Nằm trong quần thể danh thắng Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình, khu du lịch sinh thái Tràng An có sông, hang động, rừng ngập nước, rừng trên hệ thống dãy núi đá vôi tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm và các di tích lịch sử của thành Nam cố đô Hoa Lư. Tương truyền rằng nơi đây là hậu cứ của triều vua Ðinh Tiên Hoàng từ hơn một nghìn năm trước.
Bến thuyền vào Tràng An cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 7km về phía tây theo đại lộ Tràng An. Giá vé tham quan là 100 ngàn đồng/người. Có khoảng 1.500 chiếc thuyền neo đậu san sát vòng quanh bến. Vào mùa đông khách, thường là sau Tết Âm lịch hay mùa hè, các thuyền hoạt động hết công suất, còn mùa vắng khách có khi mỗi thuyền một tháng mới đến lượt.
Đền Trình
Chúng tôi đến Tràng An vào đầu tháng 10, trời không mưa, khí hậu mát mẻ, khách không đông, tham quan được nhiều hang động. Hôm ấy đoàn đi sớm, khi ánh mặt trời còn dịu. Thuyền trôi chầm chậm trên sông giữa một vùng non nước mây trời đẹp, nên thơ và không khí trong lành. Hai bên lau lách và hoa súng hồng nở đầy tạo cho quang cảnh thêm phần lãng mạn. Dãy núi đá vôi sừng sững hai bên khiến khí hậu càng mát mẻ. Đây đó thấp thoáng thuyền của những người vớt rong, họ có nhiệm vụ làm sạch dòng sông mỗi ngày.
Hoa súng
Điểm dừng đầu tiên là đền Trình, nơi thờ hai công thần nhà Đinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù. Sau đó, khách xuống thuyền và bắt đầu hành trình đi qua các hang động như: hang Tối, hang Sáng, hang Nấu rượu… Mỗi hang một vẻ đặc trưng như tên gọi, các hang có nhiều nhũ đá, nước phía trên lác đác nhỏ xuống. Hang Tối có lòng hang rộng hẹp thay đổi bất ngờ. Hang Sáng long lanh với nhũ đá óng ánh. Người đưa đò bảo rằng hang Nấu Rượu có mạch nước ngầm sâu hơn 10m. Tương truyền, các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua, chúng tôi thấy trong hang có nhiều bình gốm, hũ, chum…
Đường lên Phủ Khống
Điểm dừng chân thứ hai là đền Trần. Theo các tài liệu, đền Trần Ninh Bình do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm tiếp tục cải tạo bề thế hơn nên được gọi là đền Trần. Đền là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam của Hoa Lư tứ trấn. Lễ hội đền Trần Ninh Bình diễn ra vào ngày 18 tháng 3 Âm lịch hằng năm.
Phủ Khống
Rời khỏi đền Trần, thuyền đưa mọi người tham quan các hang động khác như: hang Ba Giọt, Seo, Sơn Dương, Khống… rồi đến điểm dừng chân thứ ba là Phủ Khống, nơi thờ bảy vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, bảy vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của bảy vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần.
Chuẩn bị vào hang
Điểm qua cuối cùng là hang Quy Hậu và thuyền đi luôn ra bên ngoài. Như vậy, chúng tôi đã có một hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Nhìn trên bản đồ, quần thể hang động ở Tràng An giống như một trận đồ bát quái. Những dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Ðiều diệu kỳ nữa là các hồ được nối liền với nhau bởi các gạch nối là các động xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau. Những hang, động này chuyển tải nước chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành lũy bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo. Các nhà địa chất khẳng định khu Tràng An xưa là một vùng biển cổ, qua quá trình vận động địa chất mà kiến tạo nên và được đánh giá như một “bảo tàng địa chất ngoài trời”. Đặc biệt, do các núi đá vôi cao, khiến dòng sông như một hành lang hút gió, có đoạn đi qua gió thổi rất mạnh.
Thuyền chờ khách
Một vòng các hang động như vậy mất khoảng ba giờ. Khi chúng tôi trở ra, những bông hoa súng đã tàn, người lái đò giải thích rằng, hoa súng này giống như hoa mười giờ, chỉ nở trong khoảng 2-3 giờ là tàn. Nắng đã bắt đầu gắt. Đây đó vẫn còn những chiếc thuyền vớt rong chăm chỉ làm nhiệm vụ…
Kim Duy