Chuyên trang Đô thị đặc thù, nhằm nhận diện những lợi thế mà thiên nhiên và quá trình kiến tạo vùng đất đã riêng tặng cho một số đô thị: biển đảo, núi rừng, di sản…, để từ đó tiệm cận đến các chủ thuyết phát triển đúng đắn, bền vững cho các loại đô thị đặc thù này.
Mở đầu chuyên trang, chúng tôi thực hiện chuyên đề “Tiến biển bằng đô thị” và sẽ nối dài nội dung đến cuộc tọa đàm: “Tổng quan hiện trạng đô thị biển Việt Nam và một số quan điểm về kiểm soát phát triển”, do Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, Tạp chí Người Đô Thị đồng tổ chức vào ngày 30-9 tại Hà Nội.
Việt Nam phải tiến biển với hai động lực chính: 1- Chủ quyền lãnh hải; 2- Chủ quyền kinh tế và phát triển kinh tế. Để làm được hai nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đó (Nghị quyết 36-NQ/TW – 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn đến 2045) tất yếu cần tích tụ được lượng dân số định cư đủ lớn trên cả ba không gian bờ biển; đảo, quần đảo; trên biển – mà đô thị là mô hình định cư có khả năng tích tụ dân số hiệu quả nhất.
Những thành tựu kinh tế to lớn trong các lĩnh vực du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng, khai thác hải sản, công nghiệp ven biển… là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, sự phát triển đó đang bộc lộ các nhược điểm lớn khi nhìn nhận chúng từ các quan điểm về phát triển đô thị.
Có thể bắt đầu cách tiếp cần này với một số câu hỏi chung, như: Việt Nam đã có hệ thống đô thị biển chưa? Có cách nào ngăn chặn cơ chế sinh ra các cuộc “tư nhân hóa tài nguyên biển”, làm sao để tạo được loại đô thị cảng – công nghiệp đúng nghĩa?…
Chuyên đề này chỉ có thể bước đầu gợi ra vài nội dung cùng bạn đọc, để chúng ta hướng ra đại dương với những suy nghĩ về các loại đô thị biển của nước ta.