Được làm lại từ phiên bản gốc của Hàn Quốc, Em là bà nội của anh là một phiên bản gần gũi với tinh thần bản gốc, và hơn thế nữa, gửi gắm và hòa quyện tình cảm và tinh thần Việt.
Chuyện phim xoay quanh mối quan hệ của bà Đại (NSƯT Minh Đức), một bà lão bảy mươi tuổi, nề nếp đến mức độ bắt ne bắt nét con trai, con dâu, cháu gái và cả bạn bè trong câu lạc bộ hưu trí. Khi gia đình con trai có ý định đưa bà trở về quê sinh sống, bà Đại vô tình nhận được phép màu trở thành một cô gái tuổi đôi mươi Thanh Nga (Miu Lê). Bà được phát hiện có khả năng ca hát bởi ông bầu Mạnh Đức (Hứa Vĩ Văn) và vô tình trở thành ca sĩ chính trong ban nhạc của chính cháu trai mình (Ngô Kiến Huy). Trong khi đó, “người bạn trai” tuổi già của bà (NSƯT Thanh Nam) không ngừng tiến hành điều tra thân phận cô gái trẻ kỳ lạ này bởi ông nhận ra những nét thân quen. Từ đó những tình huống dở khóc dở cười liên tiếp diễn ra.
Trong một cảnh thú vị nhất phim, “bà nội” Thanh Nga chuyển từ trạng thái hoang mang sang thích thú với độ tuổi mới khi bị vây quanh bởi một tốp các bà lão múa quạt. Âm thanh được xỷ lý khiến tiếng quạt khớp khanh khách với tiếng vẹo xương sườn và cột sống của nhân vật. Sau đó, một cô gái nóng bỏng chạy vào giữa hàng, các anh thanh niên chúi mũi nhìn theo. Một chi tiết dễ đoán nhưng chi tiết liền sau đó, một bà già chạy qua, trong sự phớt lờ của các anh khiến người xem lập tức trở lại tâm trạng để thích thú với chọn lựa của nhân vật. Đây là một đoạn phim được xử lý tròn trịa cả về diễn xuất, góc máy và dựng.
Phần diễn xuất thuyết phục là một trong những điểm mạnh của phim. Những đoạn Miu Lê diễn với Ngô Kiến Huy mượt mà như hai chất hóa học liên kết được với nhau. Ở đâu đó trong mối quan hệ là sự thích nhè nhẹ từ người cháu dành cho người bà trong bộ dạng trẻ măng, có thể giải thích đó là tình cảm gần gũi tự nhiên mà anh chưa giải thích được. Còn người bà thì luôn có sự xem thường kiểu “áo mặc chưa qua khỏi đầu”, nhưng thấm đượm sự động viên và cổ vũ tinh thần cho đứa cháu.
Một đoạn khác cũng rất ngọt là đoạn “bà nội” về thăm lại nhà trong bộ dạng trẻ. Vẫn kiểu xét nét từng thành viên trong gia đình, mối quan hệ của bà và từng thành viên ngày được làm rõ, kể cả những sự thật mà thành viên nào cũng hiểu, trừ “bà nội”, nay cũng được phơi bày.
Điều bất ngờ nhất của phim chính là Miu Lê khi cô hóa thân trọn vẹn vào nhân vật. Điểm nguy hiểm của vai diễn dạng này là có thể ước lệ dáng vóc người già, nhưng ở Miu Lê, cô làm người xem bị ngã gục và trố mắt tin rằng cô là một bà già, một tâm hồn rất già, nhưng dần trẻ lại trong một hình hài rất trẻ. Miu Lê giữ tâm lý nhân vật ổn định và phát triển nó hợp lý từ đầu đến cuối.
Trong một đoạn được Việt hóa đầy sáng tạo, tác giả kịch bản và đạo diễn đã cho Miu Lê lên lớp bọn trẻ nông nổi và hỗn với người lớn tuổi một bài học về sự hy sinh của người bạn trai già của bà trong chiến tranh. Với ý tưởng chuyển thể thú vị, Miu Lê hoàn toàn thuyết phục trong hình mẫu một bà cụ lụ khụ với cá tính mạnh, luôn sẵn sàng dạy dỗ bọn trẻ kém kinh nghiệm, nhưng lại đang mang hình hài một cô gái xinh đẹp.
