền Phong
Thanh Vân (DNSGCT)