Gần bốn năm qua, ngôi nhà của già làng Bloong Vẻ ở thôn Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) được nhiều người biết đến như một địa điểm “du lịch văn hóa bản địa”, bởi ông đã xây dựng tại tư gia một bảo tàng mini – trưng bày nhiều vật dụng, nhạc cụ, sản phẩm chế tác đặc trưng của người dân tộc Giẻ Triêng để phục vụ du khách.
Mỗi khi có khách đến tham quan, ông kiêm luôn công việc làm hướng dẫn viên, nhiệt tình giới thiệu về văn hóa của người Giẻ Triêng. Nếu khách có yêu cầu, ông đảm nhiệm cả việc làm… nhạc trưởng khi cùng hơn 20 nghệ nhân, người già ở làng biểu diễn các tiết mục múa, hát sử thi, đánh cồng chiêng, tổ chức lễ hội dân gian cho khách thưởng thức.
Niềm say mê văn hóa dân tộc
Từ nhỏ, Bloong là một cậu bé hiếu động, và có lẽ do thừa hưởng năng khiếu từ cha – người có máu nghệ thuật, biết hát dân ca và chế tác các loại nhạc cụ dân tộc Giẻ Triêng nên Bloong rất yêu âm nhạc, sớm bộc lộ năng khiếu thổi sáo, chơi đàn T’rưng và các nhạc cụ dân tộc khác. Sau những buổi đi học, Bloong được cha cho theo lên rừng săn thú, xuống suối bắt cá, lội ruộng trồng lúa… cũng là thời gian cậu được cha hun đúc, truyền dạy tình yêu âm nhạc dân tộc mình.
Vào các dịp lễ, tết của dân tộc, sân nhà của cha mẹ cậu luôn là điểm được các đội ca múa, biểu diễn cồng chiêng tập dượt; còn các chị, các bà cũng tạm nghỉ việc đồng áng để dệt những chiếc váy hoa, áo choàng, làm vòng đeo tay, đeo cổ… dành tặng người thân thay lời chúc may mắn. Những lúc như thế, cậu bé Bloong thích thú xem và tự “học lóm” theo, thấy cậu yêu thích và có khả năng, người lớn đã chỉ dạy cho cậu.
Bloong học rất nhanh, nào là lời bài hát dân gian, rồi cách chế tác các vật dụng, nhạc cụ dân tộc… Già Bloong nhớ lại: “Chỉ cần xem và được người lớn hướng dẫn qua vài lần, tôi đã biết làm cây sáo dài gần ba gang tay con nít, hay làm chiếc đàn T’rưng cao 1m và thuộc lời nhiều câu chuyện kể khan, bài hát dân gian đến tận hôm nay”.
Đến tuổi thanh niên, Bloong trở thành chàng trai khỏe mạnh, không chỉ gắn bó với đại ngàn như máu thịt, tâm hồn Bloong còn thấm cả văn hóa làng Đăk Răng và anh được xem như trụ cột trong các hoạt động văn hóa, lễ hội của buôn làng. Sinh năm 1945, lớn lên khi đất nước chiến tranh, Bloong Vẻ tham gia bộ đội tại chỗ. Những lúc dừng chân khi đi tuần hay bất cứ lúc nào được nghỉ, ông đều tranh thủ ghi chép lại những bài thơ, bài hát dân gian được nghe; tự làm các nhạc cụ bằng tre nứa rồi tìm chỗ cất giấu trong rừng.
Sau 1975, Bloong Vẻ tiếp tục học văn hóa, học sơ cấp y sĩ và công tác ở xã Đăk Dục. Có thời gian, ông quay lại rừng tìm các loại nhạc cụ cất giấu trước kia mang về nhà, sau đó tiếp tục mày mò làm thêm nhiều vật dụng truyền thống của người Giẻ Triêng như gùi (có rất nhiều loại khác nhau), rổ rá bằng tre nứa, đến các loại vòng đeo tay, đeo cổ bằng đồng, quần áo dân tộc làm từ vỏ cây, lá rừng…
Làm ra cái nào ông đều treo lên các vách nhà một cách trang trọng, trong đó có những vật đã dần mai một trong sinh hoạt hiện nay. Không bao lâu sau, nhà Bloong chẳng khác nào “Phòng trưng bày hiện vật văn hóa của dân tộc Giẻ Triêng”. Bà con trong làng rất thích đến nhà của Bloong Vẻ để được sống trong một phần không gian văn hóa dân tộc mình và cứ truyền tai nhau về “Bảo tàng của già Bloong”.
