Bạn là tín đồ cuồng nhiệt của chiếc gậy và những hố banh, bạn luôn tự hào về khả năng vung gậy tuyệt vời của mình nhưng chiến hữu của bạn lại là fan trung thành của trái bóng tròn, anh ấy cũng là một chân sút nghiệp dư nổi bật trên sân cỏ. Làm thế nào để vừa gặp bạn bè vừa không bỏ lỡ cơ hội chơi môn thể thao mình ưa thích?Làm sao để cùng nhau có những trận cầu sôi nổi vào cuối tuần?Có bao giờ bạn tự hỏi rằng liệu mình có thể chơi hai môn thể thao này cùng lúc? Rất nhiều người đã đặt câu hỏi này và đã tìm ra câu trả lời: đó chính là FootGolf.
Logo của Liên đoàn FootGolf quốc tế (FIFG)
FootGolf là sự kết hợp tuyệt vời giữa golf và bóng đá. Với nhiều đặc điểm mới lạ, hấp dẫn, FootGolf ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Trong khi golf nổi tiếng với hệ thống luật chơi nghiêm ngặt thì luật chơi của môn thể thao kết hợp này khá đơn giản, gần giống golf nhưng cách chơi lại dựa trên những kỹ thuật của bóng đá. Thay vì phải dùng gậy để đánh bóng vào lỗ, người chơi FootGolf phải dùng chân hoặc các bộ phận khác của cơ thể (trừ tay) để đưa quả bóng với kích thước tương đương quả bóng của môn bóng đá lọt vào lỗ cờ có đường kính 53,5cm. Sân thi đấu FootGolf gồm hai loại là chín lỗ và 18 lỗ mục tiêu với đầy đủ các chướng ngại vật và địa hình khác nhau như sân golf. Người giành chiến thắng trong một giải đấu sẽ là người hoàn thành nhiều lỗ mục tiêu nhất và có số lần chạm bóng ít nhất.Trong trường hợp bất phân thắng bại, số lỗ mục tiêu có thể sẽ được tăng lên tùy vào tình hình cụ thể của giải đấu. Do đó, để giành chiến thắng, bạn không chỉ có khả năng điều khiển trái bóng như một cầu thủ mà còn cần một sự am hiểu nhất định về địa hình của sân golf và có một chiến thuật thi đấu như một golf thủ chuyên nghiệp. Kỹ năng điều khiển trái bóng, am hiểu địa hình, chiến thuật thông minh và lòng tự tin chính là bí quyết để chinh phục FootGolf.
Không ai biết FootGolf xuất hiện ở đâu và vào khoảng thời gian nào, nhưng Hà Lan là quốc gia đầu tiên phát triển FootGolf như một môn thể thao chính thức với tính chuyên nghiệp cao. Năm 2009, giải đấu FootGolf chuyên nghiệp lần đầu tiên được tổ chức ở xứ sở hoa tulip, đánh dấu bước tiến quan trọng của FootGolf từ một trào lưu mới nổi trở thành môn thể thao mới đầy hấp dẫn. Chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện, FootGolf đã nhanh chóng lan rộng và phát triển ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, đặc biệt là châu Âu và Mỹ Latinh.
Năm 2009 đánh dấu sự thành công của FootGolf khi Hiệp hội FootGolf quốc tế (IFGA) được thành lập. Năm 2012, Liên đoàn FootGolf quốc tế – FIFG (Federation for International FootGolf) ra đời, thể hiện sự trưởng thành của bộ môn thể thao non trẻ này. Từ tám quốc gia thành viên ban đầu, đến nay FIFG lớn mạnh với 22 quốc gia thành viên gồm: Argentina, Úc, Bỉ, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Đức, Hungary, Ý, Mexico, Hà Lan, Na Uy, Panama, Puerto Rico, Bồ Đào Nha, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.
Vào tháng 6-2012, World Cup FootGolf lần đầu tiên được tổ chức với sự háo hức của các tay chơi FootGolf chuyên nghiệp cũng như fan hâm mộ. Giải diễn ra trên sân Kisoroszi Golf Course (Budapest, Hungary) theo thể thức hai vòng 18 đường với sự góp mặt của 77 vận động viên đến từ các quốc gia Hungary, Bỉ, Mỹ, Argentina, Ý, Mexico, Hy Lạp và Hà Lan. Sau hai ngày thi đấu, chiến thắng chung cuộc thuộc về tay chơi nước chủ nhà Béla Lengyel sau khi anh hoàn thành 18 lỗ mục tiêu chỉ với 187 lần chạm bóng. Hạng hai và ba lần lượt thuộc về Péter Németh và Csaba Fehér.
Mặc dù một số golf thủ cho rằng FootGolf đã đánh mất đi tính truyền thống của golf, còn một số cầu thủ bóng đá lại xem FootGolf như là một trò trẻ con, nhưng không thể phủ nhận môn thể thao kép này ngày càng thu hút đông đảo fan và người tham gia, trong đó có nhiều người vốn từng là cầu thủ hay golf thủ chuyên nghiệp. Những bước tiến đáng kể trong những năm qua hứa hẹn khả năng FootGolf sẽ trở thành một môn thể thao phổ biến trên thế giới như những gì mà golf và football đang sở hữu. Và hy vọng nó sẽ sớm được phát triển ở Việt Nam để chúng ta có cơ hội chơi bộ môn thể thao kết hợp đầy sáng tạo này.
Kent Lê