Tác hại của môi trường ô nhiễm, bụi bẩn, nước thải xung quanh, đến những hóa chất độc hại trong thực phẩm, là những nguyên nhân khiến cho cơ thể chúng ta nhiễm độc từ ngoài vào trong.
Một ngày nào đó, bỗng nhiên cảm nhận được trên cơ thể có những chuyển biến khác thường như mệt mỏi không rõ nguyên nhân, da nổi nhiều đốm đen hơn, đau nhức thường xuyên hơn, các rối loạn ở đường tiêu hóa, hoặc không kiểm soát được cân nặng, khi đó các chuyên gia sức khỏe cảnh báo chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp để thải độc cho cơ thể.
Theo hệ thống y học Ayurvedic và Trung Quốc – đều quan niệm thỉnh thoảng hãy cho cơ thể được nghỉ ngơi, làm sạch và tẩy độc.
Bằng cách loại bỏ độc tố và tăng cường tiêu thụ các thực phẩm lành mạnh, giúp cơ thể tránh khỏi bệnh tật và duy trì sức khỏe tối ưu.
Theo quan niệm y học cổ truyền, giải độc có nghĩa là làm sạch máu. Điều này được thực hiện bằng cách loại bỏ các tạp chất từ máu qua gan, thận, ruột, phổi, bạch huyết và da.
Một số quan niệm cho rằng thỉnh thoảng nên ăn chay để loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, điều này chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Tiến sĩ Bennett cho rằng mọi người nên giải độc ít nhất một lần một năm.
Tuy nhiên, Bennett cảnh báo việc giải độc cho các đối tượng như các bà mẹ đang cho con bú, trẻ em và các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, bệnh thoái hóa, bệnh ung thư hoặc bệnh lao cần tham khảo ý kiến bác sĩ chăm sóc sức khỏe để thực hiện sao cho đúng phương pháp.
Theo các chuyên gia, muốn thải độc bên trong cơ thể có hiệu quả nhất trước tiên cần chấm dứt việc đưa các chất độc vào cơ thể như loại bỏ rượu, cà phê, thuốc lá, đường tinh chế và chất béo bão hòa.
Ngoài ra, cần hạn chế tối đa việc sử dụng các chất tẩy rửa hóa học dùng trong gia đình và các loại mỹ phẩm cá nhân (dầu gội đầu, lăn khử mùi và kem đánh răng…), đồng thời nên tăng cường Yoga, khí công và thiền định là những cách đơn giản và hiệu quả để giải tỏa căng thẳng tinh thần.
Ăn gì để giúp thải độc?
Các kết quả nghiên cứu cho thấy một số thực phẩm ưu tiên nên có sẵn trong tủ lạnh của mỗi hộ gia đình không những giúp thải độc cơ thể mà còn là những chất chống oxy hóa tối đa bảo vệ sức khỏe. 10 loại ưu tiên gồm có:
1. Cải xoong, điểm tâm sáng bằng một lát bánh mì hoặc một chén mì sợi nhưng đừng quên thêm vào đó khoảng 100g cải xoong, là một cách để loại gốc tự do gây hại cho tế bào và cũng là phương thuốc tự nhiên giúp tăng cường hoạt động của các enzyme trong gan giúp tăng cường thải độc cho gan.
2. Chanh tươi, uống nước chanh, chanh là một nguồn tuyệt vời của vitamin C, tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường chống oxy hóa và quá trình giải độc cơ thể đồng thời giúp đốt cháy chất béo. Tiến sĩ Frank Lipman khuyến cáo nên uống nước chanh vào mỗi buổi sáng khi chưa ăn sáng là một cách để làm mạnh bộ máy tiêu hóa. ½ quả chanh pha loãng trong 200ml nước và 1 thìa mật ong là tốt nhất.
3. Rau xanh đậm, nên bổ sung chúng vào chế độ ăn uống mỗi ngày bằng nhiều cách, ăn sống, trụng chín, nấu canh hoặc làm dạng salad với ít dầu oliu, màu xanh đậm của rau làm tăng nồng độ diệp lục hấp thu trong đường tiêu hóa, giúp cơ thể thoát khỏi các độc tố môi trường như khói bụi và các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Thay đổi mỗi ngày bằng các loại rau cải xanh sao cho hợp khẩu vị là tốt.
