Từ năm 2021, chúng ta sẽ thấy nhiều du khách Việt Nam nâng cao ý thức về “lối sống xanh”, góp phần xây dựng môi trường và cộng đồng du lịch địa phương bền vững.
Dịch Covid-19 có thể đã khiến chúng ta phải tạm hoãn các kế hoạch du lịch trong năm 2020, nhưng điều này lại giúp những địa điểm nổi tiếng trên thế giới có được khoảng thời gian cần thiết để phục hồi. Việc tạm dừng du lịch đã giúp du khách nhận thức rõ hơn về các tác động to lớn của những chuyến đi.
Theo khảo sát “Tương lai của Du lịch” thực hiện bởi Booking.com, 59% du khách Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm những cách du lịch bền vững hơn để giảm các tác động lên môi trường và cộng đồng địa phương.
Nắm bắt được điều đó cùng với sự khởi đầu của năm mới đang cận kề, nhiều lựa chọn lưu trú độc đáo đã đưa ra những phát hiện nổi bật về xu hướng du lịch bền vững, bước tiến tương lai của du lịch Việt Nam và thế giới.
Không đi theo số đông
Những người có kế hoạch đi du lịch vào năm 2021 mong muốn tránh những nơi đông đúc và có nhu cầu cao hơn về việc khám phá các địa điểm ít người biết ở Việt Nam. Nhiều du khách Việt cũng sẽ lựa chọn các điểm đến thay thế để tránh đi du lịch vào mùa cao điểm (54%), khu vực đông người (42%) và các điểm du lịch quá đông du khách (61%).
Mong muốn này đồng nghĩa với việc các điểm du lịch địa phương sẽ cần chuẩn bị các biện pháp quản lý đám đông mới, thông minh hơn để đáp ứng nhu cầu của du khách Việt Nam, giúp họ an tâm hơn.
Cho đến hiện tại, nhiều du khách Việt đã kỳ vọng ngành du lịch có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho du lịch bền vững trong dài hạn. Điều đó thể hiện qua việc chủ động tìm kiếm các gói du lịch mùa thấp điểm (45%) và địa điểm “ẩn mình” để tránh khỏi tình trạng quá tải, hưởng lợi nhiều hơn từ chi phí ít cạnh tranh và đảm bảo tốt hơn các biện pháp an toàn & sức khỏe.
Tái chế và tái sử dụng
Kể từ khi đại dịch xảy ra, du khách cũng cân nhắc nhiều hơn về việc tiêu thụ và xử lý rác thải khi đi du lịch. Ngay khi mọi hạn chế được gỡ bỏ, gần 52% khách Việt Nam sẽ sẵn sàng giảm thiểu rác thải và tái chế nhựa trong hành trình của họ.
Để bắt kịp nhu cầu và thị hiếu mới này, các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ cũng nhấn mạnh vai trò bền vững qua những cách thức sáng tạo, độc đáo như chuyển đổi, tái thiết kế những nguyên liệu thô sơ thành những trải nghiệm lưu trú ấn tượng cho du khách.
Hỗ trợ cộng đồng địa phương
Nhận thức của du khách Việt Nam về tác động của họ với môi trường và cộng đồng địa phương đang dần được cải thiện trong đại dịch. Điều này góp phần mở đường cho những chuyến du lịch bền vững và hơn cả là du lịch tái sinh (regenerative tourism) trong tương lai.
73% người Việt cho biết họ muốn các lựa chọn du lịch của mình cũng hỗ trợ các nỗ lực phục hồi của điểm đến để xây dựng lại cộng đồng, mở ra con đường phát triển ngành du lịch tiến bộ hơn, cùng với 72% muốn biết số tiền mà họ chi tiêu được dùng để hỗ trợ cộng đồng địa phương như thế nào.
Du lịch bền vững tại Việt Nam
Với 54 dân tộc, 30 vườn quốc gia và 8 địa điểm được UNESCO công nhận, cảnh quan đa dạng và nền văn hóa giàu bản sắc khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn với khách yêu thích du lịch bền vững.
Từ những điểm đến ít được biết đến như Ba Bể – nổi tiếng với hồ nước tự nhiên, cho đến Đắk Lắk với các tour du lịch voi có ý thức bảo tồn đầu tiên của Việt Nam, có rất nhiều lựa chọn để du khách tìm hiểu, khám phá du lịch bền vững trong nước.
Để duy trì các nguồn tài nguyên địa phương trong khi đáp ứng các hoạt động du lịch, một số sáng kiến thân thiện với môi trường đã được thực hiện tại các điểm lưu trú, chỗ nghỉ, bao gồm hệ thống quản lý nước thải, tái chế và chất thải thực phẩm, trồng trọt sản phẩm hữu cơ, sử dụng năng lượng mặt trời, cấm sử dụng nhựa và hỗ trợ cộng đồng địa phương.