Từ tháng 1 đến tháng 11, Novak Djokovic đã có một mùa giải 2015 thành công đến khó tin. Chỉ cần nhìn vào các con số thống kê dưới đây là thấy được ưu thế vượt trội của anh.
4. Số danh hiệu Masters Cup liên tục
Với sáu lần đăng quang, Djokovic là nhà vô địch đoạt danh hiệu nhiều nhất của giải cuối năm. Hơn thế nữa, anh đã mang đến chút “cải tiến” khi trở thành tay vợt đầu tiên đăng quang bốn lần liên tiếp ở Masters Cup, từ năm 2012 đến 2015. Trước đó, Ilie Nastase và Ivan Lendl đã ba lần đoạt giải liên tục nhưng đều thất bại trong việc chinh phục danh hiệu thứ tư.
4. Số tay vợt đánh bại Djokovic
Đó là Ivo Karlovic, Roger Federer, Stan Wawrinka và Andy Murray. Trong số này, chỉ riêng Federer đã chiếm nửa số trận thắng trước Djokovic, tại chung kết Dubai, Cincinnati và vòng bảng Masters Cup. Wawrinka là người khiến Djokovic thất vọng nhất khi đánh bại anh trong trận chung kết Roland Garros.
6. Số danh hiệu Masters 1000
Thêm một kỷ lục. Tính đến năm “đáng kinh ngạc” này của tay vợt người Serbia, chưa ai đoạt được hơn năm danh hiệu Masters 1000 trong cùng mùa giải, từ khi hạng giải ATP này ra đời vào năm 1990. Djokovic đã đoạt được năm danh hiệu Masters 1000 vào năm 2011, trước khi Rafael Nadal tái lập thành tích này hai năm sau đó. Lần lượt đăng quang tại Indian Wells, Miami, Monte Carlo, Rome, Thượng Hải và Paris, Djokovic trở thành chủ nhân đầu tiên của sáu danh hiệu Masters 1000 trong cùng một năm.
11. Số danh hiệu trong năm
Cách nay bốn năm, Djokovic đã có một mùa giải thành công với 10 danh hiệu. Nhưng rồi anh bị chựng lại ở cuối mùa giải. So với năm 2011, nay Djokovic mạnh hơn không chỉ vì đoạt 11 danh hiệu mà còn ở chất lượng của nó: ba Grand Slam, sáu Masters 1000, một Masters Cup và một ATP 500. Nadal từng đoạt 11 danh hiệu vào năm 2005, nhưng chỉ có một Grand Slam và bốn Masters 1000. Xem ra chỉ có Roger Federer là nhỉnh hơn khi đoạt 11 danh hiệu hai mùa giải 2004 và 2005, rồi 12 danh hiệu năm 2006, tổng cộng 34 danh hiệu ba năm liền.
15. Số trận chung kết liên tục
Có thể đây là số liệu ấn tượng nhất trong mùa giải của Djokovic. Anh khởi đầu mùa giải ở Doha vào tháng 1 trong trạng thái “làm nóng máy” nên dừng chân ở tứ kết. Sau đó, anh tranh 15 giải, từ Australian Open đến Masters Cup và đều vào đến chung kết. Tóm lại trong năm nay, khi thi đấu không tốt, Djokovic chỉ gác vợt ở trận chung kết. Trong kỷ nguyên open (từ 1968), chỉ có Guillermo Vilas tranh 13 trận chung kết liên tục trong cùng mùa giải vào năm 1977.
31. Số trận thắng các tay vợt thuộc Top 10
Trong 36 trận gặp các tay vợt thuộc Top 10 ở vào thời điểm tranh tài, Djokovic chỉ thua có năm trận: ba trước Federer, một trước Wawrinka và một trước Murray. Giành 31 trận thắng là điều chưa từng thấy. Thành tích cao nhất trước đó là của Nadal với 24 trận, nhưng Djokovic cũng đồng sở hữu kỷ lục này. Tính ra tỷ lệ trận thắng các tay vợt Top 10 của anh là 37%. Để so sánh, năm 2006 Federer thắng 92 trận nhưng “chỉ” có 19 trận trước các tay vợt Top 10, tức 20,7%.
52. Số tuần lễ dẫn đầu bảng xếp hạng ATP
Mùa giải chưa kết thúc, Djokovic đã đảm bảo vị trí số 1 thế giới trong suốt năm. Trước đó, kỷ lục này thuộc về Federer vào năm 2007. Trong bảy mùa tiếp theo đó, chiếc ghế số 1 thế giới đã đổi chủ ít nhất một lần trong năm. Lần này, Djokovic đã không chia sẻ gì cả. Thậm chí từ nay đến Wimbledon 2016, anh vẫn giữ vị trí số 1 thế giới mà không cần thi đấu. Từ Wimbledon đến Masters Cup năm nay, anh đã kiếm được 9.000 điểm, tức nhiều hơn tổng điểm của tay vợt số 2 là Andy Murray. Djokovic là ông chủ liên tục của bảng xếp hạng từ đầu tháng 7-2014. Chắc chắn vào tháng 7-2016, anh sẽ kỷ niệm hai năm trị vì liên tục.
82. Số trận thắng
Dù con số này còn kém 92 trận của Federer năm 2006 và 93 của Jimmy Connors năm 1974, nhưng 82 đã là một kỷ lục cá nhân của Djokovic vì anh chưa hề thắng hơn 75 trận trong một mùa giải. Kể từ Nadal năm 2008, chưa có tay vợt nào vượt qua mốc 80 trận thắng trong một mùa giải. Và Djokovic đã thắng 70/82 trận ở các giải Grand Slam, Masters 1000 và Masters Cup. Một điều chưa từng thấy.
16.585. Số điểm ATP
Lại thêm một kỷ lục. Mùa giải 2006 của Federer được xem là quy chiếu về điểm số ATP với 16.010 điểm, nhưng Djokovic đã làm tốt hơn với 16.585 điểm, trong đó 7.200 điểm ở Grand Slam (2.000 x 3 + 1.200), 7.200 điểm ở Masters 1000 (1.000 x 6 + 600 x 2), 1.300 điểm ở Masters Cup (200 x 2 + 400 + 500), 800 điểm ở ATP 500 (500 + 300), 45 điểm ở ATP 250 và 40 điểm ở Davis Cup.
21.592.125 USD. Số tiền thưởng năm 2015
Trước đây chưa có tay vợt nào vượt qua mốc tiền thưởng 16 triệu USD trong một mùa giải, trong khi Djokovic làm nổ tung kỷ lục với 21 triệu USD. Để so sánh, trong cả sự nghiệp của mình tính đến Masters Cup vừa rồi, Stan Wawrinka cũng chỉ mới vượt qua con số 20 triệu USD tiền thưởng.
- Huỳnh Quang