Với không ít người, đọc sách đã là một phần quan trọng của cuộc sống. Sách như cơm, ngày nào không đọc, cơ thể cảm thấy thiếu, nói rằng “nghiện sách” cũng không sai.
Sách xưa không có nhiều loại và nặng về tôn giáo, triết lý, dạy cách làm người. Ngay cả tiểu thuyết phần lớn cũng thế. Sách về khoa học kỹ thuật, chính trị, kinh tế xã hội, nghề nghiệp,… đều có nội dung chọn lọc, bổ ích. Do đó, trẻ nhỏ thường được người lớn khuyến khích đọc sách. Ngày nay, dù đã có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng qua nhiều kênh như truyền hình, đài phát thanh, báo giấy, mạng internet…, nhưng số người đọc sách không vì thế mà giảm đi. Ngoài đọc sách in, đã xuất hiện sách điện tử.
Đến được với sách thường phải có duyên, nhưng tốt nhất là vào độ tuổi vừa biết chữ, khi đứa trẻ muốn tìm tòi cái lạ, cái mới. Khi còn nhỏ, ở đầu làng tôi có một tiệm sách, người trong làng nếu có tiền thì mua, không tiền thì mướn, không nữa thì xem “cọp”. Tôi thuộc thành phần đọc “cọp” đó, tính ra đã đọc khoảng vài ba chục bộ truyện thơ lục bát (Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa, Trần Minh khố chuối v.v…) và mấy chục bộ truyện Tàu. Thật ra khi ấy có nhiều từ còn chưa hiểu nghĩa, nhưng đại thể hiểu được cốt truyện, vậy là thích thú lắm rồi. Có những từ đọc lần đầu chưa hiểu, đọc nhiều lần trong cùng một ngữ cảnh nên cũng dần biết được đại khái. Ví dụ trong truyện Tàu, hai tướng trước khi đánh nhau đều có màn chửi nhau, sau đó xông vào đánh vài ba chục hiệp. Đến khi bên nào xuất hiện từ “thất kinh” thì y như rằng bên đó sẽ bỏ chạy. Hay trong chuyện có trai có gái mà xuất hiện từ “mây mưa”, tuy chẳng biết “mây mưa” là cái gì nhưng sau đó câu chuyện sẽ dẫn đến họ bị người ta bắt tội gì đó. Tức là có từ “mây mưa” là biết có chuyện không bình thường. Đại loại như thế, lần hồi hiểu ra ý nghĩa đại khái của những từ khó, quả là một sự khám phá lý thú của trẻ thơ. Cũng nhờ đọc sách, biết thêm nhiều từ ngữ văn học, khoa học giúp cho sự hiểu biết, trí tưởng tượng của trẻ nhỏ được phong phú hơn.
Khi đọc sách trở thành một yêu cầu thì nội dung của sách sẽ thay đổi tương ứng với tuổi tác cũng như kiến thức của người đọc. Khi lên Sài Gòn, tôi tiếp tục đọc “cọp” ở Nhà sách Khai Trí (quận 1) – nhà sách duy nhất tại Sài Gòn lúc bấy giờ cho phép người mua sách tự do lấy sách từ giá sách xuống xem mà không bị hỏi rằng có mua hay không. Suốt gần mười năm, tôi đọc hết từ Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Hiến Lê, đến truyện kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long,… Sau năm 1975, hàng loạt sách mới lại đến, nào là Thép đã tôi thế đấy, Thành trì, Câu chuyện thường ngày ở huyện, Lỗ Tấn tuyển tập, Bài ca sư phạm, v.v… Đến nay, đa phần quên gần hết, nhưng cũng có những câu chuyện còn đọng lại đến bây giờ. Như trong truyện Bài ca sư phạm của Macarenko, khi ông làm hiệu trưởng trường của các trẻ em bụi đời, ông đã đối xử và giáo dục các em như với những đứa trẻ bình thường. Ông có quy định rằng khi lên cầu thang gỗ (tay vịn yếu) học sinh không được nắm vào tay vịn vì sẽ làm hư. Ba mươi năm sau, trường đã xây dựng lại, to đẹp khang trang, khi về thăm trường, ông thấy các học sinh lên cầu thang vẫn giữ nếp đi ngay ngắn lên lầu mà tay không vịn cầu thang. Ông hỏi thì được các học sinh trả lời rằng đây là truyền thống của trường, vì con người có xương sống nên đi đứng luôn giữ ngay ngắn – một câu trả lời rất hay ngoài ý của ông. Quả là “bình cũ rượu mới”, một sự phát triển ý tưởng, một nội dung văn hóa mới được sinh ra trên một thói quen cũ. Cũng như những tập tục cũ trong xã hội vẫn có thể cấy vào một nội dung mới để chúng vẫn hữu ích, chứ không cần thiết phải cấm đoán.
Có những bộ truyện được nhiều người ưa thích nhưTam Quốc nhưng ít người biết là trong nội dung của truyện, theo nhà nghiên cứu sử – Giáo sư Dịch Trung Thiên của Trường Đại học Phúc Kiến (Trung Quốc), qua khảo cứu khoảng 81 đầu sách liên quan, có thể kết luận rằng nội dung Tam Quốc hư cấu đến trên 40%. Những đoạn “Tam cố thảo lư”, “Thảo thuyền mượn tiễn”, “Quan Công phục Huê Dung”, “Tào Tháo trảm Dương Tu”, “Khổng Minh khóc Chu Du” v.v… chỉ là hình tượng văn học do tác giả La Quán Trung thêm vào, để làm nổi bật đặc tính của nhân vật. Ngoài ra, do không biết chữ, nên người dân chủ yếu biết đến những câu chuyện này thông qua tuồng hay kịch. Các đạo diễn tiếp tục thêm vào những động tác, tình huống cường điệu, khắc sâu cá tính (giả tạo) của nhân vật nhằm thỏa mãn tâm lý người dân. Nhờ thế, từ đời này qua đời khác, truyện Tam Quốc được hâm mộ và lưu lại cho đến ngày nay.
Đọc sách, vì vậy, không chỉ giúp chúng ta tăng kiến thức mà còn giúp tăng kinh nghiệm sống, phán xét được tính thực hư của sự việc. Mỗi người có thể xem nội dung sự kiện diễn tả trong sách để giải trí, nghiêm túc hơn – để tăng thêm kiến thức, hay cao hơn nữa là chọn lọc lấy phần “thực” để rút kinh nghiệm, xác lập giá trị tư tưởng cho riêng mình. Cần phải phân biệt đâu là thật, đâu là nội dung thêm vào của tác giả. Do đó mới có câu “đọc sách mà tuyệt đối tin vào sách thì thà không đọc còn tốt hơn”.
Xuân, 2015
- Phan Chánh Dưỡng