Những mối quan hệ giữa “bà nội” và các nhân vật khác được xây dựng tròn trịa. Nếu có điểm yếu thì có lẽ đó là mối quan hệ giữa “bà nội” và ông bầu còn nhạt.
Đã lâu lắm rồi trong điện ảnh Việt mới xuất hiện những dàn cảnh tròn trịa, nhiều lớp lang, kỹ lưỡng từ những chi tiết phục trang và thiết kế mỹ thuật và hoàn toàn thuyết phục về mặt diễn xuất. Những mối cắt dựng cũng gọn gàng, chuyển cảnh êm ái, nhạc lên và xuống đúng thời điểm để nâng cảm xúc.
Tuy vậy phim cũng có vài cảnh được xử lý hơi cũ. Trong đoạn Miu Lê hát, hình ảnh hồi tưởng thời chiến và quá khứ vất vả của nhân vật bị dàn dựng khá ước lệ, có thể khiến một số khán giả cảm động nhưng một số khác bị bật ra khỏi hoàn cảnh. Đoạn gần cuối phim sử dụng mô-típ nhân vật chính đứng trên một sân khấu lớn hát để phơi bày nỗi lòng. Cách xử lý này bị lạm dụng và lặp lại khá nhiều trong phim Việt Nam thời gian gần đây.
Một số tình tiết cũng còn khiên cưỡng như đoạn một nhân vật khác đến tố cáo “bà nội” về công thức bún bò Huế. Vô hình trung, người xem thấy rõ bàn tay đạo diễn và biên kịch đẩy nhân vật vào chỗ bế tắc để vươn tới cột mốc cao trào của câu chuyện.
Đoạn kết phim còn chút lấn cấn về tình huống đẩy nhân vật phải lựa chọn giữa cá nhân – gia đình, tuổi thanh xuân – tuổi già. Nhưng với một vài chi tiết đắt của kịch bản và diễn xuất, đạo diễn đã kịp gỡ lại với đoạn diễn xuất sắc của NSƯT Minh Đức và NSƯT Đức Khuê về sự hy sinh và hạnh phúc riêng, về trách nhiệm giữa mẹ – con, bố – con, bà – cháu, về chi tiết ánh mắt của “bà nội” nhìn ông bầu lần cuối, về cái kẹp tóc.
Một phim chuyển thể kịch bản Hàn nhưng lại Việt Nam nhất trong số các phim Việt Nam gần đây. Người ta nhìn vào bối cảnh, cách nhân vật nói chuyện với nhau, sinh hoạt, cách cư xử để thấy và cảm nhận rất rõ đây là một phim Việt, mang tinh thần Việt. Những bối cảnh được chọn và thiết kế kỹ lưỡng, vừa sạch và đẹp, vừa có không khí cần cho câu chuyện. Tuy vậy, phần nhiều những cảnh trong phim vẫn chưa thoát khỏi bản gốc. Nếu tác giả kịch bản và đạo diễn có thể làm nhiều hơn những phân đoạn Việt hóa, như cảnh múa quạt, trường đoạn ở hồ bơi, hay cảnh Miu Lê hát Còn tuổi nào cho em, thì có lẽ phim đã đánh gục được bất kỳ khán giả khó tính nào.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã có một phim đầu tay thật đẹp. Anh và ê-kíp của mình có lẽ là hiện thân của lớp người trẻ thông minh, biết tìm hiểu và lắng nghe những giá trị của quá khứ, làm nó phù hợp với thời đại. Đó là cách nhà biên kịch và anh sử dụng hình ảnh của cố nghệ sĩ Thanh Nga cho hình tượng chính của phim, là cách họ lồng ghép nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến, những bộ phục trang vintage vào phim. Họ cũng đầy tinh tế khi nhẹ nhàng gửi gắm tâm hồn Việt vào một kịch bản Hàn, khiến người xem tin rằng đó là một câu chuyện rất Việt Nam.
Em là bà nội của anh dài hơn hai tiếng, một trường hợp hiếm của dòng phim giải trí, thế mà nó đủ sức giữ người xem ở lại để cười và khóc theo cùng nhân vật. Và khi đã cười, cảm động hay rưng rưng, khán giả cũng có thể thấy mình đâu đó trong phim, trong mối quan hệ với gia đình, để rồi ta có thể trân trọng giá trị của từng thế hệ, để kết nối, đồng cảm dù biết rằng đâu đó vẫn có những làn ranh.
- Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh