Bạn đã nghe tiếng cá voi lưng gù hát bao giờ chưa? Cứ vào tháng 7-9, hàng ngàn con vật to lớn, cơ thể nặng cả 30-36 tấn này lại rời Nam cực, hướng đến bờ biển của bán đảo Masoala (Madagascar), vùng đất nổi danh là rừng mưa nhiệt đới siêu tốt tươi giữa biển Đông Phi. Tại đây, chúng tán tỉnh và yêu đương nhau trước khi tiếp tục rong ruổi đến biển Bắc cực.
Khoảng 160 triệu năm về trước, vùng đất mà bây giờ là quốc đảo Madagascar bất ngờ bị nứt vỡ khỏi châu Phi, trôi dạt ra biển. Giữa mênh mông sóng nước, nó hoàn toàn biệt lập, tự tiến hóa theo một con đường khác.
Thế giới đặc hữu nhất hành tinh
Với tổng diện tích vào khoảng 592.800km2, Madagascar là quốc gia rộng lớn xếp thứ 47 trên toàn cầu và là quốc đảo lớn nhất xếp thứ 4. Vì bị tách ra từ Lục địa Đen nên dọc bờ đông của nó vẫn còn những vách núi dựng đứng, cao từ 750-1.500m. Cô lập một mình giữa biển lớn, Madagascar phát triển một hệ sinh thái riêng. Có đến khoảng 90% động thực vật của nó là đặc hữu. Chỉ riêng hệ thống thực vật thôi đã đếm được 14.883 loài, mà 80% không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên trái đất.
Tuy nhiên cũng như phần lớn Châu Phi phải trải qua khoảng thời gian thuộc địa lâu dài, hệ sinh thái của Madagascar phải gánh chịu thảm họa khai thác quá mức thảm khốc. Tính đến nay, 90% rừng nguyên sinh của nó đã biến mất. Nhiều loài hoang dã bị đẩy vào tuyệt chủng, giờ chỉ còn lưu lại hình dáng trong những phác họa cũ nát sơ sài.
Masoala là bán đảo nằm trên bờ biển phía Đông Bắc của Madagascar. Điều kỳ diệu là dù trải qua 2.500 bị tác động bởi con người, trong đó có 77 năm Pháp thuộc, vùng đất này vẫn nguyên sơ như thuở ban đầu. Và dẫu nằm trong quốc đảo khô nóng quanh năm, nó lại được ban tặng lượng mưa ấn tượng, đến nỗi thoải mái phát triển rừng mưa nhiệt đới, trở thành khu vực sở hữu nền tảng sinh thái đa dạng nhất.
Bắt đầu từ năm 1997, 2.300km2 mặt đất và 100km2 mặt biển của Masoala được Chính phủ Madagascar đưa vào diện bảo tồn. Những rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn, đầm lầy, rạn san hô tha hồ tự do phát triển. Từ xa, Masoala đón chào người tham quan bằng bờ biển cát vàng trải dài ngút ngát. Vừa bước hết bề rộng ngắn ngủn của bãi cát là chạm đồi núi xanh rì, rậm rạp, đối mặt với thế giới tự nhiên hoang dã đặc hữu tới 90%. Có thể nói rằng hầu hết những gì bạn thấy ở Masoala đều có một không hai. Khỉ Aye-aye (Daubentonia) mở to cặp mắt tròn xoe, lớn đến chiếm gần hết khuôn mặt. Chim Euryceros prevostii tự tin khoe cái mỏ mào xanh biếc, to nặng hơn đầu. Tắc kè đủ loại kiểu dáng, kích thước lấp ló sau những tán cây, con cố giấu mình trong không gian xanh ngắt, con lại phơi mặt ra giữa trời, trưng bày bộ da lòe loẹt nhất. Cũng tại Masoala, bạn còn được chứng kiến loài bướm đêm rực rỡ nhất hành tinh Chrysiridia rhipheus. Thay vì bộ cánh điềm đạm, tối tăm như hầu hết các nhà côn trùng kiếm ăn đêm, Chrysiridia rhipheus lại cực kỳ lộng lẫy với sắc màu phát quang trên cặp cánh.
Rồi thì cú đỏ, ếch cà chua, diều ăn rắn… thế giới động vật Masoala vô tư phô bày các chủng loại với vô vàn kiểu dáng lạ. Ngay cả quý hiếm, hết sức khó tìm như vượn cáo cổ khoang đỏ (Varecia rubra) cũng chẳng đến nỗi khó gặp một khi đã ghé qua.
Hệ thống thực vật của Masoala không hề kém cạnh. Nhờ nhận một lượng mưa nóng (do khí hậu mùa mưa ngột ngạt hơn mùa khô) khổng lồ kéo dài suốt từ tháng 11-4, chúng sinh trưởng ào ạt, chiếm lĩnh mọi khoảng trống. Đến các tảng đá cũng mọc rêu xanh rì. Đặc biệt, Masoala cực kỳ giàu có hoa phong lan. Trên những cành gỗ hồng cao chót vót như với tận trời xanh cũng như những tán cây Dracaena draco xòa rộng tựa ôm trọn mặt đất, chúng đua nhau đeo bám, bung hoa bát ngát, lan hương thơm ngọt ngào.
Có điều, loài lan thực sự là sinh kế của người Madagascar không thuộc dòng bản địa mà là “hàng ngoại nhập” từ Mexico: phong lan Vanilla. Chúng được trồng bát ngát ngoài bìa rừng, mang về vốn sống cho khoảng 80.000 cư dân. Vất vả một nỗi là hoa lan Vanilla có cấu trúc cực kỳ khó thụ phấn. Ở quê nhà Mexico của nó cũng chỉ có duy nhất một loại ong đã tiến hóa để thích nghi cộng sinh. Còn ở Madagascar, người trồng phải tự tay đi thụ phấn cho từng bông một.