Mỗi khi làng tổ chức lớp học sử dụng, chế tác nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu niên ở các làng dân tộc thiểu số, già Bloong Vẻ đều được mời đến dạy. Cứ thế, ở đâu có người cần tìm hiểu văn hóa dân tộc mình là già Bloong Vẻ đều nhiệt tình giúp đỡ. Có nhiều đoàn nghiên cứu văn hóa dân gian, dân tộc cũng đã tìm đến nhờ ông giới thiệu, hướng dẫn tìm hiểu về các lễ hội, điệu nhạc, điệu múa, nhạc cụ dân tộc.
Với những đóng góp hữu ích của già Bloong Vẻ, năm 2009, ông được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Tuy vậy, ông vẫn thích mọi người gọi ông bằng cái tên mộc mạc Bloong Vẻ như trước đây. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch năm 2013 cũng đã tặng ông kỷ niệm chương vì những hoạt động đóng góp cho ngành.
Làm du lịch ở làng để “giữ lửa” văn hóa dân tộc
Gần 30 năm chế tác, sưu tầm và trưng bày nhiều đồ vật dân gian dân tộc tại nhà, già Bloong Vẻ được nhiều người biết đến, không chỉ người trong làng mà ở các xã, huyện, trong và ngoài tỉnh cũng đã nhiều lần đến tham quan. Ông xem đó như một phần trách nhiệm của mình, và sẽ còn làm cho đến khi nào không còn làm được nữa mới thôi.
Năm 2011, huyện Ngọc Hồi có chủ trương quảng bá các điểm du lịch văn hóa trên địa bàn, biết già Bloong Vẻ rất có tâm huyết với văn hóa dân tộc Giẻ Triêng đã động viên gia đình nên cố gắng duy trì hoạt động này. Điều này rất hợp ý với già Bloong nên ông đồng ý và tiến hành làm. Gần bốn năm qua, nhà của già Bloong Vẻ đã đón tiếp hơn 60 đoàn khách du lịch là người nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa và mua các vật dụng do ông chế tác làm kỷ niệm. Ai cũng ngạc nhiên thích thú và cả khâm phục tâm huyết giữ gìn văn hóa làng của già Bloong. Không qua trường lớp nào, ông làm du lịch bằng cái tâm của mình theo kiểu “mọi người đều thấy vui và bổ ích là được”.
Mỗi khi có khách đến, ông vui vẻ giới thiệu từng nhạc cụ có tên gọi theo tiếng dân tộc Giẻ Triêng. Nào là đàn pinboi, binlon, on eng ọt, t’roan, sáo talun, sáo cha kẹt… và giải thích, biểu diễn những điệu nhạc bằng nhạc cụ dân tộc. Chẳng hạn, cha kẹt là một loại nhạc cụ được làm bằng sừng trâu, hình dáng giống như tù và. Lúc thổi, người sử dụng như hóa thân vào vị thủ lĩnh oai hùng có sức mạnh vô biên trấn giữ cho làng bình an. Nhìn ông say sưa trong điệu nhạc với âm thanh biến đổi, khi trầm bổng, du dương, rộn ràng như một nghệ sĩ thực thụ mới biết tình yêu ông dành cho văn hóa, âm nhạc dân tộc là vô cùng.
Khách người nước ngoài khi xem già Bloong Vẻ biểu diễn, nhiều người rất thích chiếc đàn T’roan – loại đàn này được làm từ một sợi dây mây rừng, thân tre thân lồ ô. Già Bloong cho biết, đây là nhạc cụ được bà con tự chế và đặt ở nương rẫy để xua chim chóc xuống ăn lúa. Nhạc cụ này phát ra âm thanh là nhờ sức gió đẩy các thanh tre, lồ ô va vào nhau tạo ra tiếng nhạc. Đàn T’roan có nhiều kích thước, dài bao nhiêu tùy ý thích mỗi người, nếu đàn được làm càng dài, chứng tỏ ruộng rẫy của gia chủ rộng lớn, cần âm thanh phát vang xa.
Nhờ già Bloong Vẻ khuyến khích, nhiều người già ở làng Đăk Răng có đôi tay khéo léo hướng dẫn con cháu trong làng đánh cồng chiêng, múa xoang, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc và thành lập các đội văn nghệ biểu biễn cho du khách thưởng thức. Việc này vừa giúp thế hệ trẻ “giữ lửa” trong giữ gìn và bảo vệ nét đẹp của văn hóa dân tộc, vừa góp phần tăng thu nhập vào mùa nông nhàn cho nhiều hộ gia đình.