Nằm cách thị trấn Mai Châu (Hòa Bình) chỉ 30km nhưng khu bảo tồn Pà Cò – Hang Kia mới đón khách du lịch từ vài năm gần đây. Dải thung lũng xinh đẹp nằm ở độ cao hơn 1.200 mét này như một sơn nữ ngủ quên trong sương mù, giữa những dãy núi đá sừng sững, những con dốc dựng đứng và những khúc cua uốn lượn. Cung đường độc đạo dẫn vào Pà Cò – Hang Kia hiểm trở nhưng cũng mê hoặc du khách vì từ trên xe, người ta đã thấy vườn mận, vườn đào chi chít hoa đang điểm trắng, khoe hồng.
Chủ nhân của thung lũng là các bản làng người Mông còn giữ được hầu hết những phong tục, tập quán cổ xưa, đặc biệt là cách đón tết. Mấy ngày đầu năm, dọc con đường trải bê tông, dưới tán mận ra hoa trắng muốt, rải rác từng nhóm phụ nữ hoặc trẻ em xúng xính trong trang phục thổ cẩm sặc sỡ, đính thêm đồng bạc hoa xòe sáng choang. Ghé vào bếp lửa ấm áp giữa mỗi ngôi nhà sàn, du khách được mời ngay một bữa rượu ngô nồng ấm, kèm theo đó có điệu khèn rộn rã do chính bác chủ nhà nhiệt tình trình diễn.
Khi dừng chân ở xã Pà Cò, chúng tôi được thấy tận mắt cách người Mông nhuộm chàm cho thổ cẩm theo cách thủ công từ xa xưa. Sau khi chiết xuất từ lá chàm, nước nhuộm được ủ trong những chiếc vò kín bảo quản rất cẩn thận. Thổ cẩm nhuộm xong được phơi trên sào tre, rồi còn phải nhuộm đi nhuộm lại cho đến khi đạt được sắc chàm chuẩn nhất và sẽ không bị phai màu sau hàng chục năm nữa. Cho đến giờ, người dân bản vẫn tự dệt, tự nhuộm vải cho gia đình, tự thêu thùa, tự làm cả giấy trang trí bàn thờ, việc mua bán hàng hóa còn khá xa lạ.
Tết đến, người Mông sẽ làm mới bàn thờ bằng tấm giấy hình chữ nhật được cắt trang trí hình răng cưa ở phía dưới. Trước đó người phụ nữ Mông lên núi tìm một loại cây thuộc họ sậy mang về ngâm, giã thành bột rồi làm giấy. Loại giấy này vừa cứng vừa dai, được dùng để dán vào tất cả các đồ vật trong nhà. Theo quan niệm của người Mông, mọi vật đều có linh hồn nên trong những ngày tết, chủ nhân dán giấy và thắp nhang cho chúng giống như là một sự tri ân sau một năm làm việc… Giữa núi rừng thâm u, tiếng chày làm giấy của dân bản nghe thật thú vị. Tất cả mọi công đoạn lên rừng tìm cây, luộc chín, giã nát, tán bột, lên khung, tráng giấy… đều được làm tỉ mỉ bằng tay.
Từ Pà Cò, tiến sâu thêm gần chục cây số, đoàn đặt chân đến đất Hang Kia. Nằm giữa những dãy núi cao vút có một số thung lũng rất nên thơ, mà đẹp nhất có lẽ là Hang Kia. Xe ì ạch leo lên những con dốc dựng đứng để đến đỉnh Pà Cò xong, từ đỉnh cao này bác tài lại phải ghìm phanh, thả dốc mới xuống được Hang Kia.
Món ăn chính trong những ngày tết ở Hang Kia gồm thịt heo và bánh dày. Thịt heo cắp nách chế biến cùng gia vị của núi rừng tất nhiên rất thơm ngon, nhưng làm du khách nhớ nhất lại là món bánh dày. Bánh dày của người Mông được làm bằng loại gạo nếp nương ngon nhất, trắng và dẻo nhất chỉ dùng cho những dịp đặc biệt. Sau khi đồ xôi cho chín, người ta đổ vào cối giã khi xôi còn nóng rồi nặn bánh. Điều đặc biệt là du khách không thể nào mua các món ăn tinh túy nhất của người Mông trong ngày tết dù trả tiền cao đến mấy. Người Mông quan niệm rằng ngày tết, những gì ngon nhất thì phải dành cho bản thân và gia đình chứ không được đem đổi lấy tiền hay hàng hóa khác. Hơn nữa, trong những ngày đầu năm họ rất kỵ việc tiêu tiền. Tuy nhiên với khách đến chơi nhà, kể cả khách lạ dưới xuôi thì dân bản lại rất nồng nhiệt, đem rượu thịt và bánh ra mời ăn cho bằng được!