Với các kiến trúc sư, trong quá trình làm nghề, nhiều khi nguồn cảm hứng đến từ chính những thách thức cụ thể mà mỗi công trình mang lại. Ở loại hình nhà phố, phổ biến nhất vẫn là các khu đất hình chữ nhật với tỷ lệ rộng hẹp khác nhau.
Sự quen thuộc này ít nhiều cũng tạo ra những giới hạn nhất định trong việc tìm kiếm các giải pháp mới lạ. Nhưng với ngôi nhà phố được đề cập trong bài viết này, các kiến trúc sư có được một đề bài thú vị. Họ chia sẻ:
“LVS.house có một sự khác biệt so với các nhà ống khác ở mặt bằng khu đất. Nó có bề ngang hẹp nhưng lại có một khoảng diện tích rộng ở phần sau, trông giống như chữ L. Điều này mở ra hướng phát triển không gian thú vị cho công trình. Chủ đầu tư mong muốn toàn bộ không gian sinh hoạt chung hay cá nhân đều mở tối đa và tạo được sự kết nối tốt nhất, đồng thời giúp họ có thể quan sát các hoạt động của hai con ở độ tuổi còn nhỏ”.
Với quy mô xây dựng gồm một trệt, ba lầu và tầng áp mái, tổng diện tích xây dựng 345m², nhóm thiết kế đã xử lý để mặt bằng trở nên những không gian sống tiện nghi cho một gia đình trẻ với đầy đủ các chức năng cho một lối sống thị dân hiện đại: gara xe hơi, phòng khách, bếp + phòng ăn, bốn phòng ngủ và các không gian sinh hoạt chung cho các thành viên trên mỗi tầng.
Giải pháp lệch tầng được đề xuất, nhóm thiết kế đồng thời khai thác ánh sáng, thông gió tự nhiên theo phương đứng. sử dụng các khoảng không gian chuyển tiếp và giếng trời tạo nên các lớp kết nối con người và thiên nhiên. Có thể nhận thấy ở ngôi nhà này, thiên nhiên được khai thác hiệu quả: thông gió, ánh sáng tự nhiên, cây xanh… các yếu tố này kết hợp với nhau và đi vào từng không gian chung cũng như riêng tạo nên một lối sống cởi mở, gần gũi và chan hòa với thiên nhiên. Đây không phải thiết kế nhà phố nào cũng đạt được.
“Với công trình này, chúng tôi gần như tối giản trong việc sử dụng vật liệu, mong muốn tìm thấy những thẩm mỹ chân phương của kiến trúc và tạo ra một đời sống mới tích cực, tốt đẹp hơn cho gia đình chủ nhân”- nhóm thiết kế cho biết. Quả thực, ở ngôi nhà này là sự hài hòa của tổng thể kiến trúc, là chút ấn tượng ở diện mạo mặt tiền, là sự tiết chế trong sử dụng vật liệu nhưng mỗi thứ đều toát lên ưu thế vốn có của nó.
Sự ấm áp của gỗ, cảm giác sạch sẽ và mát lạnh của đá mài… tất cả hứa hẹn sẽ là một nơi để người ta hưởng thụ cuộc sống, tái tạo năng lượng, nơi để bọn trẻ lớn lên, tự khám phá những bài học nho nhỏ từ cây cối, thiên nhiên. Được như vậy thì đó cũng là thành công của những người thiết kế ngôi nhà này.
_______
Dự án LVS.house, Tân Bình, TP.HCM
Chủ trì thiết kế: Nguyễn Nhỏ
Nhóm thiết kế: Nguyễn Nhỏ, Phan trọng Hiệp, Đặng Thành Phát, Nguyễn Thanh Hải Nam, Nguyễn Đức Truyền, Hứa Hữu Phước
Thi công: Công ty xây dựng Tấn Thanh Hùng
Thi công nội thất: Đam San
Thi công sắt: Công ty cơ khí Nguyễn Minh
Tranh decor: Zone V
_______
– Ảnh Quang Trần