Như vậy, những lo ngại về việc dòng tiền có thể chảy ra khỏi ngân hàng đã không xảy ra, ít nhất là trong ngắn hạn.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc lãi suất huy động ở nước ta cao hay thấp và người dân lựa chọn kênh gửi tiền tiết kiệm nhiều hay ít có mối quan hệ khá mật thiết với tốc độ lạm phát. Khi lạm phát tăng cao, thì dù lãi suất huy động có cao tương ứng thì các ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc huy động vốn, do người dân tìm đến những kênh đầu tư khác cho đồng tiền nhàn rỗi của mình thay vì bỏ tiền vào ngân hàng. Họ lo ngại khối tài sản của mình sẽ ngày càng hao hụt, vì lãi suất tiền gửi không bù đắp được sự trượt giá. Còn từ đầu năm đến nay, chỉ số CPI mỗi tháng tăng khoảng 0,27%, mức tăng quý I-2014 là thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, thì với mức lãi suất huy động hiện tại người gửi tiền vừa bảo toàn được vốn vừa có lãi suất thực dương. Nếu chuyển sang gửi các kỳ hạn dài, người gửi tiết kiệm càng có lợi hơn nữa khi mức lạm phát năm nay dự báo chỉ trong khoảng 6%.
Nhưng nếu như thời gian tới, dòng tiền có chuyển dần từ kênh tiết kiệm sang các kênh khác như sản xuất kinh doanh, thị trường chứng khoán, bất động sản,… hoặc chảy vào kênh tiêu dùng mua sắm thì cũng không có gì đáng lo, nếu không muốn nói là càng mừng cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán là nơi các doanh nghiệp có thể huy động nguồn vốn dài hạn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu hay trái phiếu, có thêm nguồn lực để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiền vào bất động sản sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành sản xuất khác. Tiêu dùng tăng kích thích sản xuất tăng trưởng, từ đó sẽ tăng tổng cầu, giúp các doanh nghiệp hồi phục, tìm đến ngân hàng để vay thêm vốn sản xuất kinh doanh. Việc người dân rút tiền ra khỏi ngân hàng, đầu tư vào sản xuất kinh doanh như thành lập doanh nghiệp, mua chứng khoán hay đầu tư vào bất động sản đều giúp cho kinh tế tăng trưởng. Khi người dân rút tiền gửi để mua nhà, thường sẽ vay thêm tiền, qua đó giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Thực tế cho thấy, với việc lãi suất huy động giảm dần thời gian qua, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đã ngày một khả quan hơn. Những tín hiệu lạc quan gần đây của thị trường chứng khoán, bất động sản, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các chương trình hướng về nông nghiệp… sẽ giúp sự tăng trưởng ấy càng ổn định.
Quan trọng hơn, khi nền kinh tế tăng tốc, hệ thống ngân hàng sẽ được hưởng lợi vì là nơi trung chuyển của các dòng tiền. Nghĩa là, nếu việc giảm lãi suất huy động tác động đến lượng tiền gửi tiết kiệm, khiến ngân hàng khó khăn trong huy động vốn thì họ sẽ được bù đắp từ những dịch vụ cộng thêm do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động tiêu dùng của người dân đem lại. Đó thực sự là điều đáng mừng cho kinh tế đất nước. Thời gian qua, chính việc tỷ suất sinh lợi từ gửi tiền tiết kiệm cao hơn từ đầu tư vào nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã góp phần gây nên tình trạng trì trệ cho nền kinh tế, khiến cả cung và cầu đều gặp rất nhiều khó khăn.
Dòng tiền tiết kiệm không chảy hết vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh huy động vốn mà chuyển một phần trực tiếp vào hoạt động đầu tư, tiêu dùng, sản xuất kinh doanh có thể xem là dòng tiền tích cực, góp phần giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Minh Hằng