Ở Mỹ và một số nước châu Âu, chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh một doanh nhân với bộ vest lịch thiệp đi làm trên chiếc xe đạp thay vì chiếc xe hơi sang trọng. Ở Việt Nam, người làm ở cấp quản lý đi làm bằng xe đạp cũng không hiếm. Đạp xe không chỉ là một môn thể thao mà còn là một phong trào sống khỏe và bảo vệ môi trường phổ biến trong dân văn phòng.
Các CEO đi làm bằng xe đạp
Đa số người Mỹ đều biết đến sự kiện thường niên “Bike to work day”, diễn ra trên khắp các tiểu bang nhằm khuyến khích người dân đi làm bằng xe đạp. Tại San Francisco, hàng trăm người đã tham gia sự kiện “Bike to work day” diễn ra vào tháng 5 vừa qua. Trong ngày này, Edwin Lee – thị trưởng thành phố San Francisco đã cùng Jay H. Walder – Giám đốc Điều hành Công ty chuyên chia sẻ xe đạp toàn cầu Motivate, đạp xe đến một cuộc họp tại Tòa thị chính City Hall. Dự kiến cuối hè năm nay, San Francisco sẽ có khoảng 2.000 xe đạp và con số này sẽ tăng lên 4.500 chiếc vào hè năm 2018.
Tại Việt Nam, một số người làm CEO cũng đã chọn đi làm trên “con ngựa sắt”. Anh Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Saigon Books cho biết: “Đi xe đạp có nhiều điều thú vị lắm. Trước đây, khi ngồi trên chiếc xe hơi, tôi thường xuyên phải chú ý quay kiếng lên vì sợ bụi. Còn bây giờ, vừa đạp xe vừa hít thở khí trời và hít luôn bụi khói, tôi thấy cũng không có vấn đề gì đáng ngại, chỉ thấy mình được hòa mình trong không gian tươi mới của Sài Gòn buổi bình minh. Những ai đã đi xe đạp rồi mới hiểu thế nào là mỏi gối chồn chân khi leo dốc. Hạnh phúc đôi khi đơn giản là được thả dốc, nghỉ chân sau một đoạn đường gò lưng leo dốc. Khi đạp xe tôi hay nghĩ đến nguyên tắc sống đơn giản hơn. Thế giới hiện đại đang quay cuồng với biết bao nhiêu thứ phức tạp đang làm cho cuộc sống con người trở nên rối rắm và lẩn quẩn. Vì vậy, giá trị của sự đơn giản ngày càng được đề cao…”.
Là một người yêu thích môn đạp xe lâu năm, ông Dương Nguyên Vũ, Giám đốc Viện John Von Neumann, cũng có thói quen dậy sớm và chạy xe đạp từ nhà (quận 1) đến Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức). Ông kể: “Người mê đạp xe như tôi chỉ cần được lao xe trên những con đường đẹp thì lòng đã vui sướng đến lạ. Niềm vui mỗi ngày của chúng tôi đơn giản từ việc chiến thắng bản thân, bước ra khỏi giường và xỏ chân vào đôi giày và bắt đầu chọn một cung đường để thong dong trên những vòng xe. Nếu chịu khó đạp xe đi làm mỗi buổi sáng thì chúng ta sẽ dễ có được sự thư thái, vui tươi cả ngày. Vì thể thao nói chung và đạp xe nói riêng giúp cơ thể tiết ra endorphin, một liều thuốc giảm đau tự nhiên, cũng là hormon tốt nhất cho người làm việc trí óc căng thẳng”.
Những lợi ích của việc đi làm trên “con ngựa sắt”
Một bài viết mới đây trên tạp chí Forbes đã chỉ ra rằng, thói quen đi làm bằng xe đạp hằng ngày sẽ giúp các CEO giảm stress, căng thẳng, tăng sự tự tin và khả năng tập trung. Vì vậy, những người càng “nặng đầu” với khối lượng công việc lớn cùng “mớ” hỗn độn các vấn đề cần giải quyết thì càng nên đi làm bằng xe đạp mỗi ngày. Sau đây là những lợi ích đã được kiểm chứng khi chúng ta có thói quen đạp xe đến công sở:
Thứ nhất, đạp xe cho chúng ta thời gian để suy nghĩ về công việc, cuộc sống. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Trường Đại học Concordia (Canada) cho biết người đạp xe đi làm sẽ cảm thấy ít áp lực, căng thẳng hơn trong buổi sáng làm việc. Ngoài ra, người đạp xe đi làm buổi sáng sẽ tăng năng suất làm việc cả ngày. Theo ông Steven Johnson, Chủ tịch hội đạp xe Mỹ, thì trên cung đường đạp xe tương đối dài, chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về những vấn đề phải đối mặt tại văn phòng. Khi đó, chúng ta sẽ có thời gian sắp xếp công việc trong đầu sao cho mọi thứ trôi chảy hơn. Ngoài ra, đạp xe là cơ hội cho tâm trí và cơ thể được kết nối, giúp chúng ta sống cân bằng và duy trì các cảm xúc tích cực.
