Một công trình nghiên cứu mới đây cho thấy đồng bộ hóa đồng hồ sinh học cơ thể với thời gian biểu hằng ngày giúp tận dụng tối đa thời gian trong ngày, hoàn thành nhiều công việc và có động lực làm việc hơn.
Hoạt động của đồng hồ sinh học
Bạn có thể nhận thức sự thay đổi đồng hồ sinh học một cách rõ ràng khi thời gian biểu hằng ngày bị xáo trộn. Chẳng hạn, những người làm việc theo ca phải liên tục điều chỉnh mọi sinh hoạt hằng ngày để phù hợp với công việc; du khách có thể gặp những rối loạn về chu kỳ giấc ngủ sau một chuyến bay đường dài. Có những thời điểm trong ngày bạn cảm thấy cơ thể tràn đầy năng lượng và có lúc cảm thấy kiệt sức. Tuy nhiên, nghiên cứu trên cho thấy đồng hồ sinh học có nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn là chu kỳ ngủ – thức.
Những hoạt động đồng bộ hóa
Thực tế là các nhu cầu hằng ngày của cuộc sống như đi lại, làm việc, tham gia các sự kiện… có thể làm giảm hoạt động của các chu kỳ tự nhiên trong cơ thể. Bởi đôi khi cách tổ chức những sinh hoạt hằng ngày của bạn không đi đúng hướng với chu kỳ. Trong khi đó, sự gián đoạn nhịp sinh học có liên quan đến nhiều kết quả tiêu cực như trầm cảm và bệnh tiểu đường. Vậy, thời điểm tốt nhất để đồng bộ hóa là khi nào?
– Giờ ngủ: Đồng hồ sinh học đóng vai trò chính trong việc kiểm soát chu kỳ ngủ – thức hằng ngày, ngoài ra còn có lịch làm việc, thời gian ngủ và tuổi tác. Chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của cơ thể thay đổi khi chúng ta già đi khiến bạn muốn đi ngủ sớm và thức dậy sớm hơn. Do mức năng lượng thường sụt giảm vào đầu giờ chiều nên đây là lúc thích hợp nhất để ngủ trưa. Nếu bạn không thể chợp mắt, hãy nghỉ ngơi nhanh.
– Ăn uống: Ăn uống có giờ giấc tốt cho sức khỏe và giúp kiểm soát cân nặng. Hơn nữa, khi bạn ăn cũng quan trọng đối với việc lập lại đồng hồ sinh học. Nếu bạn đang cố gắng hiệu chỉnh một thời gian biểu mới, như khi đang đi du lịch hoặc làm việc theo ca, việc thay đổi thời gian ăn uống cũng giúp lập lại đồng hồ sinh học để phù hợp hơn với lịch làm việc mới.
– Tập thể dục: Điều chỉnh lịch tập luyện phù hợp với đồng hồ sinh học sẽ tăng tối đa hiệu quả tập luyện. Bạn có thể tập luyện từ giữa đến cuối buổi chiều (3g – 6g chiều). Đây là thời điểm tập luyện tốt và ít có nguy cơ bị chấn thương khi tập luyện. Hãy thực hiện những bài tập về sức mạnh vào lúc muộn hơn trong ngày hoặc trong khoảng 2g – 6g chiều. Buổi tối có thể là thời điểm tốt nhất để tập yoga và các bài tập khác đòi hỏi sự linh hoạt, bởi lúc này cơ thể cảm thấy thoải mái và ít bị tổn thương nhất.
– Tư duy: Bạn có thể hiệu chỉnh thời gian biểu để tăng cường sức mạnh tinh thần. Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng nhận thức thường ở mức cao nhất vào cuối giờ buổi sáng. Lúc này, bạn có thể thực hiện những hoạt động thiên về tinh thần trước giờ ăn trưa. Sự tỉnh táo và mức độ tập trung có xu hướng giảm dần sau các bữa ăn. Đây là lý do bạn thường cảm thấy mất tập trung trong các buổi họp bàn về công việc sau giờ ăn trưa. Mức độ tập trung cũng giảm từ khoảng giữa buổi trưa đến 4g chiều, khiến bạn cảm thấy cần bổ sung năng lượng vào thời điểm này.
Với những công việc đòi hỏi sự sáng tạo, hãy chờ đến lúc bạn cảm thấy hơi mệt một chút. Nghiên cứu về ảnh hưởng của thời gian đối với việc giải quyết các vấn đề trong ngày đã chỉ ra: những người có tư duy sáng tạo tốt nhất là khi họ mệt mỏi. Bởi vì tâm trí có xu hướng đi “lang thang” khi bạn mệt mỏi, bạn có thể có những tư duy mới mẻ và sáng tạo hơn.