Vùng biển giao phối của cá voi lưng gù
Mỗi năm một lần, ngoài khơi Masoala lại rộn ràng giai điệu. Nó không phải là tiếng hát từ con người mà từ hàng ngàn con cá voi lưng gù. Nếu muốn thưởng thức bài ca tự nhiên từ loài sinh vật lớn to lớn này, bạn hãy ghé bán đảo vào khoảng Tháng 7-9.
Cá voi lưng gù có tên khoa học là Megaptera Novaeangliae. Chúng là một loài cá lớn, có thể dài từ 12-16m và nặng từ 30-36 tấn. Mùa hè, cá voi lưng gù chủ yếu kiếm ăn quanh quẩn biển vùng cực. Tuy nhiên khi đông sang, chúng bắt đầu di chuyển đến các vùng biển nhiệt đới ấm hơn để tránh rét. Masoala là một trong những địa điểm “đến hẹn lại lên” của loài cá này.
Ấn tượng là dù nặng tới vài chục tấn, nhưng cá voi lưng gù rất thích nhào lộn. Bất chấp lực cản của nước và lực hút trái đất, chúng phóng lên khỏi mặt biển rồi lao xuống, tạo nên những đợt chấn động đánh dạt cả thuyền lớn. Song thi vị hơn hết vẫn là tiếng hát tán tỉnh “phái đẹp” của các anh chàng khổng lồ. Cá voi lưng gù cái “chọn chồng” dựa theo tiêu chí “kỹ năng ca hát”. Thế nên mọi con cá voi lưng gù đực đều nỗ lực cất tiếng ca để chinh phục các “nàng”.
Bài hát của cá voi lưng gù đực chỉ kéo dài từ 10-20 phút, song chúng thường “tua đi tua lại” nhiều lần, có lúc liên miên đến suốt 24 tiếng. Chỉ cần tới Masoala đúng thời điểm thì dù bạn có muốn hay không cũng vẫn nghe thấy âm điệu tán tỉnh “bạn gái” của các “ca ngư” này. Sau 11 tháng rưỡi mang thai, cá voi lưng gù cái sẽ cho chào đời một cá voi lưng gù con. Thường thì lúc này, chúng đã đang rong chơi ở biển Bắc cực hoặc Nam cực. Nếu là ở Bắc cực, mùa sinh sản rơi vào khoảng tháng 1-2 hàng năm, còn ở Nam vực thì vào tháng 7- tháng 8.
Kỳ thực, cá voi lưng gù cái cũng thích phát ra âm thanh, nhưng nó chỉ có thể tạo ra tiếng kêu chứ không ngân nga kiểu tấu khúc như con đực.
Góc của tổ tiên
Phần lớn cư Madagascar đều là người Malagasy. Khoảng 2.500 năm về trước, tổ tiên của họ đã từ châu Phi vượt biển, trèo lên hòn đảo rộng lớn giữa khơi xa này, bắt đầu sinh cư lập nghiệp. Theo tín ngưỡng của người Malagasy thì Đông Bắc chính là phía của người đã khuất. Mọi ngôi nhà của họ đều để dành góc Đông Bắc để tưởng niệm thân nhân đã từ trần. Không rõ do vô tình hay hữu ý mà Masoala, bán đảo nằm ở phía đông bắc của Madagascar lại được chọn làm vườn quốc gia, song rõ ràng là nó có góp phần gợi nhắc phong tục này của người Malagasy.
Tuy bạn chỉ được chọn thuyền để khám phá Masoala nhưng đổi lại, có thể du ngoạm bằng đủ các kiểu thuyền, từ tàu động cơ cho đến thuyền chèo tay kayak. Từ Masoala nhìn theo hướng Đông Bắc, bạn sẽ thấy hòn đảo nhỏ mang tên Ile St Marie. Thuê thuyền ghé đảo và đăng ký mượn một chiếc xe đạp, thong dong dạo về phía đông bắc, trước mắt bạn sẽ là nghĩa địa cướp biển đổ nát, kinh dị nhất quả đất, cực thích hợp cho những ai muốn tìm cảm giác mạnh. Vì nằm gần tuyến đường biển thương mại Đông Ấn nên Ile St Marie từng là chỗ tạm dừng chân của hết toán cướp biển này đến bè lũ hải tặc khác. Tất nhiên, nó cũng thành nơi chôn thây cho những kẻ xui xẻo thiệt mạng.
Đi ngang qua nghĩa địa rùng rợn, tiếp tục đi về phía Đông Bắc, những ngôi làng thanh bình sẽ hiện ra. Ở chốn xa xôi, hẻo lánh này, chúng nên thơ không khác nào những phác họa làng quê yên ả.
Từ nội địa Masoala nếu cứ hướng đông bắc mà tiến, bạn sẽ xuyên qua cánh rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn tốt tươi, cuối cùng tới bãi biển đẹp mơ màng. Những tán dừa đổ rạp, chạm đầu lá cả xuống mặt nước nhưng không để thân chấm đất điểm thêm nét hoang sơ nghệ thuật. Được con người bảo vệ, cây cỏ đua chen, tràn thác màu xanh lấn cát vàng. Đã lên thuyền rời khỏi rồi mà vẫn cảm giác như những làn sóng lục diệp trùng trùng điệp điệp ấy vẫn đang nô nức đuổi theo chân.