Thứ hai, đạp xe đi làm giúp giảm stress và căng thẳng. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí quốc tế về quản lý sức khỏe tại nơi làm việc cho thấy thói quen đi làm bằng xe đạp sẽ giúp chúng ta bắt đầu một ngày mới ít căng thẳng hơn. Lợi ích này có thể kéo dài cho đến buổi chiều và buổi tối. Giáo sư Stéphane Brutus, đến từ Trường Đại học Concordia, Canada cho biết: “Chúng tôi thường xuyên thảo luận với nhau về cảm xúc tích cực khi đạp xe đi làm. Sau một thời gian ngắn đạp xe mỗi buổi sáng, các đồng nghiệp của tôi đã thể hiện rõ sự hào hứng với việc đạp xe đi làm thay vì đi bằng xe hơi hoặc phương tiện công cộng như trước đây”.
Thứ ba, đạp xe giúp giảm cân và săn chắc hông, đùi. Nghiên cứu cho thấy người đạp xe với vận tốc khoảng 20km/giờ giúp tiêu hao năng lượng bằng với người đi bộ 5km/giờ. Do đó, đạp xe đi làm mỗi ngày rất thích hợp cho những người muốn giảm cân hoặc “dân” văn phòng muốn giữ dáng. Lưu ý là trước khi đạp xe, chúng ta nên uống khoảng 200ml nước, đồng thời nhấp từng ngụm nhỏ mỗi 15 phút đạp xe. Nhiệt độ môi trường quá cao làm cơ thể mất nước, vì vậy cần hạn chế đạp xe khi trời quá nóng trên 38oC.
Thứ tư, đạp xe đi làm hằng ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và tim mạch đến gần 50%. Tiến sĩ Jason Gill, đến từ Trường Đại học Glasgow (Anh) cho biết: “Đạp xe một phần hoặc toàn bộ quãng đường đến nơi làm việc có liên quan đến khả năng giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm. Những người đạp xe đi làm có ít nguy cơ bị mắc bệnh tim, ung thư hoặc nguy cơ tử vong nói chung đến 40% trong suốt năm năm tiếp theo”.
Một trường hợp nhiều người biết đến là L. Amstrong, tay đua người Mỹ từng bảy lần vô địch cuộc đua vòng quanh nước Pháp. Amstrong bị mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt nhưng anh rèn luyện sức khỏe bằng môn đạp xe mỗi ngày, nhờ đó mà anh chống chọi được với căn bệnh quái ác của mình và anh đã trở thành huyền thoại của thế giới trong lĩnh vực đua xe.
Chính vì những lợi ích của xe đạp mà nhiều quốc gia hiện nay đang khuyến khích đạp xe đi làm. Các nước châu Âu khí hậu trong lành và sạch sẽ cũng có phần nhờ người dân thích đi xe đạp như ở Thụy Điển, Pháp, Đức… trong đó có cả những “thành phố xe đạp” vô cùng yên tĩnh và nhẹ nhàng như Cambridge, Oxford (Anh), Amsterdam (Hà Lan)… Tại châu Á, người dân Trung Quốc, Nhật Bản đi làm bằng xe đạp và phương tiện công cộng rất phổ biến. Hàn Quốc là quốc gia có nhiều chính sách khuyến khích người dân đi xe đạp như: dành hơn 1 tỉ USD phát triển đường dành riêng cho xe đạp, phát phiếu mua hàng, bán hàng giảm giá cho người đi xe đạp trong một chiến lược mười năm. Liệu Việt Nam có thể giảm dần tình trạng ô nhiễm khói bụi bằng cách tăng cường việc đi làm bằng xe đạp không?
- Thanh Nhã