Lâu nay, thiên hạ chỉ biết Tây Ninh có núi Bà Đen và tòa thánh Cao Đài, chủ yếu là du lịch tham quan kết hợp hành hương, chỉ đi và về trong ngày. Cả tỉnh có mỗi khách sạn hai sao xuống cấp. Nhà khách tỉnh, vừa xây mới, chuẩn ba sao. Có lẽ do nằm cạnh Sài Gòn nên du lịch Tây Ninh quá lép vế. Một phần vì người Tây Ninh tự ti, một phần do khách du lịch cứ“cưỡi ngựa xem hoa”. Nếu chủ động tìm hiểu, Tây Ninh có rất nhiều bất ngờ lý thú.
4B
Chữ B thứ nhất là núi Bà Đen, chắc ai cũng biết. Ngọn núi cao nhất Nam bộ, bằng chiều dài cầu Sài Gòn 986m, duyên dáng như chiếc nón bài thơ của tạo hóa. Trời quang, có thể thấy núi từ tỉnh Svay Rieng (Campuchia) và Củ Chi, cách chừng 50km. Trước 1975, trên đỉnh là doanh trại của lính Mỹ, lưng chừng là quân Giải phóng và dưới chân là lính Việt Nam Cộng hòa. Danh thắng văn hóa lịch sử này là nơi đầu tiên xây dựng cáp treo ở Việt Nam, khai trương vào ngày 8-3-1998. Trước đó, núi Bà Đen cũng tiên phong dẹp được tệ nạn ăn xin đeo bám và bán hàng rong chèo kéo.
Chữ B thứ hai là Bánh canh, đặc biệt là bánh canh Trảng Bàng. Mọi nguyên liệu chế biến phải của Trảng Bàng và ăn tại chỗ mới có hương vị riêng. Từ gạo, bột, nước, củi, thịt heo, gia vị, nước chấm, rau… Bánh gạo không dùng hàn the. Thịt heo thả là ngon nhất. Nếu không thì phải là heo nuôi gia đình, chắc và ít mỡ. Nước chấm phải nguyên chất, có tiêu và ớt xắt. Đặc biệt là rau. Ngoài các loại thông dụng phải có bốn thứ đặc trưng là quế vị (vị the) – lá cóc non (vị chua) – lá nhái (vị đắng) – lá sông (vị chát), còn gọi là lá xông – đọc trệch âm, mọc ven sông rạch hoặc lá lụa (các loại lá non). Tất cả hợp thành thực phẩm chức năng và kích thích tiêu hóa.
Chữ B thứ ba là Bánh tráng, cũng ở Trảng Bàng; thương hiệu ẩm thực của tỉnh. Có cả Festival Bánh Tráng, vinh danh người làm bánh và các sản phẩm. Bánh tráng Tây Ninh là bánh tráng mỏng, cuốn với thịt luộc và các loại rau đặc trưng. Đặc biệt là bánh tráng phơi sương và bánh tráng trộn. Tương truyền, bánh tráng phơi sương là sản phẩm lỗi. Bánh thường phải phơi nắng. Lần nọ, con gái xứ khác về làm dâu Tây Ninh quên dọn bánh vào nhà mà để qua đêm. Thương vợ, chồng lấp liếm, lấy bánh phơi sương ra ăn và mời cả nhà dùng thử. Bất ngờ với món lạ, ai cũng khen ngon. Món này cuốn với heo hay bò luộc và rau Trảng Bàng thì rất ngon.
Chữ B thứ tư hoàn toàn mới. Đó là Bảo tàng. Ngay cửa khẩu Mộc Bài, huyện Gò Dầu; Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị đang khẩn trương hoàn thiện nhóm bảo tàng hoành tráng nhất Việt Nam, cả về diện tích lẫn cổ vật. Dịp 2-9 sắp tới sẽ khai trương giai đoạn 1 Bảo tàng Văn hóa Việt. Bảo tàng có hình bánh dầy, bánh chưng và bánh ít cách điệu, khái quát lịch sử dân tộc với hàng trăm ngàn cổ vật. Sau Bảo tàng Văn hóa Việt sẽ lần lượt là các bảo tàng Đông Bắc Á, ASEAN, Trang sức, Lửa… Cùng với các dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi; cụm bảo tàng ở Mộc Bài sẽ góp thêm cho du lịch Tây Ninh chữ B thứ 4 độc đáo.
2M
Chữ M thứ nhất là Muối tôm, xuất khẩu qua ASEAN và nhiều nước. Ai cũng thấy lạ. Tây Ninh không có biển nhưng lại có đặc sản nổi tiếng từ biển. Món ngon dân dã có từ những năm 1968. Tép đồng tươi, ba đi vó về ăn không hết, cô bé Lê Thị Mỹ Vân (chủ cơ sở muối tôm Mỹ Vân hiện nay) lúc đó, mới hơn 10 tuổi đầu nhưng đã biết giã tép với muối thêm chút ớt và tí đường, để dành làm thức ăn những ngày mưa bão. Thời bao cấp, sau 1975, món ăn dân dã này càng được tận dụng. Khi đất nước đổi mới, nhiều bạn bè Sài Gòn và các tỉnh đến chơi, được nếm thử món muối tép độc đáo, khoái khẩu. Ăn với cơm, trái cây, nêm canh… đều ngon và lạ. Thế là xin phép đăng ký kinh doanh, cũng “trần ai khoai củ”. Bây giờ, muối tép thành muối tôm vì chất lượng hơn.
Chữ M thứ hai là Mãng cầu, miền Bắc gọi là na hay mãng cầu ta, để phân biệt với mãng cầu Xiêm. Tây Ninh là thủ đô mãng cầu Việt Nam, diện tích hơn 6.000ha, năng suất bình quân 12 tấn trên mỗi hécta/năm. Trước đây, mãng cầu chỉ ra mỗi năm một mùa, bây giờ, có mãng cầu trái vụ, cho trái quanh năm. Chuyện mãng cầu trái vụ cũng tình cờ. Nghe kể, mấy cây mãng cầu gần nhà luôn bị trẻ con vặt hết lá để đùa nghịch và chơi trò bán hàng. Vì gần cửa nên thường bị hắt nước. Mấy cây mãng cầu tội nghiệp trơ trụi, có nước tưới, bỗng đâm chồi, nẩy nụ, cho ra những quả ngọt trái mùa. Thế là hình thành kỹ thuật trồng cây trái vụ. Ngoài cây ươm từ hạt, còn có cây chiết cành. Có lẽ do đặc thù khí hậu hanh khô và phù sa chắt chiu, mãng cầu trồng dưới chân núi Bà Đen là ngon nhất.
- Ảnh Dương Minh Bình