Không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, đúng một ngày sau khi “phá đỉnh” (có thời điểm trong ngày 22-3, VN-Index đã vượt qua mốc điểm 1.180) chỉ số đã phải lui về vùng 1.150 điểm dưới áp lực từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Trong nước, là áp lực chốt lời tại vùng giá cao nhất lịch sử của một bộ phận nhà đầu tư nhằm bảo vệ thành quả, còn ngoài nước là việc thị trường chứng khoán thế giới đang có những phiên giao dịch rất tiêu cực.
Vượt qua được áp lực tâm lý khi VN-Index vượt qua cột mốc điểm đã tồn tại hơn 11 năm là điều không dễ dàng với nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Chính vì vậy, việc thị trường lập tức suy giảm và phải dao động trong vùng giá này một thời gian cũng là điều bình thường. Một giai đoạn tích lũy cần thiết để chỉ số tiếp tục hướng đến những đỉnh cao mới.
Có thể tin tưởng vào điều này bởi nội tại nền kinh tế vẫn đang tốt đẹp, lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng GDP đang theo đúng kế hoạch. Đa số doanh nghiệp niêm yết đều đạt lợi nhuận cao trong năm ngoái cũng như hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay. Thông tin về mức cổ tức hấp dẫn mà nhiều doanh nghiệp chia cho cổ đông của mình chính là kết quả của một năm sản xuất – kinh doanh thành công đó.
Tất nhiên, thị trường chứng khoán thế giới mà đặc biệt là chỉ số Dow Jones của Mỹ cũng có tác động không nhỏ đến các chỉ số chứng khoán khác trong đó có VN-Index. Nhưng cũng cần phải thấy rằng thị trường chứng khoán mỗi quốc gia đều không thể tách rời với kinh tế nội tại của quốc gia đó, và thời gian qua cũng không ít lần VN-Index đi ngược lại xu hướng giảm của thị trường thế giới. Đặc biệt, trong năm nay, chúng ta đang nỗ lực để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, song song đó là việc Chính phủ yêu cầu cổ phần hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước, tất cả sẽ là tác nhân tích cực đối với thị trường chứng khoán.
Theo báo cáo vừa được công bố vào trung tuần tháng 3 của Pyn Elite Fund, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn rất nhiều dư địa tăng trưởng khi các chỉ số vĩ mô, định giá đều ở mức hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực. Pyn Elite Fund nhận định trong năm 2018, VN-Index sẽ đạt khoảng 1.400 điểm; sang năm 2019 thị trường sẽ gặp khó khăn và có thể điều chỉnh về vùng 1.000 điểm, trước khi leo lên mốc 2.000 điểm vào năm 2022 – khi chính thức được MSCI công nhận là thị trường mới nổi.
Cũng cần nói thêm rằng dòng tiền lớn từ các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư lớn vẫn đang tiếp tục đổ vào nước ta. Các đợt thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp lớn thời gian vừa qua như SAB, BMP… đều thành công, đem lại những dấu hiệu tích cực cho thị trường.
Chính vì vậy, với nhiều nhà đầu tư, một nhịp điều chỉnh mạnh như trong ngày 23-3 lại là cơ hội để họ gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Họ giải ngân rất tích cực khi thị trường điều chỉnh và chính điều này đã giúp cho chỉ số không giảm sâu. Ngoài ra, cần lưu ý rằng thị trường đang có một sự phân hóa nhất định, một số cổ phiếu tăng trưởng vẫn tăng giá tốt bất chấp thị trường chung “đỏ rực”. Lựa chọn đầu tư trọng điểm vào những cổ phiếu như vậy, nhà đầu tư có thể yên tâm “xa rời bảng điện” và không cần quan tâm đến biến động của VN-Index trong vùng đỉnh.
Đầu tư chứng khoán là một hành trình lâu dài. Thị trường chung sẽ có lúc lên lúc xuống, VN-Index tạo đỉnh rồi lao dốc…, nhưng với việc nắm giữ một số cổ phiếu tăng trưởng, nhà đầu tư có thể yên tâm rằng tài sản của mình sẽ tăng lên sau một quãng thời gian đủ dài. Việc cần làm chỉ là chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt để đầu tư, chờ đợi và tin tưởng vào thành quả sẽ đạt được.