Trải qua một năm 2021 nhiều biến động, tình hình dịch bệnh hiện tại đã được kiểm soát nhưng guồng quay cuộc sống vẫn chưa thể hoàn toàn trở lại bình thường, đặc biệt là với những người làm trong lĩnh vực điện ảnh.
Lĩnh vực nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng đã đi qua một năm 2021 khá “im ắng”. Mọi dự án và kế hoạch đều bị trì hoãn cho đến thời điểm cuối năm vừa qua. Nhìn lại quãng thời gian này, sự kiện livestream “CINE Tết” với chủ đề “Cinetalk – nhìn lại điện ảnh 2021” để các nhà làm phim cùng ngồi lại trò chuyện về điện ảnh Việt trong năm 2021 – một năm đầy thách thức nhưng cũng hứa hẹn nhiều cơ hội bứt phá trong thời gian tới.
Chủ động sáng tạo trong thời kỳ “đóng băng”
Nửa năm “đóng băng” mọi hoạt động giải trí là một thách thức lớn chưa từng có với những người làm công việc nghệ thuật, nhất là những người làm điện ảnh khi rạp phim không hoạt động, mọi dự án đều phải tạm hoãn. Thời điểm này nhìn lại, các nhà làm phim nhận ra quãng thời gian thách thức đó cũng tiềm tàng rất nhiều cơ hội đối với lĩnh vực sáng tạo.
Đạo diễn phim “Em chưa 18” Thanh Sơn chia sẻ việc anh có thể thoải mái xem phim bất kỳ khung giờ nào vì lịch sinh hoạt trong mùa dịch bị đảo lộn đã giúp nam đạo diễn duy trì “sức bền” trong việc sáng tạo. Trong khi đó, nữ diễn viên Jun Vũ khẳng định việc có thể xem phim chất lượng cao và đa dạng thể loại tùy theo nhu cầu thưởng thức trên các ứng dụng xem phim trực tuyến đã giúp cô giữ được một tinh thần thoải mái, lạc quan và đầy năng lượng để trở lại với những kế hoạch mới trong công việc.
Riêng với Hứa Vĩ Văn, nam tài tử đã có một quãng thời gian đáng nhớ khi dùng khả năng sáng tạo nghệ thuật để góp sức cho cuộc chiến chống dịch của cả nước thời gian qua. Hứa Vĩ Văn tiết lộ trong thời gian giãn cách, anh đã vẽ nhiều bức tranh, tổ chức triển lãm và bán đấu giá với tổng số tiền cho một đợt là hơn 160 triệu đồng. Số tiền này sau đó được Hứa Vĩ Văn đóng góp cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hỗ trợ những người ở tuyến đầu chống dịch, ghi dấu một kỷ niệm đẹp và đầy nhân văn cho nam diễn viên trong thời gian dịch bệnh. Trước câu chuyện đầy tích cực này, đạo diễn Thanh Sơn đã khẳng định: “Bản thân câu chuyện của Hứa Vĩ Văn đã là một tác phẩm nghệ thuật rồi đấy”.
Khi thách thức trở thành cơ hội
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu giải trí và truyền cảm hứng sáng tạo, việc được duy trì thói quen xem phim qua những nền tảng trực tuyến đối với người làm nghệ thuật còn là một cơ hội để họ tiếp cận nhiều hơn các tác phẩm điện ảnh trong nước lẫn của bạn bè quốc tế, mở rộng cơ hội học hỏi và trau dồi tư duy, kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực điện ảnh.
Nói về vấn đề này, Jun Vũ chia sẻ: “Khi xem phim tại nhà, mình có thể xem đa dạng các bộ phim Việt lẫn phim nước ngoài, mình có thể tua lại phân cảnh nào mình thích và xem kỹ hơn, phân tích diễn xuất của diễn viên, tình huống trong kịch bản điều đó giúp ích cho mình rất nhiều trong công việc diễn xuất của mình hiện tại”.
Đạo diễn Thanh Sơn và Hứa Vĩ Văn cũng đồng ý với quan điểm này của Jun Vũ. Hứa Vĩ Văn tiết lộ: “Thật ra tuổi thọ của một bộ phim chiếu rạp không dài, vì phim chỉ công chiếu trong một thời gian nhất định. Khi có ứng dụng xem phim trực tuyến, mình thường tổ chức những buổi xem phim nho nhỏ cùng bạn bè, khi cùng xem phim và bình luận, chúng ta sẽ phát hiện ra rất nhiều điều mới mẻ, hay ho”. Liên Bỉnh Phát cũng đồng tình: “Với những diễn viên trẻ như Phát, mình rất trân trọng và luôn nắm bắt cơ hội được học hỏi qua việc xem và phân tích những bộ phim như thế này”.
Sự đa dạng là động lực thúc đẩy điện ảnh phát triển
Ở góc độ của người làm nghệ thuật, đạo diễn Thanh Sơn khẳng định ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí, phim ảnh còn mang đến nhiều giá trị khác cho khán giả: “Nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng đều mang hơi thở thời đại. Khi xem phim, khán giả biết những chuyện gì đang xảy ra ở thế giới ngoài kia để tự trau dồi và nâng cao bản thân mình.”
Mặt khác, Hứa Vĩ Văn khi từ một diễn viên chuyển sang góc nhìn của một khán giả để đánh giá, anh cho rằng điện ảnh là một liều thuốc “chữa lành”: “Khi cảm thấy tinh thần hay tâm trạng không tốt, chỉ cần xem một bộ phim kinh điển của các diễn viên mình yêu thích là mình cảm thấy năng lượng trở lại, yêu nghề hơn và muốn cống hiến nhiều hơn”. Còn Jun Vũ – nữ diễn viên 27 tuổi sau nhiều năm làm nghệ thuật đã nhận thức được không chỉ nhu cầu mà yêu cầu của khán giả đặt ra khi thưởng thức những bộ phim cũng cao hơn.
Khán giả tiêu dùng điện ảnh hiện đại rất thông minh và cuộc sống bận rộn cũng khiến họ đa dạng hóa nhu cầu thưởng thức. Những yêu cầu này vừa là thách thức, nhưng cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh. Cùng với Jun Vũ, những nhà làm phim cũng đồng ý rằng điện ảnh mang đến những giá trị tinh thần tốt đẹp cho người thưởng thức và đồng thời, sự đa dạng trong nhu cầu thưởng thức cho khán giả cũng giúp điện ảnh phát triển hơn từng ngày.