4. Trái cây tươi, ăn nhiều hoa quả tươi tốt vì chúng chứa đầy đủ các vitamin, chất chống oxy hóa, chất xơ, và hơn thế nữa trái cây là một chế độ ăn uống lành mạnh.
5. Bắp cải, loại trắng hay tím đều có tác dụng làm sạch cho gan, món rau trộn bắp cải, táo và quả óc chó là một món ăn tuyệt vời và bổ ích cho cơ thể.
6. Atisô, nhiều nghiên cứu cho thấy atisô thúc đẩy gan khỏe mạnh, giúp phục hồi các tế bào gan bị hư tổn và kích thích dòng chảy của mật. Atisô chứa nhiều hoạt chất cynarin, giúp ăn uống ngon miệng, ngăn ngừa chứng khó tiêu và giúp bộ máy tiêu hóa khỏe mạnh. Từ thời xa xưa, Atisô đã được chứng minh là một loại thực phẩm bảo vệ gan mật hữu hiệu nhất từ thiên nhiên. Mỗi tuần ăn một bông atisô nấu canh thịt là tốt nhất.
7. Củ dền, chất xơ trong loại củ này giúp tăng sản sinh các enzym chống oxy hóa trong gan, giúp gan và túi mật hoạt động hiệu quả tăng cường thải độc.
8. Gừng và tỏi, đây là 2 loại gia vị không thể thiếu trong bếp ăn của mọi nhà. Chúng rất tốt cho gan vì chúng giúp tiêu diệt các gốc tự do trong cơ thể mà còn chữa được nhiều bệnh. Để tốt cho sức khỏe nên thêm vài lát tỏi trong các món ăn hàng ngày. Có thể chế biến dạng cháo như sau:
- Cháo tỏi: lấy tỏi tía 5 tép, nấu trong nước cho nhừ, sau đó cho gạo tẻ vào nấu chung đến thật nhừ, ăn sẽ giúp ấm tỳ vị, chữa đầy bụng, ăn không tiêu, kiết lỵ, làm hạ huyết áp, giảm cholesterol trong máu.
- Cháo gừng: gừng tươi 50g, đại táo 10 quả, gạo tẻ nấu chung, ăn vào giúp chữa đầy hơi, sình bụng, khó tiêu do ăn quá nhiều thịt mỡ, chữa tiêu chảy, nôn mửa.
9. Trà xanh, trong trà xanh chứa rất nhiều chất chống oxy hóa đặc biệt còn có catechin – một flavonoid – có tác động mạnh trên gan và giúp gia tăng sản xuất các enzym giải độc. Uống trà xanh pha loãng mỗi ngày là một biện pháp giải độc cơ thể tốt nhất.
10. Ngũ cốc nguyên hạt, nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt, các chất xơ giúp tăng cường giải độc nhất là giúp loại bỏ độc tố và chất béo dư thừa trong cơ thể cũng như trong đường tiêu hóa, phòng tránh táo bón và ung thư ruột kết. Hạt lanh, hạt bí ngô, hạnh nhân, óc chó, hạt vừng, hạt chia và hạt hướng dương là những lựa chọn tuyệt vời. Trong khi thải độc, tránh các loại dầu mỡ bơ nên bổ sung acid béo omega-3 trong dầu ô liu hoặc dầu hạt lanh vừa giúp bôi trơn thành ruột, vừa loại bỏ độc tố nhanh hơn.
Ngoài việc tăng cường sử dụng các loại thực phẩm như trên, các chuyên gia còn khuyên chúng ta mỗi ngày nên:
– Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
– Tăng cường tập thể dục, hít thở sâu để cho phép oxy lưu thông hoàn toàn hơn thông qua hệ thống hô hấp.
– Tránh căng thẳng tinh thần mà nên sống thoải mái và tích cực.
– Thỉnh thoảng tắm hơi khô để loại bỏ độc tố qua đường mồ hôi.
– Tham gia các lớp khí công, Yoga, thiền định, các bài tập thể dục võ thuật nhẹ nhàng, hoặc tham gia nhảy roping mỗi ngày 1 giờ là tốt.